+Aa-
    Zalo

    Sự thật chuyện người đàn ông hơn 10 năm bị "bạo hành"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hơn 10 năm sống trong cảnh “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” dù có nhà cửa, vợ con đàng hoàng, ông Nguyễn Hữu Châu vẫn tỏ ra không hề oán trách thân phận.

    Hơn 10 năm sống trong cảnh “tối đâu là nhà, ngã đâu là giường” dù có nhà cửa, vợ con đàng hoàng, ông Nguyễn Hữu Châu (phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, Phú Thọ) vẫn tỏ ra không hề oán trách thân phận. Với ông, cuộc sống trên chiếc võng, vỉa hè hay dưới gầm cầu vượt là do thói quen.
     
    Hơn 10 năm ngủ trên võng, vỉa hè, gầm cầu

    Với người dân ở TP Việt Trì, hình ảnh ông Nguyễn Hữu Châu (hơn 60 tuổi) ngày ngày mắc võng ngủ trên vỉa hè, đến tối lại ngủ ở gầm cầu và làm nghề chạy xe ôm để mưu sinh không còn xa lạ.

    Khi nhắc về cuộc sống hơn 10 năm qua trong cảnh “màn trời, chiếu đất”, ai cũng thở dài tỏ ra thương xót. Bà Nguyễn Thị Tĩnh, một người bán nước ở gần cầu vượt hàng chục năm qua cho biết: “Ông Châu có vợ con đàng hoàng. Thậm chí hai người con gái của ông Châu khá thành đạt nhưng chẳng hiểu sao bao năm qua lại để bố mưu sinh và có cuộc sống khổ cực như vậy”.

     Ông Nguyễn Hữu Châu, ngoài hơn 100 năm chạy xe ôm, ngủ vỉa hè. Ảnh: P.B

    Cuối ngày, dòng người đang hối hả về nhà khi đợt rét tăng cường của khu vực phía Bắc, thì bên vỉa hè ông Châu vẫn ngủ ngon trên chiếc võng. Nhìn người đàn ông với gương mặt khắc khổ, nằm bên cạnh đường lớn giá rét, bụi bặm, không có lấy một chiếc chăn mỏng để đắp, chúng tôi không khỏi ái ngại. Tiếp cận ông như một vị khách đi xe ôm bình thường, chúng tôi đã có cơ hội để trò chuyện nhiều hơn và để biết vì sao hơn 10 năm qua, ông chọn cách sống “lập dị” cho mình như thế.

    “Tôi tên thật là Nguyễn Hữu Châu (SN 1954). Bố tôi là người gốc Thái Lan, mẹ thì quê ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Trước đây tôi ở Na Khon, Pha Nôm, Thái Lan”, ông bắt đầu câu chuyện.

    Nhấp ngụm trà, ông kể về cuộc đời của mình vất vưởng nay đây, mai đó theo bố mẹ cho đến khi về Việt Nam sinh sống. Qua nhiều nơi ở và học tập khác nhau, năm 1976, sau khi tốt nghiệp trường cơ điện ở Thái Nguyên, ông về công tác tại Nhà máy dệt kim Phú Thọ. Tại đây, ông quen và lấy vợ nhưng cuộc sống gia đình ông không hạnh phúc như mong muốn. “Một phần vì do mâu thuẫn vợ chồng, một phần vì tôi ham chơi cờ bạc nhiều quá”, ông Châu nói.

    Năm 1983, đời ông được đánh dấu bởi một bước ngoặt lớn, đó là vì đánh bạc nhiều quá, ông đã vướng vào tù tội khi trộm cắp tài sản của nhà máy để bán lấy tiền. Sau hai năm thụ án, ông vẫn được nhà máy gọi vào làm việc nhưng vì tự ái, xấu hổ ông chọn cho mình con đường đi buôn để kiếm kế sinh nhai.

    Những chuyến hàng đêm xuyên các tỉnh phía Tây Bắc cũng đủ để ông kiếm tiền trang trải cho gia đình. Khi có tuổi, ông về mở tiệm sửa xe đạp trên Quốc lộ 2. Được một thời gian, ông nhận thấy việc sửa chữa điện thoại di động sẽ dễ kiếm ra tiền nên tự mày mò rồi mở quán. Sau đó, quán điện thoại này ông nhường lại cho một người con gái, còn mình lấy chiếc xe máy cà tàng chạy xe ôm. Về đêm, dù trời mưa, nắng nóng hay lạnh giá thì ông cũng không về nhà, lúc ngủ bên vỉa hè, lúc chui xuống gầm cầu vượt để trọn giấc qua đêm.

    “Đó là thói quen của tôi”

    Vừa trò chuyện thỉnh thoảng ông lại đứng dậy đi lại cho đỡ đau chân. “Tôi bị bệnh khớp mấy năm nay rồi. Cứ trái gió, trở trời là nó hành tôi ghê gớm. Cũng muốn đi bệnh viện điều trị mà chẳng có tiền”, ông Châu nói.

    Rồi ông kể, làm nghề chạy xe ôm đến nay đã được 12 năm rồi, bây giờ ngày nào nhiều thì được khoảng 100.000 đồng. Số tiền này cũng đủ để ông ăn uống, mưu sinh qua ngày. Trong hơn 10 năm làm xe ôm, ông vẫn “tự hào” khi kể về nghề, đó là chưa bao giờ chở đám thanh niên đi mua ma túy.
     
    “Gần như ngày nào cũng có điện thoại gọi đến chở chúng đi mua ma túy nhưng tôi từ chối hết. Không phải là mình sợ mà mình không thích, không muốn tiếp tay cho thói xấu của đám thanh niên trẻ ấy. Chúng cũng như con mình, cháu mình thôi, khuyên không nghe thì chịu chứ nhất định không tiếp tay”, ông nói.

    Theo lời ông, trong hơn 10 năm làm nghề xe ôm, số lần ông ngủ ở nhà gần như đếm trên đầu ngón tay, kể cả ngày lễ, Tết ông vẫn đi làm bình thường. Có chuyến xe ông chạy từ Phú Thọ lên Yên Bái hoặc về Hà Nội. “Những chuyến đi như thế tuy thu nhập khá nhưng mệt lắm. Bây giờ mình cũng có tuổi rồi, không muốn đi nữa, nhưng vì kế mưu sinh nên bắt buộc phải làm”, ông Châu thật thà.

    Khi nói về những người con, ông bảo, có con gái đầu đang là giáo viên, người nữa thì làm nghề bán và sửa chữa điện thoại di động. “Không phải tôi bị vợ con đuổi ra ngoài đâu. Nhiều năm làm nghề xe ôm, tôi cứ thích ở ngoài nên thành thói quen thôi. Bây giờ hàng ngày tôi vẫn về nhà tắm rửa rồi đi làm chứ vợ con có đuổi tôi đâu”, ông Châu giải thích về những lời đồn thổi bị vợ con bạo hành.

    Khi hỏi về chuyện ông bị con trai đuổi đánh, im lặng hồi lâu, ông Châu ngậm ngùi nói: “Đứa con trai út bị vấn đề về đầu óc nên cũng hay đuổi đánh tôi. Cũng nhiều lần vợ, các con khuyên tôi về nhà sống, nhưng tôi không nghe”, ông tiếp câu chuyện.

    Mang chia sẻ của ông, chúng tôi đi lòng vòng, hỏi một vài người bao nhiêu năm qua chứng kiến cảnh sống của ông Châu, ai cũng lắc đầu ngán ngẩm. Bà Vinh, một người bán hoa quả gần đó bảo, “tính ông ấy như vậy nên ai cũng thương. Sống ở ngoài hàng chục năm mà ai hỏi cũng không trách móc vợ con câu nào. Cũng may, dù sống khắc khổ, ngủ vạ vật bên đường nhưng tôi chưa thấy ông ấy ốm bao giờ”.

    Hỏi ông việc ngủ ngoài đường chính quyền biết hay không, ông bảo “họ biết hết cả chứ. Tôi bây giờ khổ cực lắm, nhưng mà bên chính quyền cũng không nói gì, hỏi thăm gì cả”.

    Liên lạc với ông Bùi Văn Hương, Chủ tịch UBND huyện Gia Cẩm, TP Việt Trì, ông Hương cho biết, “trường hợp này thì tôi không biết được. Tôi đang đi công tác nên có gì trao đổi sau”.

    Theo Báo Gia đình

    Xem thêm clip sập cầu treo kinh hoàng ở Lai Châu:

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/su-that-chuyen-nguoi-dan-ong-hon-10-nam-bi-bao-hanh-a23549.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan