(ĐSPL) - Trường hợp uống trực tiếp hoặc hít phải hơi axit đậm đặc, nạn nhân sẽ cảm thấy khó thở, phù nề, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
Báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải loạt bài Cuộc đời những nạn nhân mang nỗi đau axit để phản ánh về những nỗi đau do axit mang lại.
Nạn nhân của một vụ tạt axit đã nói rằng: “Giá như lúc đó đâm một dao để tôi chết đi có lẽ tôi sẽ không đau đớn, khổ sở như bây giờ. Họ không giết tôi nhưng hủy hoại cả cuộc đời tôi…”.
Những ngày sau đó, họ sống tưởng chừng như địa ngục, sống không bằng chết với thân hình biến dạng… Có nhiều người không vượt qua được nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần đó đã lựa chọn chết đi như một sự giải thoát, nhưng trong số đó cũng có những con người họ đã vượt lên số phận, vượt lên nỗi đau để sống và hạnh phúc.
Qua đó có thể thấy, việc tạt axit là hành động tàn ác và vô nhân đạo nhất. Nguyên nhân chỉ vì ghen tuông mù quáng, vì mâu thuẫn vợ chồng, vì ganh ghét đố kị… nhiều người đã nhẫn tâm dùng axit để hủy hoại cuộc đời người khác, đẩy họ xuống vực thẳm của nỗi đau.
Một gia đình 4 người bị tạt axit vì lý do "đòi công bằng" của hàng xóm. |
Nói về sự hủy hoại khôn lường của axit, PGS.TS Nguyễn Văn Huệ - nguyên Viện phó Viện Bỏng quốc gia cho biết, axit là chất oxy hóa nguy hiểm gây tác động ngay lập tức và gây ra những biến chứng lâu dài đối với cơ thể nạn nhân.
Tùy từng loại axit, vị trí tiếp xúc, có thể chia ra nhiều cấp độ bỏng. Tuy nhiên, nói về axit, chúng đều gây ra tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe và để lại những di chứng không chỉ trên cơ thể mà còn về tâm lý cho nạn nhân.
Sở dĩ axit có thể tàn phá cơ thể là do có thể phản ứng với các protein trên cơ thể (có trong tóc, móng chân, móng tay, da…). Khi tiếp xúc với da, axit làm đông vón các protein của mô và hút nước của tế bào.
Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc với axit, nếu càng lâu, vết bỏng và tình trạng hoại tử càng sâu và mức độ phục hồi sẽ khó khăn hơn.
Nếu bị tạt axit đậm đặc vào phần đầu, có thể gây ăn mòn và phá hủy một phần hộp sọ, tóc và phần da đầu này cũng không bao giờ được tái tạo.
Đặc trưng của axit đậm đặc, nhất là axit sunfuric rất háo nước. Khi tiếp xúc với cơ thể, chúng sẽ nhanh chóng hút nước của sụn, ngưng kết lõi protein bên trong mà phá hủy sụn hoàn toàn. Do đó, những bộ phận chứa nhiều sụn như tai, mũi, tiếp xúc với axit có thể khiến nạn nhân bị điếc, mũi biến dạng, bị bịt kín.
Nếu bị axit bắn vào miệng, nạn nhân có thể mất hoàn toàn đôi môi, việc ăn uống trở nên rất khó khăn. Nguy hiểm nhất là khi bắn trực tiếp vào mắt, người bệnh có thể bị mù lòa.
Trường hợp uống trực tiếp hoặc hít phải hơi axit đậm đặc, nạn nhân sẽ cảm thấy khó thở, phù nề, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
TS. BS Đỗ Lương Tuấn - Chủ nhiệm khoa Bỏng Người lớn- Viện Bỏng Quốc gia. |
Liên quan đến vấn đề này, TS. BS Đỗ Lương Tuấn - Chủ nhiệm khoa Bỏng Người lớn- Viện Bỏng Quốc gia cũng cho biết, việc bị tạt (bỏng) axit để lại những hậu quả rất nặng nề. Những vết bỏng do axit gây ra thường là bỏng sâu nên điều trị rất khó khăn, phức tạp và cực kỳ tốn kém.
Thông thường, những nạn nhân bị tạt (bỏng) axit nếu nhẹ thì trải qua vài ba lần phẫu thuật, nếu nặng hơn là hàng chục lần phẫu thuật với những đau đớn về thể xác và tốn kém, có nhiều gia đình khó khăn phải đi vay mượn để chạy chữa cho con, cho vợ...
Các nạn nhân thường bị bỏng ở các vùng thẩm mỹ như: mặt, cổ, tay, ngực, mắt, mũi… khiến cơ thể biến dạng làm cho nạn nhân điều trị gặp rất nhiều áp lực,tâm lý không ổn định, lúc nào cũng hoang mang, bi quan về hình hài bản thân mình.
Không chỉ gặp những nỗi đau về tâm lý rất nặng nề, những nạn nhân bị tạt (bỏng) axit còn thể gặp nhiều những di, biến chứng như: Sẹo co rút biến dạng các vùng thẩm mỹ gây kinh sợ cho bản thân và người xung quanh; Sẹo lồi xù xì, có khi thành từng dải sẹo theo chiều trên dưới gây co rút hạn chế các chức năng như quay, ngửa cổ, há miệng… Sẹo gây khuyết hoặc mất chức năng các giác quan: mù, teo tai, khuyết mũi, khuyết môi... sốc tâm lý kéo dài, khó hòa nhập với cộng đồng, bi quan với cuộc sống và dễ tìm đến cái chết.
Theo TS. BS Đỗ Lương Tuấn, những nạn nhân bị tạt (bỏng) axit thường bị thương ở vùng mặt, trường hợp này thì nạn nhân nữ chiếm số đông nên sau bỏng thường rất bi quan và tự ti khi tiếp xúc với những người xung quanh, kể cả người thân.
Những bệnh nhân bị khuyết, mất chức năng các giác quan, vận động tay chân thì khó thích nghi với hoàn cảnh mới. Một số khác thì sẹo biến dạng hoặc co rút gây khó khăn nhiều trong sinh hoạt hàng ngày. Đa số sẹo sau bỏng thường đau rát nhiều tháng, nhất là khi thay đổi thời tiết gây mất ăn, mất ngủ, rối loạn tính cách...
(Còn nữa)
KIỀU LINH