Ông Chandrapala Weerasuriya, 67 tuổi, không thể nhớ lần cuối mình uống thuốc là khi nào. Doanh nhân nghỉ hưu, sống ở quận Gampaha của Sri Lanka, đã phải phụ thuộc vào một loại thuốc để hỗ trợ tình trạng vấn đề về thần kinh, vốn khiến ông bị chóng mặt và khó đi lại.
Nhưng thời gian gần đây, ông ấy đã không thể mua thêm thuốc, đơn giản vì nguồn cung thuốc tại Sri Lanka đã cạn kiệt.
Chia sẻ với The Guardian, ông Weeerasuriya tâm sự: "Tôi sợ rằng mình sẽ bị liệt vì không ai chăm sóc cho tôi cả. Tôi và vợ sống có một mình với nhau. Chúng tôi chia nhau làm tất cả mọi việc. Vợ tôi có vấn đề về đầu gối và bà ấy gặp nhiều khó khăn với việc đi lại".
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sri Lanka, được coi là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi quốc gia này đọc lập, đang nhanh chóng chuyển thành một cuộc khủng hoảng sức khoẻ. Kho bạc của chính phủ đã giảm xuống mức thấp nhất trong kỷ lục và tuần trước, quốc gia này đã buộc phải tuyên bố vỡ nợ đối với các khoản vay quốc tế, động thấy lần đầu tiên được đưa r trong lịch sử. Việc thiếu nguồn ngoại tệ quan trọng, Sri Lanka đã không thể nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu bao gồm cả thực phẩm, nhiên liệu và giờ đây là thuốc men.
Sri Lanka nhập khẩu hơn 80% nguồn cung cấp y tế. Hiện gần 200 mặt hàng y tế tại nước đang bị thiếu hụt, bao gồm76 loại thuốc thiết yếu, từ thuốc làm loãng máu cho bệnh nhân đau tim và đột quỵ đến thuốc kháng sinh, vaccine phòng bệnh dại và thuốc hóa trị ung thư.
Các thiết bị phẫu thuật thiết yếu và thuốc gây mê cũng đang hết một cách nhanh chóng nên chính phụ đã phải ra quy định mới, chỉ thực hiện các ca phẫu thuật khẩn cấp, chủ yếu là bệnh nhân tim và ung thư. Tất cả các cuộc phẫu thuật thông thường - bất cứ điều gì từ thoát vị đến sưng ruột thừa - đã phải tạm dừng. Một số bệnh viện chính phủ cũng nhận được hướng dẫn chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu.
Một bác sĩ ở Colombo đã cảnh báo mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này. Bà nói rằng các bệnh viện đã thiếu một số loại thuốc nhất định và họ phải hướng dẫn gia đình bệnh nhân ra tiệm thuốc tây để tự mua. Bà cho biết: "Đã có những trường hợp người nhà đi khắp nơi để tìm thuốc và khi họ quay lại với thuốc thì đã quá muộn và bệnh nhân đã tử vong".
Bác sĩ cho biết tình trạng thiếu hụt thuốc đang diễn biến ngày càng trầm trọng. Bà chia sẻ: "Tôi lo lắng cho các bà mẹ đang mang thai vì tôi không biết liệu chúng tôi có đủ thuốc để thực hiện các ca mổ đẻ hay không".
Các loại thuốc điều trị ung thư, vốn là thuốc nhập khẩu đắt tiền, cũng trở nên khan hiếm trong những tuần gần đây. Trách nhiệm tìm nguồn cung mới của các loại thuốc này thuộc về chính các bác sĩ chuyên khoa ung thư. Họ đã đưa ra những lời kêu gọi quyên góp toàn cầu và viết thư cho những người ủng hộ tư nhân, tổ chức và chính phủ, để nhờ hỗ trợ nhằm đảm bảo việc điều trị ung thư không bị trì hoãn.
Tiến sĩ Buddhismka Somawardana, một bác sĩ chuyên khoa ung thư tại bệnh viện ung thư lớn nhất Colombo, đã mô tả "áp lực nặng nề" mà ông và các bác sĩ khác đang phải trải qua khi các loại thuốc điều trị ung thư thiết yếu bắt đầu hết cách đây hơn 1 tháng.
Ông nói: "Một trong những loại thuốc chúng tôi cung cấp cho bệnh nhân đang hóa trị, giúp tăng lượng máu của họ để họ không bị nhiễm trùng nghiêm trọng, không còn có sẵn nữa. Cho đến nay, chúng tôi đã quyên góp được 80.000 lọ. Nhưng điều này sẽ không kéo dài lâu đâu".
Ông chia sẻ thêm: "Bằng cách nào đó, nhờ các khoản đóng góp, chúng tôi hầu như đã xoay sở mà không gặp bất kỳ vấn đề lớn nào. Nhưng chúng tôi đã phải hoãn một số đợt hóa trị, điều này có thể gây ảnh hưởng xấu đến kết quả ung thư".
Ông Somawardana cho biết cuộc khủng hoảng đang đặt một "gánh nặng tài chính và tâm lý" rất lớn lên các bệnh nhân ung thư, những người đang phải tìm thuốc và chi trả những khoản tiền khổng lồ để tiếp tục điều trị.
Các bác sĩ ung thư cũng cảm thấy áp lực khi phải phải lên kêu gọi quyên góp thuốc toàn cầu trong khi điều trị cho bệnh nhân. Ông nói: "Tôi không biết chúng tôi có thể tiếp tục như thế này được bao lâu".
Ruvaiz Haniffa, một bác sĩ khác ở Colombo, cũng bày tỏ sự thất vọng của mình rằng các bác sĩ đã "thấy điều này đến sớm từ tháng 1" nhưng các nhà chức trách đã không thực hiện các kế hoạch dự phòng để đảm bảo nguồn cung thuốc, ngay cả khi dự trữ ngoại hối của đất nước bắt đầu giảm đến mức thấp đáng lo ngại.
Ông Haniffa tâm sự thêm: "Chúng tôi đang phải đối mặt với những tình huống khó xử lớn về đạo đức với tư cách là bác sĩ. Chúng tôi từng có một hệ thống y tế rất hiệu quả. Nhưng hiện tại, nó đã trở nên vô hiệu. Sẽ có nhiều người chết hơn, điều này là không thể chấp nhận được".
Ông cho biết bệnh nhân của ông buộc phải tự tìm thuốc và phải trả giá cao hơn 40% cho các loại thuốc.Nhiều bệnh nhân thậm chí còn phải lựa chọn giữa thuốc men hoặc trả học phí cho con cái hoặc nhiên liệu để đưa các con đi học.
Bác sĩ Haniffa bày tỏ lo ngại về những tác động lâu dài của cuộc khủng hoảng y tế đến tuổi thọ của người dân Sri Lanka. Ông chỉ ra: "Với bệnh thận, tiểu đường và cao huyết áp mà chúng tôi không điều trị hiện nay, nó sẽ gây ra những hệ quả lâu dại. Vì vậy, trong 5 năm, chúng ta sẽ thấy số ca đột quỵ tăng lên, đau tim tăng lên, các vấn đề thần kinh tăng lên, ung thư cũng tăng lên".
Sri Lanka đã bổ nhiệm ông Ranil Wickremesinghe làm tân thủ tướng nhưng nước này vẫn cảnh cảnh báo rằng tình hình sẽ "chỉ trở nên tồi tệ hơn" và người dân nước này đang phải đối mặt với những tháng khó khăn phía trước, Hôm 29/5, Ấn Độ đã chuyển 25 tấn vật tư y tế cho Sri Lanka, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng y tế. Trong khi đó, Pháp cũng đã tặng nướcn ày một số thiết bị thiết yếu. Dù vậy, những người làm việc trong hệ thống chăm sóc sức khỏe khẳng định Sri Lanka không thể dựa vào các khoản đóng góp mãi được.
Minh Hạnh (Theo The Guardian)