+Aa-
    Zalo

    Sốt xuất huyết tấn công: Mới có người tử vong tại BV Nhiệt đới TW

    • DSPL

    (ĐS&PL) - PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới TW, cho biết dịch sốt xuất huyết (SXH) hiện đang rất căng thẳng tại Hà Nội và cả phía Nam, mới đây có 1 người tử vong.

    PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới TW, cho biết dịch sốt xuất huyết (SXH) hiện đang rất căng thẳng tại Hà Nội và cả phía Nam, mới đây có 1 người tử vong.

    Hiện tại, cả nước đã có 15 ca tử vong vì SXH. Trong đó, trường hợp thứ 15 là tại BV Nhiệt đới TW.

    Bệnh nhân này được chẩn đoán SXH, nhập viện sáng sớm ngày 12/7. Đến rạng sáng ngày 14/7, bệnh nhân tử vong vì xuất huyết não quá nặng, ngoài tầm kiểm soát. Người này có tiền sử bị đái tháo đường và tăng huyết áp đã nhiều năm nay.

    PGS.TS Nguyễn Văn Kính, cho biết thêm: “Tại BV Nhiệt đới TW, 2 tuần trở lại đây số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhanh, với hơn 200 bệnh nhân khám mỗi ngày, tỉ lệ nhập viện 10 – 20%. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân SXH tăng 4 lần và nhiều ca diễn biến nặng”.

    ThS.BS Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh viện tiếp nhận khoảng 700 trường hợp khám nghi ngờ và mắc sốt xuất huyết. Hiện tại, khoa truyền nhiễm của bệnh viện có gần 30 bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết. Với chức năng đầu ngành truyền nhiễm của thành phố, bệnh viện đã tổ chức tập huấn lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế cho toàn bộ đội ngũ y, bác sĩ của các khoa khám bệnh, hồi sức cấp cứu, nhi và khoa truyền nhiễm để sẵn sàng khám và điều trị cho bệnh nhân cũng như hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị tuyến dưới. Bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhân lực, các phương tiện, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các lưu đồ xử trí để cấp cứu người bệnh.

    Còn PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố năm nay đến sớm hơn mọi năm khoảng 2 tháng, số ca mắc tăng nhanh từ tháng 5, 6, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy và Ba Đình.

    Thêm vào đó, địa bàn thành phố rộng, kết cấu khu dân cư tập trung, nhiều ngõ, ngách nhỏ, dân số đông, di biến động dân cư lớn, có nhiều công trường xây dựng lớn, nhỏ, nhiều khu nhà trọ, chợ truyền thống, vì vậy khi xuất hiện dịch thì khả năng lây lan và bùng phát sẽ nhanh.

    Tính đến ngày 29/6, toàn thành phố ghi nhận 2889 trường hợp sốt xuất huyết, 1 ca tử vong. Hơn 90% số trường hợp mắc đã khỏi bệnh, chỉ còn 230 trường hợp đang được điều trị tại các bệnh viện. Hầu hết các ổ dịch có quy mô khu dân cư, thôn, xóm, chưa có ổ dịch lớn tập trung.

    TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYT Dự phòng Hà Nội nhấn mạnh: Công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết cơ bản nhất vẫn là dựa vào cộng đồng. Mà hiệu quả nhất là từ những công việc vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, chủ động lật úp, thau rửa các dụng cụ chứa nước lớn, thả cá diệt bọ gậy, thực hiện ngủ màn,… những công việc nhỏ hàng ngày của mỗi người dân.

    Bên cạnh đó, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh trong thời gian tới, việc tuyên truyền sẽ tập trung hơn nữa đến những nhóm đối tượng khác là chủ các cơ sở sản xuất, chủ nhà trọ, chủ các công trường xây dựng,… Rõ ràng việc phối hợp phòng chống dịch của toàn dân, đòi hỏi sự quan tâm và thực hiện của cả các doanh nghiệp, chủ sản xuất, các công trường trên toàn thành phố,…

    Ông Hạnh cho biết Hà Nội đang đề nghị những nhóm đối tượng trên ký cam kết sẽ xử lý theo quy định nếu vi phạm các điều kiện về vệ sinh môi trường tại địa phương. Đồng thời, vai trò xung kích của lực lượng Đoàn viên thanh niên được phát huy tối đa để hỗ trợ người dân giám sát chặt chẽ và xử lý các ổ bọ gậy nguồn tại các địa bàn dân cư.

    Trước tình hình này, ngày 11/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra chỉ thị về tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết.

    Bệnh SXH khá nguy hiểm bởi bệnh thường khởi phát một cách đột ngột và tiến triển qua ba giai đoạn là giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

    Giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt và có các biểu hiện như thoát huyết tương do tăng tính thấm thành mạch thường kéo dài từ 24 - 48 giờ; tràn dịch màng phổi, mô kẽ, màng bụng, phù nề mi mắt, gan to và có thể đau.

    Nếu bị thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến tình trạng sốc với các biểu hiện như vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh các đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh, nhỏ; huyết áp bị kẹt với hiệu số huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg; huyết áp bị tụt hoặc không đo được; lượng nước tiểu ít.

    Triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra ở dưới da, niêm mạc và nội tạng. Dấu hiệu xuất huyết dưới da được biểu hiện với các nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường thấy ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím.

    Dấu hiệu xuất huyết niêm mạc được biểu hiện với hiện tượng chảy máu mũi, lợi; đi tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Dấu hiệu xuất huyết nội tạng có thể thấy ở hệ tiêu hóa, phổi, não; đây là dấu hiệu nặng. Ngoài ra, một số trường hợp nặng có thể có biểu hiện suy phủ tạng như viêm gan nặng, viêm não, viêm cơ tim.

    Những biểu hiện nặng này có thể xảy ra ở một số người bệnh không có dấu hiệu thoát huyết tương rõ hoặc không bị sốc; vì vậy trên thực tế lâm sàng cần cảnh giác. Khi xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy dung tích hồng cầu (hematocrite) tăng so với giá trị ban đầu của người bệnh hoặc so với giá trị trung bình của dân số ở cùng lứa tuổi; số lượng tiểu cầu giảm dưới 100.000/mm3 máu, enzyme AST (aspartat transaminase), ALT (alanin transaminase) thường tăng; trong trường hợp nặng có thể có rối loạn đông máu. Siêu âm hoặc chụp phim Xquang có thể phát hiện tràn dịch màng bụng, màng phổi.

    Với diễn biến lâm sàng qua 3 giai đoạn đã nêu trên, việc theo dõi bệnh nhân chặt chẽ rất cần thiết để có biện pháp xử trí phù hợp theo từng giai đoạn và tiên lượng trước khả năng có thể ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là những biến chứng trầm trọng xảy ra.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sot-xuat-huyet-tan-cong-moi-co-nguoi-tu-vong-tai-bv-nhiet-doi-tw-a196641.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan