Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết như thế nào?
Nếu người bệnh nhẹ sẽ được chỉ định điều trị tại nhà, việc dùng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có sốt người bệnh cần uống thuốc paracetamol, lau mát bằng nước ấm…
Chú ý, thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 – 15mg/kg cân nặng/lần (ví dụ một người 50kg có thể uống 1 viên paracetamol 500mg/lần), mỗi lần uống cách nhau 4-6 giờ. Tổng liều paracetamol không quá 60 mg/kg cân nặng/24 giờ ( một người 50kg không uống quá 3000mg/ ngày).
Tuyệt đối không dùng Aspirin, Analgin, Ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Bù dịch bằng cách uống oresol (pha đúng theo hướng dẫn), nước cam, nước chanh...
Không kiêng cữ ăn uống; không quấn trẻ bằng nhiều quần áo khi đang sốt cao.
Về dinh dưỡng, đặc điểm bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue là chán ăn, tiêu hóa chậm (xuất huyết tiêu hoá), không ăn bằng miệng được (biến chứng não). Cách ăn tùy thuộc diễn biến của bệnh vì vậy khi mắc sốt xuất huyết cần tăng cường cho người bệnh ăn: trứng, sữa, thịt, cá.
Tăng cường cung cấp năng lượng chủ yếu, tăng tỉ lệ đường đơn, đôi có trong thực phẩm như: Nước đường, nước trái cây và lipid thực vật.
Cần uống đủ nước, giàu sinh tố và muối khoáng: nước trái cây, rau quả, mật ong.
Cần chia nhỏ làm nhiều bữa trong ngày (trẻ em: 6-8 bữa/ngày, người lớn 4- 6 bữa/ngày)
Thực phẩm cho bệnh nhân cần mềm, lỏng, nhiều nước như sữa, cháo mì, phở tùy theo nhu cầu ăn uống của bệnh nhân.
Giai đoạn hồi phục: Tăng lượng, tăng đạm, ăn bù một bữa một ngày như tăng bữa phụ (chè, cháo, sữa chua, trái cây). Vẫn nên ăn thực phẩm mềm sau 3 ngày để phòng xuất huyết tiêu hoá.
Phải đến bệnh viện cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu bệnh tiến triển nặng (dấu hiệu nguy hiểm) như: Hết sốt nhưng bứt rứt, lừ đừ, tay chân lạnh, vã mồ hôi; Người bệnh nôn nhiều, đau bụng; Nôn ra máu, đi ngoài ra máu, chảy máu mũi, chảy máu chân răng
Bị sốt xuất huyết kiêng ăn gì?
Ngoài những loại thực phẩm nên ăn nhằm tăng cường sức đề kháng, bổ sung năng lượng cho cơ thể mau hồi phục, người bệnh sốt xuất huyết không nên ăn gì để tránh ảnh hưởng đến quá trình hồi phục là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.
Đồ ăn dầu mỡ
Những món ăn chứa nhiều dầu mỡ như thức ăn nhanh sẽ gây những tác động xấu đến cơ thể, như tăng cholesterol, cao huyết áp. Người bệnh sốt xuất huyết ăn nhiều thức ăn nhanh có thể khiến quá trình hồi phục bị ảnh hưởng, làm suy yếu miễn dịch. Ngoài ra, thức ăn nhiều dầu mỡ còn khiến người bệnh cảm thấy khó tiêu, dẫn đến hệ tiêu hóa gặp vấn đề.
Đồ cay nóng
Thức ăn cay, nóng có thể khiến dạ dày tích tụ nhiều axit, gây loét thành mạch máu. Những tổn thương ở dạ dày có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe của bệnh nhân sốt xuất huyết.
Thực phẩm có màu đỏ, màu đen hoặc đậm màu
Các loại thực phẩm có màu đậm, đỏ hoặc đen như thanh long, cà chua, củ dền,… tuy không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh như những loại thực phẩm khác, nhưng lại khiến bác sĩ dễ nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết tiêu hóa ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Gây khó khăn, cản trở và làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Đồ uống ngọt, có cồn
Tuy cũng là chất lỏng, nhưng đồ uống ngọt và đồ uống có cồn lại không mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng như nước trái cây. Ngược lại, người bệnh sốt xuất huyết uống nhiều nước ngọt, các đồ uống có cồn như rượu, bia có thể dẫn đến mất nước, phá vỡ cơ bắp, khiến cơ thể mệt mỏi không còn đủ sức khỏe để đối phó với bệnh.
Trứng
Tuy trứng là nguồn protein dồi dào giúp bồi bổ cơ thể tốt, nhưng với người bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là những người có triệu chứng sốt, khi ăn trứng sẽ khiến nhiệt lượng trong cơ thể tăng lên, không thể phát tán ra ngoài. Do đó, có thể khiến bệnh nhân sốt cao hơn, lâu hồi phục.