Hơn thập kỷ mòn mỏi chờ con đến
Hơn một thập kỷ tìm con của người lính biên phòng Vàng A Chua và cô gái H'Mông Lý Thị Xía nay đã đón hai thiên thần nhỏ đáng yêu. Căn nhà nhỏ quạnh hiu ngày nào nay đã ngập tràn tiếng cười nói trẻ thơ, chấm dứt những cảm xúc tuyệt vọng nhất trên hành trình tìm con.
Thiếu tá Vàng A Chua, Bộ đội Biên phòng đồn Biên phòng Mường Mươn, Điện Biên và chị Lý Thị Xía kết hôn từ năm 2012 nhưng mãi không có tin vui. Những tưởng rằng, do đặc thù công việc thường xuyên phải công tác xa, thời gian về phép ngắn ngủi nên hai vợ chồng ít có thời gian gần gũi, sau 5 năm kết hôn, tin con vẫn bặt vô âm tín. Thấy ở đâu mách cắt thuốc dễ thụ thai, hai anh chị đều tìm đến. Từng ấy năm, trong căn bếp nhỏ các thang thuốc cứ chất chồng lên với nỗi niềm về một gia đình trọn vẹn.
Là con trai trưởng trong gia đình, anh Chua và chị Xía không chỉ phải chịu áp lực từ người thân mà còn phải đối mặt với định kiến xã hội lên người phụ nữ, nơi mà niềm tin rằng việc không có con là do người phụ nữ. Mỗi lần bước chân ra khỏi nhà, giáp mặt với những người hàng xóm, chị Xía lại nhận được các câu hỏi quen thuộc như: Tại sao không có con? Tại sao trông khỏe mạnh, không ốm yếu mà vẫn chưa có? Phần chị, chị luôn tự trách và hỏi, khi nào mình mới được làm mẹ?
Từng ấy năm, anh chị luôn sợ nơi gọi là nhà, nơi anh chị đã sinh ra và lớn lên, sợ người thân đã từng rất yêu thương. Từng ấy năm, anh chị sợ những dịp lễ tết, tụ tập quây quần bên gia đình vì không biết trả lời với người thân, bạn bè ra sao. Đó là lý do khiến anh chị luôn lấy lý do bận công việc để không phải về nhà.
Áp lực, sợ hãi nhưng mong ước làm cha làm mẹ vẫn luôn âm ỉ trong anh chị. Để rồi vượt qua mọi rào cản kinh tế, những lời bàn tán dị nghị, anh chị vẫn gắng dành dụm tiền để tìm con. Cứ 2 năm, anh chị lại tích được một khoản, nếu không đủ thì vay mượn thêm bạn bè để xuống Hà Nội khám và tìm đến sự can thiệp của khoa học. Thế nhưng dù đã điều trị nhiều nơi từ năm 2015 đến 2019, trải qua 2 lần IUI và 2 lần IVF nhưng may mắn đều chưa mỉm cười với anh chị. Mỗi lần như vậy, là một lần không khí thêm nặng nề trong ngôi nhà nhỏ.
Ngỡ rằng cánh cửa tìm con đã đóng chặt, anh Chua và chị Xía may mắn nhận được gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện IVF từ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trong chương trình hỗ trợ quân nhân hiếm muộn "Yêu thương lan tỏa" năm 2021. Với người khác, khi nhận được gói hỗ trợ miễn phí chắc hẳn đầy vui mừng, nhưng chị Xía thì lại khác. Chị đã có ý định nhường gói hỗ trợ đến cặp vợ chồng khác, bởi những nỗi lo sợ của nhiều lần thất bại, rằng 4 lần trước không thành công thì lần thứ 5 liệu có may mắn.
Mất nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, những lời động viên từ phía chồng, chị Xía luôn tự hỏi có nên làm nữa hay không và cuối cùng bản năng làm mẹ đã thôi thúc, chị đồng ý. Hai anh chị lại từ Điện Biên xuống Hà Nội vượt qua cảm giác say xe, vượt qua quãng đường dài và trắc trở để bắt đầu hành trình tìm con lần thứ 5.
“Anh ơi, có thật không?”
Sau khi chuyển phôi, anh chị ở lại Hà Nội để chờ đợi ngày ra viện kiểm tra kết quả. Anh chị không tin nổi sự thật khi lần đầu tiên nghe tin mình có thai sau 11 năm tìm đủ mọi cách mà không có.
Chị Xía siết chặt tay, quay sang hỏi chồng: “Anh ơi, có thật không?”, anh Chua nhìn vợ với cảm giác lâng lâng khó tả: “Vợ chỉ cần ăn và uống để sức khỏe tốt, mọi thứ cứ để anh lo”. Khoảnh khắc đầu tiên, anh chị cùng rơi nước mắt nhưng không phải vì buồn, thất vọng mà đó là giọt nước mắt của trào dâng hạnh phúc, dù đây mới chỉ là những thông tin còn vô cùng mong manh.
“Trước đây, mình đã rất hy vọng, hy vọng rất nhiều vào niềm tin lần này sẽ được. Hy vọng càng nhiều, thất vọng lại càng lớn. Với lần thứ 5 này, hai vợ chồng mình rất thoải mái, không dám kỳ vọng nhiều nữa thì lại nhận được tin đón song thai, cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội đã cho vợ chồng mình được làm bố, mẹ”, thiếu tá Vàng A Chua giãi bày.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, anh chị dần tiến gần hơn đến vạch đích. Cùng nhau trải qua thật nhiều những lần đầu, được nhìn hình ảnh siêu âm có hai thiên thần đang lớn lên từng ngày, được trò chuyện mỗi ngày với con, được háo hức chờ đợi đến ngày được gặp mặt con. Để thấy rằng, sự vất vả không hề sai và giờ đây mọi vất vả đều vô cùng xứng đáng.
"Quả ngọt" đã tới sau hành trình 11 mòn mỏi mong chờ
Ngày chị Xía đau bụng chờ sinh, anh Chua chờ đợi bên ngoài đầy lo lắng, anh đi đi lại lại rồi ngó vào phòng sinh đợi chờ kết quả. Lần đầu tiên đón hai con vào lòng anh đã khóc, ngày hôm nay người đàn ông này sẽ chính thức được làm bố sau một thập kỷ tìm con.
Theo bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, bên cạnh áp lực, định kiến của xã hội thì áp lực tài chính cũng là một trong những yếu tố khiến hành trình tìm con của các gia đình kéo dài.
Đặc biệt, với các quân nhân, do đặc thù nghề nghiệp, thường xuyên công tác xa gia đình mà chưa thể có con hoặc chưa có nhiều thời gian để thực hiện thăm khám, điều trị hiếm muộn sớm.
"Ba năm qua, bên cạnh hàng ngàn gia đình nhận hỗ trợ miễn phí khám, tư vấn... thì 30 gia đình nhận các gói miễn phí 100% chi phí IVF của chương trình "Yêu thương lan toả" đã có những "trái ngọt" với 29 em bé chào đời khỏe mạnh, một số đang trong những tuần cuối của thai kỳ hoặc đang trong quá trình thực hiện. Kết quả này là minh chứng cho những nỗ lực bền bỉ, không từ bỏ của các gia đình hiếm muộn.
Tiếp thêm sức mạnh niềm tin, cũng như giảm bớt gánh nặng chi phí cho các gia đình hiếm muộn trên hành trình chạy chữa tìm con, từ nay đến ngày 20/1/2025 Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình ưu đãi “Ươm mầm xanh, bảo hành IVF”. Theo đó, khi bệnh nhân đủ điều kiện thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm, đăng ký tham gia chương trình và chọc hút noãn tại AF HANOI trong thời gian từ 06/11/2024 đến hết ngày 30/4/2025 sẽ được hoàn lại chi phí thực hiện kỹ thuật Thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm (chọc trứng, tạo phôi, nuôi phôi ngày 3, 1 lần chuyển phôi) nếu quá trình chuyển phôi không thành công", bác sĩ Hiền chia sẻ.
Là vợ của người lính biên phòng, thường xuyên không có chồng bên cạnh, chị Xía đã từng phải trải qua cảm giác cô đơn cùng cực. “Có những thời điểm chồng trực chiến đấu dài ngày, mình ở nhà cả tháng trời bên bốn bức tường, chỉ biết ngồi lặng thinh trong căn nhà, cũng không muốn đi ra ngoài… Rồi mỗi lần gặp gỡ họ hàng, nhìn các cháu trong nhà bi bô, đứa thì đòi mẹ bế ẵm, đứa thì đòi bố mua kẹo, những lúc như vậy mình thấy chạnh lòng vô cùng.” chị Xía nhìn xa xăm và kể lại.
Đó là khoảng thời gian những năm trước, năm nay nỗi cô đơn buồn tủi đó đã không còn nữa, trong căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười nói trẻ thơ. Từ khi có hai thiên thần nhỏ, cuộc sống của anh chị như được lật sang trang mới. Không khí gia đình tất bật hơn, anh chị học thêm cách chăm con, cách tắm cho em bé, học hỏi kinh nghiệm từ đồng chí đồng đội, người thân trong gia đình để không bị bỡ ngỡ. Một ngày trôi qua thật quá ngắn để được tận hưởng khoảnh khắc tuyệt vời bên các con.
“Nhìn lại hành trình chạy chữa hiếm muộn suốt hơn chục năm, vợ chồng mình lại thấy càng yêu thương nhau hơn. Nước mắt có, hạnh phúc cũng có, thời gian đã chứng minh tất cả những nỗ lực của hai vợ chồng là xứng đáng với kết quả hôm nay đang có được”, anh Chua ánh lên niềm vui sướng khi nói về kết quả ngọt ngào ngày hôm nay anh chị có được.
11 năm chờ đợi mong con với bao nỗi buồn và tuyệt vọng, từ nay vợ chồng anh chị xin được cất gọn trong ngăn tủ ký ức, để đón chào niềm hạnh phúc của cuộc sống mới. Sau tất cả, hạnh phúc thật sự đã nảy nở và ghé thăm ngôi nhà nhỏ ở nơi rẻo cao Điện Biên của thiếu tá Vàng A Chua và cô gái người H’Mông Lý Thị Xía.