Bé 12 tuổi bị ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ
Theo VTV Times, các bác sĩ khoa Ung bướu 2 Bệnh viện Bãi Cháy vừa phẫu thuật thành công cho bé C.V.K.H. (12 tuổi, trú tại huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) mắc ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ.
Bệnh nhi có nhiều hạch cổ phải, di động được, không nuốt nghẹn, không gầy sút cân, không run tay chân. Khám tại Bệnh viện Bãi Cháy, bệnh nhi được thăm khám, thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu.
Kết quả siêu âm có hình ảnh nhân thùy phải tuyến giáp (TIRADS 4), nang hai thùy tuyến giáp (TIRADS 3), hạch bất thường vùng cổ hai bên. Kết quả giải phẫu bệnh xác định ung thư tuyến giáp thể nhú. Bệnh nhi được hội chẩn và kết luận chẩn đoán ung thư tuyến giáp, chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, nạo vét hạch cổ hai bên.
Quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên đã khéo léo phẫu tích bộc lộ tuyến giáp thấy khối u 2x1cm xâm lấn cơ, hạch nhóm VI chắc thành khối với kích thước lớn nhất 2x2cm, hạch máng cảnh hai bên nhiều. Bệnh nhi được cắt toàn bộ tuyến giáp, vét hạch máng cảnh hai bên, bảo tồn tuyến cận giáp, khí quản, thần kinh thanh quản hai bên.
Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi, sau 3 ngày, bệnh nhi phục hồi sức khỏe tốt, không bị khàn tiếng. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được điều trị thêm với iod phóng xạ để ngăn chặn ung thư tái phát.
Bác sĩ CKI. Doãn Chiến Thắng ở khoa Ung bướu 2 Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, ung thư tuyến giáp thường gặp sau tuổi 30, trong đó phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-3 lần so với nam giới. Tuy nhiên những năm gần đây, ung thư tuyến giáp đang có xu hướng trẻ hóa, nhiều bệnh nhân dưới 20 tuổi, cá biệt có trường hợp mới 12-13 tuổi.
Phẫu thuật ung thư tuyến giáp có độ khó cao, tiềm ẩn nhiều tai biến như liệt dây thanh âm, suy tuyến cận giáp sau mổ, chảy máu, xẹp khí quản… Phẫu thuật ung thư tuyến giáp đối với trẻ nhỏ đòi hỏi phẫu thuật viên phải giàu kinh nghiệm, am hiểu cấu trúc giải phẫu. Trường mổ không rộng nên phải phẫu tích tỉ mỉ, chuẩn xác, tránh tổn thương thần kinh thanh quản, các tuyến cận giáp. Ung thư tuyến giáp ở trẻ nhỏ có nguy cơ ác tính cao nên cần vét hạch rộng rãi và triệt để, tránh bỏ sót tế bào ung thư, hạn chế tái phát.
Để điều trị kịp thời, hiệu quả đối với ung thư tuyến giáp, các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy khuyến cáo, người dân cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là thực hiện siêu âm tuyến giáp 6 tháng/lần tại các bệnh viện có chuyên khoa ung bướu.
Các phụ huynh cần lưu ý nếu gia đình có người mắc ung thư tuyến giáp cần lưu ý tầm soát, thăm khám sức khỏe định kỳ cho con để kịp thời phát hiện và điều trị ung thư tuyến giáp.
Nguyên nhân khiến thiếu niên 17 tuổi hay cáu gắt, thiếu tập trung
Báo Sức Khỏe & Đời Sống đưa tin, ngày 20/12, ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân ở khoa Thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, tình trạng rối loạn giấc ngủ đang trở nên ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt ở thời đại 4.0.
ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân chia sẻ về trường hợp một thiếu niên 17 tuổi được gia đình đưa đến bệnh viện khám vì ngủ nhiều, luôn cảm thấy buồn ngủ suốt 10 năm qua. Đồng thời, thiếu niên thường xuyên cáu gắt, học hành thiếu tập trung.
Khi kiểm tra, bác sĩ phát hiện bệnh nhân gặp tình trạng ngưng thở khi ngủ, thậm chí chỉ trong vòng 1 tiếng bệnh nhân đã ngưng thở rất nhiều lần khiến cơ thể thiếu oxi nặng từ đó dẫn đến những biểu hiện bất thường trong sinh hoạt cũng như học tập của bệnh nhân.
Sau khi thực hiện các phương pháp điều trị, tình trạng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, tinh thần thoải mái, học hành tập trung, không còn tình trạng uể oải, buồn ngủ.
"Việc chậm trễ trong phát hiện và điều trị đã khiến bệnh nhân đối diện với tình trạng bất thường kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như mối quan hệ trong gia đình. Đây là một trong những bệnh nhân có tình trạng rối loạn giấc ngủ mà nhiều người mắc phải hiện nay", ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân nói.
Theo ThS.BS Vũ Trần Thiên Quân, rối loạn giấc ngủ bao gồm không ngủ được cả đêm, ngủ không yên giấc hoặc giấc ngủ kéo dài, li bì. Những người làm ca đêm, trực đêm rồi quay trở lại sinh hoạt hàng ngày cũng hay rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ.
Để tự nhận biết bản thân có bị rối loạn giấc ngủ hay không, mọi người có thể tự cảm nhận tình trạng cơ thể hoặc hỏi ý kiến những người sống chung, làm việc chung về sinh hoạt, làm việc của bản thân. Khi cảm thấy cơ thể không ổn, có vấn đề cần giải quyết về giấc ngủ thì nên đi khám để có cách điều trị phù hợp.
Dị vật mắc kẹt trong mũi bé 12 tuổi suốt 7 năm
VTC News dẫn thông tin trên Mirror cho biết, bé trai 12 tuổi (ở Moscow, Nga) bị các vấn đề về hô hấp, viêm xoang cũng như có mùi khó chịu bốc ra từ mũi suốt nhiều năm. Cậu bé đã được bố mẹ đưa đi khám nhiều lần, điều trị ngoại trú nhưng vẫn thấy khó chịu ở mũi.
Ngày 17/12, khi đến bệnh viện ở Moscow thăm khám, các bác sĩ phát hiện một khối màu hồng phủ vảy vàng trong mũi cậu bé. Bác sĩ tai mũi họng nghi ngờ có dị vật và tiến hành chụp CT. Sau khi có kết quả, bác sĩ đã xác nhận có một dị vật trong khoang mũi.
Khi phẫu thuật nội soi, các bác sĩ đã lấy ra vật lạ là một đầu nút tai bằng silicon dành cho tai nghe nhét tai. Bé trai có thể đã nhét vật này vào mũi khi mới 5 tuổi. Theo các bác sĩ, chiếc mút tai nghe có màu hồng và gần giống màu ống mũi của cậu bé, đó là lý do tại sao nó không được phát hiện trong một thời gian dài như vậy.
Bệnh nhi cảm thấy khó chịu ở mũi suốt nhiều năm mà không biết nguyên nhân chính là từ thiết bị của chiếc tai nghe mắc kẹt bên trong. Ca phẫu thuật thành công, bé trai đã phục hồi sức khỏe và được về nhà ngay hôm sau.
"Các bác sĩ tại Trung tâm nhi khoa của chúng tôi đã lấy đầu tai nghe ra khỏi mũi của một bé trai 12 tuổi. Đứa trẻ đã phải chịu đựng 7 năm khó thở bằng mũi, mùi hôi khó chịu từ mũi và bệnh viêm xoang tái phát. Cậu bé từng điều trị ngoại trú nhưng chỉ mang lại sự thuyên giảm tạm thời", bệnh viện thông tin.