+Aa-
    Zalo

    Sơn Tùng, FB Boiz đạo nhạc: Đạo đức nghề nghiệp bị xem nhẹ!

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ Sơn Tùng M-TP cho đến FB Boiz đều sáng tác ca khúc dựa trên beat nhạc trên mạng rồi mang đi quảng bá một cách… hồn nhiên.

    Từ Sơn Tùng M-TP cho đến FB Boiz đều sáng tác ca khúc dựa trên beat nhạc trên mạng rồi mang đi quảng bá một cách… hồn nhiên.

    “Đạo” nhạc là chuyện bình thường?

    Việc “đạo” nhạc hay sáng tác ca khúc dựa trên sự học hỏi từ âm nhạc nước ngoài đã không còn quá xa lạ khi một loạt vụ “đạo” nhạc được phát hiện. Mới đây nhất, BTC chương trình Bài hát Việt đã tước giải thưởng Bài hát của tháng với ca khúc “Tương tư” của nhóm FB Boiz, sau khi phát hiện ca khúc được sáng tác trên phần nhạc đệm có sẵn từ một bài hát của Hàn Quốc.

    Sơn Tùng, FB Boiz đạo nhạc: Đạo đức nghề nghiệp bị xem nhẹ!

    B Boiz bị tước danh hiệu Bài hát yêu thích của tháng.

    FB Boiz không phải nhóm nhạc duy nhất bị tước giải thưởng. Tháng 6 năm nay, Sơn Tùng M-TP cũng bị BTC Bài hát yêu thích phạt, gỡ 3 ca khúc “Cơn mưa ngang qua”, “Em của ngày hôm qua” và “Đừng về trễ” ra khỏi bảng xếp hạng. Sơn Tùng cũng bị loại khỏi danh sách đề cử Làn Sóng xanh vì ca khúc "Em của ngày hôm qua" dính nghi án đạo nhạc.

    Khán giả đã phải giật mình khi “Cơn mưa ngang qua” có nhiều đoạn giống lời bài hát của nhóm Namolla Family (Hàn Quốc), “Em của ngày hôm qua” còn có tạo hình, trang phục và cách quay MV giống với MV của nam ca sĩ G-Dragon (Hàn Quốc)…

    Hay, ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” do Sơn Tùng M-TP sáng tác và thể hiện, chỉ vừa mới ra mắt ngày 24/10 đã vấp phải hàng loạt ý kiến chỉ trích khi có sự giống nhau 1 cách kỳ lạ với “Because I miss you” của nhóm CNBlue. Ca khúc với chục triệu lượt nghe này đã bị gỡ trên BXH âm nhạc của Zing.

    Điều đáng nói, cả Sơn Tùng M-TP và FB Boiz đều biết rõ việc lấy beat nhạc trên mạng để sử dụng là thiếu đạo đức nghề nghiệp nhưng họ vẫn làm. Thậm chí, Sơn Tùng M-TP còn thản nhiên thừa nhận với báo chí về việc viết ca khúc có “học hỏi” từ nhạc nước ngoài và cho rằng, lấy beat trên mạng là việc “hết sức bình thường”.

    Luật bản quyền còn nhiều mập mờ

    Những sự việc trên đã gây ra sự búc xúc không nhỏ cho khán giả, những người yêu mến Sơn Tùng M-TP, FB Boiz và những nghệ sĩ làm nhạc chân chính. Tuy nhiên, hiện nay, giới chuyên môn vẫn chưa có sự thống nhất như thế nào là “đạo” nhạc, luật bản quyền còn mập mờ trong việc cho phép sử dụng beat nhạc miễn phí trên mạng nên rất khó để quy trách nhiệm cho các nghệ sĩ có dấu hiệu vi phạm.

    Sơn Tùng, FB Boiz đạo nhạc: Đạo đức nghề nghiệp bị xem nhẹ!

    Khán giả bày tỏ bức xúc bằng việc tạo poster "tố cáo" việc đạo nhạc trắng trợn của Sơn Tùng M-TP.

    Nói về vấn đề này, nhạc sĩ Lương Minh, đại diện BTC chương trình BHV cho biết: “Luật bản quyền còn nhiều vấn đề cần chứng minh thì mới xác định sai phạm. Tới thời điểm này, chưa có nhạc sĩ Việt Nam nào đăng ký được bản quyền cho phần phối khí của bài hát. Các nhạc sĩ được công nhận bản quyền sáng tác thông qua bản nhạc ghi phần giai điệu và lời bài hát. Tuy nhiên, cá nhân tôi không chấp nhận cho việc sáng tác trên bản phối có sẵn mà không có bản quyền”.

    Nói về một phần nguyên nhân khiến các nghệ sĩ trẻ trở nên dễ dãi trong việc lấy beat nhạc trên mạng, nhạc sĩ Lưu Thiên Hương cho rằng, việc phát triển công nghệ thông tin và sự thay đổi nhanh chóng của xu hướng âm nhạc đã khiến việc này trở thành “trào lưu”.

    “Các nhạc sĩ trẻ bây giờ tiện vì họ có Internet nhưng chính Internet lại khiến họ bị ảnh hưởng, tìm được luôn beat thì quá tốt. Viết nhạc cực khó, không đơn giản đâu. Nếu có ý lấy câu dạo của bài nào nổi tiếng vào bản phối của mình phải xin phép đàng hoàng. Ở Việt Nam, hiện tượng đạo nhạc ngày càng nhiều và công chúng cần phải biết tự chọn lọc cho mình những tác phẩm có giá trị thực sự” – NS Lưu Thiên Hương cho biết.

    Sơn Tùng, FB Boiz đạo nhạc: Đạo đức nghề nghiệp bị xem nhẹ!

    Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương.

    Qua sự việc của Sơn Tùng M-TP cũng như FB Boiz, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về việc giáo dục nhận thức, trách nhiệm, xây dựng nền tảng đạo đức nghề nghiệp cho các nhạc sĩ, nhất là các nhạc sĩ trẻ trong giai đoạn hiện nay.

    Là một nhạc sĩ, cũng là giảng viên âm nhạc, nhạc sĩ Giáng Son đánh giá: “Tôi nghĩ rằng các bạn trẻ bây giờ vô cùng năng động, cập nhật rất nhanh các xu hướng âm nhạc của thế giới và tự mày mò học hỏi làm theo rất hào hứng. Rất nhiều trường hợp đã thành công nhanh chóng, nhưng bên cạnh đó cũng thấy bộc lộ ra những hạn chế, yếu kém của nền tảng văn hóa, sự chín chắn, bắt chước không chọn lọc, nhanh chóng muốn nổi tiếng… nên mới có những chuyện đáng tiếc như vừa rồi!”.

    Nhạc sĩ Giáng Son cũng tiết lộ: “Khi sinh viên học lớp của tôi, tôi cũng cố gắng trao đổi nhiều nhất với các em về nhận thức, trách nhiệm, đạo đức nền tảng của nghệ sĩ ra sao ngoài chuyên môn chính. Nhưng tôi cũng cảm nhận được tuổi trẻ có sự nông nổi, ngông cuồng, không muốn nghe những lời dạy bảo hoặc kinh nghiệm của người đi trước. Các em vẫn muốn tự có sự trải nghiệm mà có thể phải trả giá đắt”.

    Cái “giá đắt” nhất mà nghệ sĩ phải đánh đổi không phải là chuyện kiện tụng về bản quyền, mà đó là sự quay lưng của khán giả, của những người yêu mến nghệ sĩ. Từ vụ Sơn Tùng M-TP, FB Boiz đã để lại bài học kinh nghiệm đáng suy ngẫm cho các ca sĩ - nhạc sĩ trẻ trên bước đường sáng tạo nghệ thuật. Người làm nhạc trẻ cần tìm hiểu kỹ, tôn trọng bản quyền phân phối sử dụng để sáng tác bằng chính sức của mình chứ không nên tìm kiếm sự nổi tiếng dựa trên công sức của người khác./.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/son-tung-fb-boiz-dao-nhac-dao-duc-nghe-nghiep-bi-xem-nhe-a67645.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan