+Aa-
    Zalo

    Số người đăng kí hiến tạng gia tăng sau "ngọn lửa" bé Hải An thắp lên

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Chỉ một tháng sau khi cô bé 7 tuổi hiến tạng để cứu người gây xúc động, số người theo đó đăng ký hiến mô, tạng đã tăng lên gấp 100 lần.

    Chỉ một tháng sau khi cô bé 7 tuổi hiến tạng để cứu người gây xúc động, số người theo đó đăng ký hiến mô, tạng đã tăng lên gấp 100 lần.

    Tháng 9/2017, bé Nguyễn Hải An (7 tuổi) con gái của chị Nguyễn Trần Thùy Dương (trú tại thôn Tân Mỹ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) xuất hiện những dấu hiệu bất thường (méo mồm, hai mắt có hiện tượng song thị) của căn bệnh u não.

    Trải qua bao ngày tháng chiến đấu với bệnh tật, tới 15/1/2018, bé Hải An chính thức nhập viện, và cũng kể từ đó, câu chuyện về một cô bé 7 tuổi với trái tim nhân ái thực sự bắt đầu.

    Câu chuyện được bắt đầu từ một cô bé mới 7 tuổi - bé Hải An - Ảnh: Vtc.

    Một ngày, khi tỉnh táo, bé Hải An nói với mẹ câu nói chất chứa những tâm tư: “Con cũng muốn sau này làm thế nào khi mất đi, những bộ phận vẫn còn tồn tại, vẫn sống trên cơ thể của người khác”… Câu nói khiến chị Dương nghẹn lòng lại.

    Thực hiện di nguyện của con, chị Dương quên đi nỗi đau, đăng ký hiến tạng con. Nhưng do luật pháp quy định, những ai trên 18 tuổi mới được cho tạng, nên bé Hải An chỉ được hiến đi giác mạc của mình.

    Chiều 22/2/2018, tim em ngừng đập vì u thần kinh đệm cầu não. Chính chị Dương, mẹ em, đã ký giấy đồng ý cho con mình hiến giác mạc, để ghép cho 2 người may mắn.

    Trong đó, một bệnh nhân 42 tuổi mắc bệnh loạn dưỡng giác di truyền, và một bệnh nhân trên 70 tuổi bị bệnh sẹo đục giác mạc. Cả hai ca phẫu thuật ghép đều được thực hiện thành công. Hai bệnh nhân nhờ có được giác mạc của em giờ đã có thể nhìn sáng hơn và ổn định.

    Hải An đã đánh động lương tâm của nhiều người khi hiến giác mạc lúc ra đi, để trong cuộc đời sẽ có 2 người may mắn tột cùng vì vẫn tiếp tục nhìn rõ trên từng bước đường đời. Câu chuyện gây xúc động mạnh trong xã hội, số người theo đó đăng ký hiến mô, tạng tăng lên đột biến. Một tháng sau khi An mất, số người đăng ký tăng gấp 100 lần. Con số kỷ lục chỉ trong thời gian ngắn, bằng cả nửa năm đi vận động, nói chuyện hiến tặng mô tạng ở nhiều địa phương của cán bộ Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia. Từ những bạn trẻ tới cụ bà gần 70 tuổi đều đã tìm đến Trung tâm để đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời, tiếp nối sự sống cho nhiều người khác.

    Nhờ nghĩa cử cao đẹp của những người đã khuất, không ít những mảnh đời đã được cứu sống đầy diệu kỳ.

    Em Phạm Văn Cơ (15 tuổi, tại Đà Nẵng) bị suy tim giai đoạn cuối, nhưng do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, em không có tiền chữa bệnh mà cố gắng cam chịu cơn đau hành hạ. Để cứu mạng sống, em cần phải chờ đợi một phép màu mong sao có được một trái tim thay thế.

    Thế rồi phép màu đã đến, 10h sáng 13/6/2018, Trung tâm Điều phối và ghép tạng Quốc gia nhận được nguồn tạng hiến phù hợp với em. Đó là trái tim của một người rất trẻ không may bị tai nạn rơi vào trạng thái chết não dù đã được các bác sĩ tận tình cứu chữa. Trái tim vượt 700 km để giúp em được “sống thêm lần nữa”, sống một cuộc đời có ích và ý nghĩa hơn.

    Ngay sau ca ghép tạng hồi sinh cho thiếu niên 15 tuổi này, liên tiếp trong một tháng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận nguồn tạng hiến từ 4 người cho đã chết não để ghép, cứu sống 16 bệnh nhân. Đây được coi là một kỳ tích trong y học, một điểm sáng của ngành ghép tạng của Việt Nam.

    Chia sẻ về điều nay, GS. TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Trước đây hàng năm chỉ có 1 – 2 ca hiến tạng, nhưng giờ đã khác. Điều này chứng minh một điều là người dân đã có cái nhìn cởi mở hơn về việc này. Cộng đồng cũng nhìn nhận việc hiến tạng của người cho chết não như một hành động nhân văn, có ý nghĩa và là sự chia sẻ với mọi người để hồi sinh sự sống”.

    Cho đi là nhận lại - Đó vốn là nghĩa cử cao đẹp tồn tại bao đời nay - Ảnh minh họa.

    Tiếp câu chuyện về 16 người được “sống lại”, là hàng loạt những câu chuyện cao đẹp khác được viết tiếp. Trong đó phải kể đến trường hợp của bé Nguyễn Vân Nhi (12 tuổi, ở Hà Nội).

    Bé bị mắc bệnh nan y từ năm 2 tuổi, trải qua 10 năm chống chọi với bệnh tật, tới 11h trưa 2/7/2018, em trút hơi thở cuối cùng. Em cùng mẹ quyết định hiến giác mạc để mang lại ánh sáng cho người khác.

    Chàng kỹ sư 37 tuổi anh Nguyễn Xuân Hải (trú tại Hà Nội) cũng hiến tặng mô/tạng cho những bệnh nhân khác không có khả năng chữa trị, sau khi qua đời vì tai nạn và rơi vào trạng thái chết não. Nhờ sự kết nối của Trung tâm Điều phối và ghép tạng Quốc gia cùng Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), hai thận và hai giác mạc của anh Hải được nhận để ghép cho 4 người đang chờ đợi.

    Còn rất nhiều người khác đã có nghĩa cử cao đẹp cứu người. Họ đến từ nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau nhau. Đó là có thể là MC truyền hình, có người là cô giáo, là doanh nhân, là 600 vị tăng ni, phật tử trong chùa Giác Ngộ (TP. HCM) hay thậm chí là vị Tùy viên Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Họ đều vì cứu người mà đến, chấp nhận cho đi một phần cơ thể mình sau khi đã chết để viết tiếp tương lai cho những mảnh đời đau khổ, bệnh tật. Họ xứng đáng để được vinh danh như những người anh hùng.

    Vừa qua, chúng ta lại một lần chứng kiến hình ảnh về người “anh hùng” như vậy. Đó là trường hợp của anh Dương Hồng Quý (43 tuổi, trú tại TP Ninh Bình). Anh Quý phát hiện mình mắc căn bệnh dị dạng mạch máu não từ tháng 11/2018. Tâm nguyện cuối cùng của anh trước lúc ra đi là hiến mô/tạng của mình.

    Hành trình vận chuyển mô tạng được hiến tặng đi cứu người - Ảnh: Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia. 

    Anh đã tặng lại tim, gan, phổi và 2 thận cho 5 người bệnh nặng đang chờ đợi. Trong đó tim, gan, phổi và 1 thận được ghép tại Bệnh viện Việt Đức, 1 thận được chuyển cho 1 bệnh nhi tại Bệnh viên Nhi đồng 2 ( TP.HCM). Đặc biệt, phổi của anh Quý đã được kíp y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ghép cho 1 bệnh nhi 17 tuổi. Đây là lần thứ 2 Việt Nam ghép phổi từ người cho chết não.

    Theo PGS. TS Trần Bình Giang - Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, đã thực hiện lấy đồng thời 6 tạng để ghép từ cùng một người cho đa tạng chết não.

    Và cũng là lần đầu, ngành y tế Việt Nam ghép 5 tạng cùng một thời điểm cho 4 bệnh nhân (1 tim, 2 phổi, 1 gan, 1 thận), và kết hợp điều phối “xuyên Việt” 1 thận cho bệnh nhi ở TP.HCM. Sau hơn 10 ngày, tất cả 6 tạng ghép đều tiến triển thuận lợi.

    Theo số liệu từ Trung tâm Điều phối và ghép tạng Quốc gia, Năm 2014, có tổng số 265 trường đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não; năm 2015 là 3542 trường hợp; năm 2016: 6726 trường hợp; đến 2017: 11.835 trường hợp.

    Từ sau bé Hải An, hơn 7.300 người đã tự nguyện đến ghi tên vào danh sách sẵn sàng hiến tặng mô/tạng khi chết hoặc chết não, nâng tổng số người đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não sau 5 năm lên 19.300 người. Điều này thể hiện phần nào cộng đồng đã có sự quan tâm hơn tới việc hiến tặng mô/tạng nói chung trong thời gian qua.

    Cùng với đó, không thể không ghi nhận những nỗ lực không ngừng nghỉ của các bác sĩ, các cán bộ Trung tâm Điều phối ghép tạng trong hành trình thực hiện 3.378 ca ghép tạng (3.223 ca ghép thận, 125 ca ghép gan, 26 ca ghép tim) và nhiều ca ghép giác mạc, góp phần mang lại sự sống cho nhiều người bệnh hiểm nghèo.

    Hiện đang có khoảng 16.000 bệnh nhân chờ ghép tạng và 300 người cần ghép giác mạc.

    Minh Minh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-nguoi-dang-ki-hien-tang-gia-tang-sau-ngon-lua-be-hai-an-thap-len-a262351.html
    Sự kiện: Y tế sức khỏe
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan