+Aa-
    Zalo

    Sở GD-ĐT Hà Nội: Hàng nghìn hồ sơ đạt điểm 10 cả Toán và Tiếng Việt là bình thường

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Trong 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 trường Lương Thế Vinh mùa tuyển sinh hai năm qua, khoảng 1.000 hồ sơ được điểm 10 Toán, Văn từ lớp 1 đến lớp 5.

    Trong 4.000 hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 trường Lương Thế Vinh mùa tuyển sinh hai năm qua, khoảng 1.000 hồ sơ được điểm 10 Toán, Văn từ lớp 1 đến lớp 5.

    Báo VietNamNet đăng tải thông tin, mới đây, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường phổ thông cơ sở Lương Thế Vinh (Hà Nội) nêu lại hiện tượng "hàng ngàn học sinh đạt điểm 10 tuyệt đối cả 2 môn Toán và Tiếng Việt trong suốt 5 năm tiểu học".

    Theo ông, hiện tượng này xuất hiện từ năm 2015 khi Bộ GD-ĐT cấm tổ chức thi vào lớp 6, thay vào đó là tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển.

    Trao đổi với báo VietNamNet, đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, việc đánh giá học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng do Bộ GD-ĐT quy định hiện đang áp dụng cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và ở tất cả các vùng miền, kể cả thuận lợi cũng như khó khăn.

    Do đó, việc học sinh ở các quận nội thành và các khu vực trung tâm (là những khu vực có điều kiện sinh hoạt, học tập thuận lợi) không những đạt chuẩn mà còn vượt chuẩn so với quy định của Bộ GD-ĐT là chuyện dễ hiểu.

    Kết quả môn Toán - Ảnh: báo VietNamNet

    Như ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh tỷ lệ học sinh khá giỏi là trên 80%, tỷ lệ học sinh giỏi lên đến 40%.

    “Nhìn trong hồ sơ nộp về trường Lương Thế Vinh có đến hơn 100 trường tiểu học ở các tất cả các quận, thậm chí có cả các huyện mới sát nhập về như Hoài Đức, Thanh Trì,... Như vậy, chuyện này là bình thường chứ không có gì quá lạ kỳ”, Sở GD-ĐT thông tin.

    Theo thống kê của Sở GD-ĐT toàn cấp tiểu học với 5 khối lớp năm học 2015 - 2016, số học sinh đạt điểm 10 bài kiểm tra định kỳ cuối năm môn Toán là 247.514, môn Tiếng Việt là 143.570 trên tổng số 617.181 học sinh.

    Trước đó, năm 2014-2015, số học sinh đạt điểm 10 môn Toán là 264.207; môn Tiếng Việt là 167.306 trên tổng số 584.421 học sinh.

    Kết quả môn Tiếng Việt - Ảnh: báo VietNamNet

    Ở cả 2 năm học nói trên, số lượng học sinh đạt điểm 10 môn Toán và Tiếng ở mỗi khối lớp đều trên 100.000 học sinh, hầu như ở ngưỡng 130.000 em.

    Tuy không phải tất cả các em đạt điểm 10 Toán sẽ đạt 10 Tiếng Việt, nhưng trong số này lượng học sinh giỏi đều cả Toán và Tiếng Việt là không nhỏ.

    Vì vậy, theo Sở GD-ĐT Hà Nội, lượng 1.000 hồ sơ có điểm tuyệt đối cả 2 môn Toán và Tiếng Việt 2 mùa tuyển sinh vào trường Lương Thế Vinh là hoàn toàn bình thường.

    Theo báo Tri thức trực tuyến, cũng liên quan giáo dục tiểu học, TS Lương Hoài Nam mới đây dẫn lại bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum - WEF) vào tháng 9/2016.

    WEF xếp hạng giáo dục tiểu học theo thang điểm từ một (kém nhất) đến 7 (tốt nhất). Việt Nam xếp thứ 92 (3,4), đứng sau nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan (3,5, xếp thứ 90), Lào (3,5, xếp thứ 89), Philippines, (3,9, xếp thứ 75), Indonesia (4,3, xếp thứ 54), Brunei (5, xếp thứ 26), Malaysia (5,1, xếp thứ 23), Singapore (6,1, xếp thứ 4).

    WEF nhận định giáo dục tiểu học là một trong 12 yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh kinh tế của một quốc gia (nằm trong mục Y tế và Giáo dục tiểu học). Theo đó, số lượng và chất lượng giáo dục tiểu học mà mỗi người tiếp nhận quyết định trình độ, hiệu quả làm việc của người đó sau này.

    Những người nhận được ít giáo dục cơ bản thường chỉ có thể đảm nhận công việc đơn giản, khó thích ứng với quy trình, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, đóng góp ít hơn vào quá trình sáng tạo, đổi mới nền kinh tế. Nói cách khác, giáo dục tiểu học không tốt sẽ là trở ngại đối với quá trình phát triển kinh tế.

    Theo TS Lương Hoài Nam, việc có quá nhiều hồ sơ của học sinh đạt "toàn điểm 10 không tì vết" cả hai môn Văn, Toán trong cả 5 năm tiểu học như thầy Văn Như Cương phản ánh là chỉ dấu về chủ nghĩa hình thức vẫn còn rất nặng trong hệ thống giáo dục nước ta, cả từ phía nhà trường và từ phía phụ huynh.

    Điều khiến ông Nam trăn trở là con số xếp hạng thứ 92 của Việt Nam trong số 144 nền giáo dục. Chúng ta cũng xếp sau các quốc gia khác trong khu vực, trong đó kém Lào 3 bậc.

    TS Lương Hoài Nam cũng băn khoăn về việc dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà Bộ GD-ĐT đã công bố không hề có phần đánh giá chi tiết thực trạng giáo dục phổ thông.

    Tổng hợp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-gd-dt-ha-noi-hang-nghin-ho-so-dat-diem-10-ca-toan-va-tieng-viet-la-binh-thuong-a191728.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan