Mới đây, trên mạng xã hội đang chia sẻ một bài viết với nội dung vải thiều tại Bắc Giang bị ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg.
Thông tin ngay lập tức nhận được sự chú ý của dân mạng, hầu hết đều bày tỏ sự đồng cảm với người dân trồng vải và bức xúc với hành vi ép giá vải xuống thấp của các thương lái.
Chiều 27/5, trao đổi với PV Đời sống và Pháp luật về sự việc, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc sở Công Thương Bắc Giang cho biết đã nắm được thông tin, đồng thời khẳng định tin trên mạng xã hội về việc vải thiều trên địa bàn bị ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg là thất thiệt.
Cơ quan chức năng cũng đang tiến hành làm rõ và xử lý vụ việc.
Theo ông Tấn, giá vải thiều Bắc Giang đang ở mức từ 18.000 đồng - 25.000 đồng/kg tại tất cả các điểm thu mua trên địa bàn.
"Tôi khẳng định không có chuyện vải thiều Bắc Giang bị ép giá xuống còn 2.000 đồng/kg tại tất cả các điểm thu mua trên địa bàn. Thông tin trên có ảnh hưởng rất nặng nề đến người nông dân trồng vải.
Trong khi người dân một nắng hai sương để trồng trọt, chăm sóc quả vải thiều đảm bảo chất lượng, mặt khác dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến việc xuất khẩu tiêu thụ nên chính những thông tin tiêu cực trên gây tâm lý hoang mang cho người dân", lãnh đạo sở Công thương Bắc Giang nêu rõ.
Bên cạnh đó, ông Tấn cũng thông tin thêm, chất lượng lượng vải thiều của Bắc Giang vượt trội, an toàn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đẹp về màu sắc, hương vị.
"Hôm qua (26/5-PV), dù chưa vào chính vụ, 2 huyện Tân Yên và Lục Ngạn đã thu hoạch được 200 tấn vải thiều. Đã có những lô vải thiều đầu tiên được thông quan qua cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn để xuất khẩu sang Trung Quốc", ông Trần Quang Tấn cho biết.
Thương hiệu vải Việt Nam đang rất được ưa chuộng tại Nhật Bản, chất lượng được đánh giá cao hơn và cạnh tranh trực tiếp với các loại quả vải từ Đài Loan và Trung Quốc.
Năm 2021, Bắc Giang có 28.000ha vải thiều, sản lượng ước đạt 180.000 tấn. Trong đó, hơn 200ha vải xuất khẩu sang Nhật Bản với 30 mã vùng; 218ha xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu (EU) với 18 mã vùng và 15.867ha xuất khẩu sang Trung Quốc - 149 mã vùng.
Thủy Tiên