+Aa-
    Zalo

    Số ca mắc sởi tăng gấp 8 lần, Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng chống

    (ĐS&PL) - Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023, có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.

    Báo Lao Động đưa tin, chiều 28/8, Bộ Y tế cung cấp thông tin về tình hình dịch sởi.

    Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, số ca mắc bệnh sởi tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ năm 2023 và có xu hướng gia tăng tại một số địa phương.

    Gần nhất, ngày 27/8/2024, UBND TP.HCM chính thức công bố dịch sởi, bệnh truyền nhiễm nhóm B trên toàn thành phố.

    Sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.

    Sởi thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.

    Để chủ động các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng và nhanh chóng kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh sởi, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2495/QĐ-BYT ngày 22/8/2024 về việc triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2024 và các công văn số 4847/BYT-DP ngày 19/8/2024 về việc chủ động triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa tựu trường; công văn số 4992/BYT-DP ngày 23/8/2024 về việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi cùng với các hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh sởi.

    Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

    Đối với TP Hồ Chí Minh, cần triển khai các biện pháp chống dịch sau khi công bố dịch theo đúng quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm như: Thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; thực hiện việc khai báo, báo cáo dịch; tổ chức cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, huy động các nguồn lực, bố trí trực 24/24 giờ để sẵn sàng chống dịch; thực hiện cách ly y tế và thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân.

    Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch; triển khai các chiến dịch tiêm chủng, chú ý trường hợp chưa tiêm chủng đầy đủ, kể cả đối tượng vãng lai; chủ động phối hợp với các địa phương lân cận để cập nhật tình hình dịch bệnh và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát tại các địa bàn khác.

    Các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh; chủ động công tác giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch và thường xuyên đánh giá nguy cơ, phân tích tình hình và đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả;

    Cùng đó, chủ động phối hợp với các địa phương lân cận để chia sẻ, cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trên địa bàn; tiếp tục đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi.

    Cách phòng bệnh sởi

    Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng Sởi hoặc tiêm phòng chưa đủ liều.

    Bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dễ lây lan qua đường hô hấp qua các giọt bắn của người mắc bệnh hoặc có thể qua tiếp xúc trực tiếp, qua bàn tay bị nhiễm dịch tiết của người bệnh.

    Những nơi tập trung đông người như nơi công cộng, trường học... có nguy cơ rất cao lây lan dịch sởi. Dịch sởi thường xảy ra với chu kỳ từ 3-5 năm.

    Tiêm vaccine là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Chỉ có thể cắt được sự lây truyền bệnh khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt >95%.

    Vì vậy để phòng chống bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

    1. Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi đi tiêm đầy đủ và đúng lịch.

    2. Không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

    3. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

    4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

    5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện, thông tin trên báo Sức khỏe & Đời sống.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/so-ca-mac-soi-tang-gap-8-lan-bo-y-te-khuyen-cao-bien-phap-phong-chong-a460589.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan