(ĐSPL) – Thị trường việc làm đang có sự mất cân đối ở một số ngành nghề. Nhiều lao động tìm công việc kế toán, kiểm toán hay tài chính ngân hàng nhưng không có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng các vị trí này.
Đây là tin tức được Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) công bố trong Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý III năm 2016.
Theo bản tin được công bố, quý III/2016, cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý II/2016. Những người thất nghiệp trong độ tuổi lao động có chuyên môn kỹ thuật 456.000 người. Trong đó, nhóm trình độ đại học trở lên chiếm 202.000 người, cao đẳng chuyên nghiệp chiếm 122.000 người, và trung cấp chuyên nghiệp là 73.000 người.
Lao động ngành tài chính, ngân hàng khó tìm việc làm. |
Về nhu cầu tuyển dụng và tìm việc, trong quý III/2016 có 244.000 việc làm được các doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng, tăng 7,7% so với quý trước. Số người có nhu cầu tìm việc làm là 71.600 người, tăng 26% so với quý trước, trong đó số người tìm việc có bằng cấp chiếm 81,2%. Trong đó, nhóm nghề người lao động tìm việc nhiều là kế toán - kiểm toán chiếm 31,5%, tài chính ngân hàng chiếm 11,7%, lao động phổ thông chiếm 10,9%.
[poll3]154[/poll3]
Cũng tại buổi họp báo công bố bản tin, đại diện Bộ LĐ-TB-XH cũng cho biết, Về thu nhập của lao động làm công hưởng lương, quý III/2016, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 4,93 triệu đồng, tăng 80.000 đồng so với quý II/2016. Trong đó, lao động làm trong ngành kinh doanh bất động sản có thu nhập cao nhất, tiếp theo là nhóm tài chính - ngân hàng, bảo hiểm. Lao động làm trong khu vực nhà nước có thu nhập bình quân tháng cao nhất, 6,54 triệu đồng. Đứng thứ hai và thứ ba trong danh sách này là lao động khu vực FDI và lao động trong khu vực ngoài nhà nước.
Điều 4, Bộ luật lao động quy định: “Chính sách của Nhà nước về lao động: 1. Bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người lao động; khuyến khích những thoả thuận bảo đảm cho người lao động có những điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động; có chính sách để người lao động mua cổ phần, góp vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. 2. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, quản lý lao động đúng pháp luật, dân chủ, công bằng, văn minh và nâng cao trách nhiệm xã hội. 3. Tạo điều kiện thuận lợi đối với hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động. 4. Có chính sách phát triển, phân bố nguồn nhân lực; dạy nghề, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, ưu đãi đối với người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 5. Có chính sách phát triển thị trường lao động, đa dạng các hình thức kết nối cung cầu lao động. 6. Hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng tập thể, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. 7. Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới; quy định chế độ lao động và chính sách xã hội nhằm bảo vệ lao động nữ, lao động là người khuyết tật, người lao động cao tuổi, lao động chưa thành niên” Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính tham khảo. |