Bàn về dự thảo quy định “sinh viên sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị buộc thôi học” của bộ GD&ĐT gây bão dư luận vừa qua, PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT cho rằng có thể người đưa ra ý kiến trên có lòng nhân ái, nhưng trong ngành giáo dục, chuyện đó hoàn toàn không thể được.
"Con sai, bố chịu trách nhiệm"
Vừa qua, bộ GD&ĐT vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy. Trong đó, tại phụ lục có quy định, sinh viên nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học.
Trong lúc dư luận đang bàn tán sôi nổi, ngay trong đêm 29/10, bộ GD&ĐT đã lên tiếng rằng dự thảo này bị lỗi và gỡ bản dự thảo khỏi trang thông tin chính thức của Bộ.
Trao đổi về vấn đề này, PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT, nhận định: “Dự thảo này được bộ GD&ĐT đưa ra và gặp phải sự phản đối của dư luận là đúng. Vì văn hóa của chúng ta không cho phép, nhất là trong môi trường giáo dục, không thể chấp nhận hoạt động mại dâm. Không thể có chuyện lần 1, lần 2, lần 3, lần 4 với các mức xử phạt khác nhau. Như vậy khác gì đã chấp nhận cho những sai phạm ở lần trước đó.
Môi trường giáo dục hoàn toàn không cho phép, đã vướng vào một lần bị phát hiện cũng cần xử lý nghiêm, kỷ luật nặng nhất, buộc thôi học. Hơn nữa, khi bắt được, biết căn cứ vào đâu để xác định lần 1 bắt ở đâu, lần 2 ở đâu? Khi bắt đến lần thứ 4 có thể đã thực hiện cả chục lần. Có thể người đưa ra ý kiến trên có lòng nhân ái, nhưng trong ngành giáo dục, chuyện đó hoàn toàn không thể được”.
PGS. TS. Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, việc đưa ra nội dung dự thảo này là vấn đề không đúng với đạo đức, không đúng với thực tế mong muốn về giáo dục. Tuy nhiên, chắc chắn các bộ phận đã đưa ra hỏi ý kiến của lãnh đạo, một khi đã hỏi ý kiến của lãnh đạo, dự thảo đưa lên, những người có liên quan kể cả lãnh đạo cũng cần phải chịu trách nhiệm. Bộ phải xem xét, truy cứu trách nhiệm để xử lý từ người trực tiếp đề xuất, tư tưởng của người đưa ra chưa thực sự nghiêm khắc với sai sót về vấn đề đạo đức này, gây ra phản ứng của xã hội.
“Suy cho cùng, trong gia đình, con sai bố chịu trách nhiệm. Trong Bộ, “con sai, bố chịu”, thì tức là lãnh đạo Bộ phải chịu nếu quy trách nhiệm” - nguyên Thứ trưởng cũng khẳng định thêm.
Nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ trao đổi về sai sót của dự thảo. |
Cần cân nhắc đến khi "chín muồi" mới đưa ra
Nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phạm Minh Hạc cho rằng: “Dự thảo do một chuyên viên soạn thảo ra, nhưng về mặt hành chính pháp lý, ai là người ký duyệt, Bộ trưởng hay Thứ trưởng, sẽ là người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước dư luận. Còn nội bộ xử lý sao là việc của Bộ”.
Theo đánh giá của nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ, mỗi lần có một dự thảo gì được đưa ra gây tranh cãi, lại gây tốn kém nhiều thứ không cần thiết, nhiều người mất thời gian, báo chí tốn “giấy mực”.
Ở dưới, một trường học hay một đơn vị đưa ra một ý kiến gì không đúng, chỉ ảnh hưởng đến nội bộ trường, đơn vị đó. Nhưng ở Bộ, đúng hay không đúng cũng đều sẽ ảnh hưởng tới phạm vi toàn ngành.
Để hạn chế những sai sót, nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ cũng cân nhắc: “Trước hết, những người làm công tác ở Bộ, khi đưa ra một vấn đề gì, cần hết sức cẩn trọng. Ý kiến nào đưa ra phải được cân nhắc thật kỹ lưỡng, tham khảo xã hội, tới khi "chín muồi" mới đưa ra. Tuy chỉ là một câu ngắn, cũng sẽ gây tranh cãi lớn”.
Theo Người Đưa Tin