+Aa-
    Zalo

    Sính sữa ngoại, mẹ hại con

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Thông tin về việc Cty sữa Meiji (Nhật) cảnh báo các loại sữa Meiji tại thị trường Việt Nam một lần nữa gióng lên hồi chuông về chất lượng các loại sữa ngoại.

    (ĐSPL) - Thông tin về việc Cty sữa Meiji (Nhật) cảnh báo các loại sữa Meiji tại thị trường Việt Nam không đảm bảo chất lượng, có thể là hàng giả một lần nữa gióng lên hồi chuông về chất lượng các loại sữa ngoại.

    Cái gì "ngoại" cũng tốt?

    Do tâm lý "hàng ngoại tốt hơn hàng nội" nên từ lâu, sữa ngoại cũng là món hàng được các bà mẹ bỉm sữa tin dùng cho các con. Nhiều bà mẹ cũng tin rằng “hàng xách tay” là hàng “xịn” nên tìm mọi cách mua cho được sữa ngoại “xách tay”.

    Vào kho Google…, chỉ cần gõ cụm từ “sữa xách tay”, chỉ trong vài giây, chúng ta đã nhận được hàng nghìn kết quả về thông tin sản phẩm và các địa chỉ rao bán. Không riêng gì trên mạng mà ngoài thị trường TP HCM  và Hà Nội cũng không thiếu gì những cửa hàng bán sữa loại… “xách tay”, khiến hoạt động buôn bán mặt hàng sữa “xách tay” cũng sôi động không phần kém cỏi so với thị trường online.

    Không chỉ có mặt ở các cửa hàng chuyên kinh doanh sữa mà trên thị trường hiện nay sữa “xách tay” còn len lỏi vào các cửa hàng tạp hóa có bán kèm các sản phẩn sữa. Khi được hỏi, hầu hết người bán đều tư vấn: Em yên tâm, sữa “xách tay” ở thị trường Việt Nam phần lớn là sữa Ensure dạng bột và nước đóng lon của Abbott được đưa về từ Mỹ hoặc Singapore. Loại sữa này bán chạy, giá rẻ hơn hàng phân phối từ Cty, vì không phải đóng thuế nhập khẩu, mà chất lượng hàng “xách tay” thì yên tâm khỏi bàn…”.

    Theo chủ một cửa hàng kinh doanh sữa, mặc dù các loại sữa bột ngoại giá cao gấp đôi, thậm chí gấp 3, 4 lần so với các dòng sữa nội nhưng phần lớn khách hàng vẫn thích mua sữa ngoại. Theo chị Thanh, đa số người tiêu dùng cho rằng “tiền nào của nấy”, sữa càng đắt tiền càng tốt chứ họ không biết nên dùng loại sữa nào thì phù hợp với thể trạng của con cái mình để có hiệu quả tốt nhất.

    Thông tin trên báo Chất lượng Việt Nam, hiện sữa ngoại về Việt Nam chủ yếu theo ba đường: nhập khẩu nguyên lon, nhập khẩu nguyên liệu đóng lon và xách tay.

    Trong 3 đường trên, đường xách tay là đường ẩn chứa nhiều rủi ro nhất bởi nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng. Cũng chính vì nguồn gốc, xuất xứ không rõ ràng, không có công ty nào đứng ra đảm bảo, chỉ là “lấy tín làm tin” nên đây cũng là đường mà các loại sữa giả dễ trà trộn vào nhiều nhất.

    Sữa ngoại hàng xách tay sẽ không có nhãn phụ Tiếng Việt, các bà mẹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ không hiểu thông tin sản phẩm. (Ảnh minh họa).

    Sữa ngoại tiềm ẩn nhiều nguy cơ

    Việc Cty sữa Meiji (Nhật) cảnh báo các loại sữa Meiji tại thị trường Việt Nam cho thấy rủi ro các mẹ Việt Nam có thể gặp khi chọn sữa ngoại cho con.

    Cụ thể, trong công văn gửi cơ quan chức năng Việt Nam mới đây, Công ty sữa Meiji của Nhật đã thừa nhận sữa Meiji nội địa Nhật Bản, tức dòng sản phẩm sản xuất hướng đến thị trường Nhật và đang được lưu thông tại nước này không đúng với chuẩn ở Việt Nam. Thành phần biotin, choline, mangan i-ốt trong sữa bột công thức Meiji nhãn hiệu Hohoemi (số 0 - cho trẻ dưới 12 tháng) và thành phần biotin, kẽm, i-ốt trong sữa Meiji nhãn hiệu Step (số 9 - cho trẻ từ 1-3 tuổi) đáp ứng các quy định của Nhật nhưng lại không hợp chuẩn của Việt Nam.

    Điều đặc biệt, công ty Meiji cũng đề cập tình trạng quản lý chất lượng sữa Meiji Nhật nội địa khi đem về Việt Nam không rõ ràng ở hạn sử dụng và việc bảo quản chất lượng không được thực hiện đúng cách, dẫn tới việc chất lượng sản phẩm xuống cấp, có nguy cơ gây hại đến sức khoẻ và an toàn của người tiêu dùng. Ngoài ra, Meiji cũng không loại trừ khả năng hàng giả có thể bị trà trộn vào hàng Nhật Bản được bắt gặp trên thị trường, do đó có nguy cơ gây hại đến sức khoẻ và an toàn của người tiêu dùng.

    Việc Cty sữa Meiji (Nhật) cảnh báo các loại sữa Meiji tại thị trường Việt Nam cho thấy rủi ro các mẹ Việt Nam có thể gặp khi chọn sữa ngoại cho con. (Ảnh minh họa).

    Đây không phải lần đầu tiên sữa ngoại dính nghi án về chất lượng. Đầu  năm 2016, một người tiêu dùng Trung Quốc đã phát hiện trong hộp sữa  Aptamil mua về có côn trùng đang sống. Người này đã lập tức chuyển thông tin đến công ty sản xuất loại sữa này và đòi bồi thường gấp 10 lần hộp sữa. Mặc dù, nhà sản xuất chưa tìm được nguyên nhân sữa kém chất lượng vì không loại bỏ được côn trùng trong khâu sản xuất hay do người sử dụng bảo quản không tốt dẫn đến hiện tượng trên nhưng họ đồng ý bồi thường người mua này gấp 3 lần.

    Ngay sau đó, đại diện Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã cho biết sẽ kiểm tra sữa Aptamil tại thị trường Việt Nam. Tại thị trường trong nước, sữa Aptamil được khá nhiều bà mẹ lựa chọn. Ưu điểm của loại sữa này là mát, tốt cho tiêu hóa, thành phần gần với sữa mẹ. Sữa    Aptamil chủ yếu được nhập vào Việt Nam theo đường xách tay, có xuất xứ từ Anh và Đức.

    Năm 2013, có 30 mẫu sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ được sử dụng phổ biến tại Anh, trong đó có Aptamil Toddler Growing up - loại có bán tại Việt Nam nhiễm nhôm ở mức cao.

    Đối với các loại sữa xách tay, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhấn mạnh, người tiêu dùng tuyệt đối không nên tin tưởng vào hàng xách tay không có nhãn phụ vì có thể dính đến hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ.

    Đối với các loại sữa được nhập khẩu theo đường xách tay và theo dạng nhập khẩu chính ngạch nguyên lon, nếu đúng là hàng “chuẩn” thì cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ các thành phần dinh dưỡng không phù hợp với yêu cầu dinh dưỡng của trẻ Việt Nam và điều kiện bảo quản của khí hậu Việt Nam.

    Tiến sĩ Nguyễn Hữu Toản – nguyên Trưởng khoa Đinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cho biết: “Thực tế là sữa bột cho trẻ em ở mỗi thị trường thường có mỗi công thức khác nhau, ví dụ ở châu Âu khí hậu lạnh nên nhà sản xuất phải có công thức chế biến sữa khác ở châu Phi và vùng Trung Đông khí hậu nóng. Việt Nam là miền nhiệt đới, môi trường khí hậu, nhiệt độ khác ở châu Âu nên chế độ dinh dưỡng cho bé phải khác, điều đó đòi hỏi sữa bột cho bé cũng phải có công thức riêng cho phù hợp. Nhiều người cẩn thận đến mức nhờ người quen ở tận bên Pháp, Mỹ mua sữa gửi về để cho bé dùng, nhưng điều đó chưa chắc đã tốt, bởi những sản phẩm đó có thể không phù hợp với trẻ em Việt Nam”.

    Bên cạnh đó, đối với hàng xách tay sẽ không có nhãn phụ Tiếng Việt, bao bì sữa ngoại đương nhiên toàn ngoại ngữ. Với những loại sữa Anh, sữa Mỹ sử dụng tiếng Anh trên nhãn còn dễ dịch, đối với những hàng sữa nội địa của Nga, Nhật, Pháp…các bà mẹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ không hiểu thông tin sản phẩm. Không đọc được thông tin sữa, không những khiến nhiều mẹ gặp khó khăn trong việc pha sữa. Vì không phải sữa nào cũng theo công thức 1 gạt/30ml. Thậm chí còn có thể bỏ sót những thông tin quan trọng về một thành phần có trong sữa có thể gây dị ứng với con. Ngoài ra, khi mua sữa ngoại xách tay cũng rất khó để được các công ty sữa chăm sóc khách hàng chu đáo.

    Thông tin trên báo An ninh Thủ đô, theo đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), mua hàng xách tay, trên nhãn mác không có phụ đề tiếng Việt để đọc thành phần dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng, bảo quản… người mua sẽ gặp nhiều rủi ro hơn. Chẳng hạn có nhiều thông tin nhà sản xuất đã cảnh báo mà người mua không hiểu. Hàng xách tay cũng khó đảm bảo chuẩn về nguồn gốc, xuất xứ.

    Tuy nhiên, tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng là hàng xách tay mới là “hàng ngoại xịn”, là hàng nội địa của nước sản xuất, chất lượng đáng tin cậy hơn. Trong khi đó, hàng nhập khẩu chính ngạch, có tem nhãn tiếng Việt lại dễ bị nghi là “hàng liên doanh”, chất lượng sẽ không cao bằng. Vì vậy, sản phẩm xách tay vẫn được nhiều người sử dụng. “Hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn rõ ràng thì nếu gặp vấn đề không may, mới có thể khiếu nại, bảo vệ quyền lợi được” - đại diện Vinastas nói.

    Trao đổi trên báo giáo dục Việt Nam, TS Nguyễn Hữu Toản – nguyên Trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cũng đưa ra lời khuyên: “Các ông bố bà mẹ khi lựa chọn sữa cho con cái nên tìm hiểu kỹ các thông tin. Trước hết sữa phải có nguồn gốc, thông tin rõ ràng; thứ hai là phải lựa chọn sản phẩm phù hợp với thể trạng, nhu cầu dinh dưỡng của bé.

    Sữa bột cho trẻ em ở mỗi thị trường thường được nhà sản xuất đưa ra mỗi công thức khác nhau để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của bé sinh sống ở môi trường khí hậu và nhiệt độ ở đó. Nhiều người cẩn thận nhờ người quen ở nước ngoài mua sữa gửi về cho bé dùng, như thế chưa chắc đã tốt, bởi những sản phẩm đó có thể không phù hợp với trẻ em Việt Nam.

    Thời gian gần đây, nhiều bà mẹ lựa chọn cho bé sử dụng các sản phẩm được sản xuất trong nước, tôi cho đó là một sự lựa chọn thông minh. Bởi vì nhiều sản phẩm sữa nội hiện nay được đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, thành phần dinh dưỡng phù hợp và chất lượng tương đương sữa ngoại mà giá lại phải chăng hơn rất nhiều”.

    Ngọc Anh (Tổng hợp)

    Nguồn: Người đưa tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sinh-sua-ngoai-me-hai-con-a135981.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan