Siêu bão Helene ghi nhận sức gió liên tục mạnh nhất lên tới 225 km/h - đã đổ bộ phía tây bắc Florida với cường độ bão cấp 4, vào cuối ngày 26/9 (theo giờ địa phương).
Gió giật tung lớp ván che của các tòa nhà gần như hoàn toàn chìm trong bóng tối. Một đài tin tức địa phương đã ghi lại cảnh một ngôi nhà bị lật.
Bão Helene đã để lại hậu quả tàn khốc với ít nhất 44 người thiệt mạng, bẻ gãy hàng loạt cây cối và phá hủy những ngôi nhà.
Thống đốc Brian Kemp cho biết chính quyền đã phải sử dụng cưa máy để dọn dẹp các mảnh vỡ và mở đường. Nhiều bệnh viện phải chịu cảnh mất điện.
Helene sau đó suy yếu thành bão nhiệt đới và sau đó thành áp thấp nhiệt đới khi di chuyển qua bang Georgia cũng như Nam Carolina và Bắc Carolina vào chiều 27/9.
Tuy nhiên, giới chức trách dự đoán tác động nguy hiểm ngay cả khi cơn bão suy yếu, vì nó tiếp tục gây ra lũ lụt thảm khốc.
Theo NHC, bão Helene dự kiến sẽ còn tiếp tục gây ảnh hưởng, gây ra tình trạng lũ lụt nghiêm trọng với lượng mưa bổ sung từ 76,2mm đến 152,4mm, với tổng lượng mưa tích lũy từ 152,4mm đến 304,8mm, và có thể lên đến 500mm ở một số khu vực cô lập.
Ngoài ra, các hiện tượng thời tiết cực đoan như lở đất, lốc xoáy, sóng lớn cũng được dự báo sẽ tác động đáng kể tới các địa phương trong vùng chịu ảnh hưởng.
Các đội cứu hộ đang nỗ lực để cứu người dân khỏi dòng nước lũ. Mực nước dâng cao từ Sông Nolichucky đã ngăn cản xe cứu thương và xe cấp cứu di tản bệnh nhân và những người khác ở hạt Unicoi, Tennessee.
Các quan chức ở một số bang đã cảnh báo những người bị mắc kẹt hãy chờ đội cứu hộ, vì nước lũ có thể chứa dây điện, nước thải, vật sắc nhọn và các mảnh vỡ khác.
Cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp liên bang Mỹ đã điều động hơn 1.500 nhân viên và hỗ trợ hơn 400 cuộc giải cứu chỉ trong một buổi sáng. Tổng thống Joe Biden cho biết ông đang cầu nguyện cho những người dân chịu ảnh hưởng.
Một số hình ảnh tại nơi chịu ảnh hưởng bởi bão Helene: