+Aa-
    Zalo

    Siết quản lý thuế trong mua bán vàng, đá quý

    (ĐS&PL) - Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa có công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

    Theo báo Người lao động, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động mua bán vàng bạc, đá quý.

    Theo đó, Tổng cục Thuế yêu cầu rà soát toàn bộ các doanh nghiệp, các hộ, cá nhân kinh doanh, gia công vàng bạc, đá quý trên địa bàn quản lý, đặc biệt là các hoạt động kinh doanh mua bán vàng nguyên liệu và vàng miếng.

    Qua rà soát, thực hiện nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế để thực hiện kiểm tra hồ sơ tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định. Trường hợp phát hiện rủi ro thì thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế theo quy định.

    siet quan ly thue trong mua ban vang da quy
    Từ cuối năm 2023 đến nay, giá vàng trong nước liên tục tăng theo giá vàng thế giới và chưa có dấu hiệu dừng lại.

    Tổng cục Thuế cũng yêu cầu lập đơn vị đầu mối phụ trách chuyên môn, thực hiện nghiên cứu, triển khai, theo dõi và quản lý các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh, chế tác vàng bạc, trang sức, mỹ nghệ. Kịp thời phát hiện các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh có phát sinh mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý nhưng không kê khai thuế, có sự chênh lệch giữa giá vốn, doanh thu thực tế với giá vốn, doanh thu kê khai thuế giá trị gia tăng.

    Các cục thuế cũng được giao xây dựng kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh, đề xuất các phương án, giải pháp phối hợp với các sở, ban, ngành để tăng cường quản lý đối với các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý.

    Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan như công an, quản lý thị trường, ngân hàng, hải quan… để quản lý chặt chẽ loại hình kinh doanh vàng bạc, đá quý, giảm thiểu rủi ro trong quản lý thuế.

    Tổng cục Thuế nêu rõ qua thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng bạc, đá quý có vi phạm pháp luật về thuế và có dấu hiệu tội phạm thì sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.

    Theo báo VnExpress, ngoài siết quản lý thuế, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, trong đó giữ nguyên cách tính thuế VAT trực tiếp với mua bán, chế tác vàng, đá quý. Tức là, thuế VAT = giá trị tăng thêm (giá bán - mua vào) x thuế suất.

    Tuy nhiên, nhiều địa phương góp ý nên thay cách này bằng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, do khó kiểm soát giá mặt hàng này.

    Chẳng hạn, theo tỉnh Quảng Nam, giao dịch mua bán vàng, đá quý thường nhỏ lẻ, không đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào. Cùng đó, chênh lệch giữa giá bán ra và mua vào tại một thời điểm thường không cao.

    Tương tự, tỉnh Cần Thơ cũng phản ánh thực tế cơ quan thuế chưa có biện pháp quản lý giá vốn mua vào, vì người dân đến bán vàng thường không có hóa đơn, doanh nghiệp tự lập bảng kê theo thị trường. "Giá mua thường tiệm cận giá bán, dẫn đến phần giá trị tăng thêm thấp. Thuế VAT phải nộp trong trường hợp này không đúng thực tế", địa phương này nêu.

    Vì vậy, theo các địa phương, áp dụng tính thuế VAT trực tiếp mua bán vàng, đá quý sẽ khiến cơ quan thuế địa phương khó quản lý, dẫn đến thất thu ngân sách. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng không có cơ sở đưa ra mức tỷ lệ với hoạt động này và doanh thu kinh doanh vàng rất lớn, nên bộ đề nghị giữ như hiện tại.

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/siet-quan-ly-thue-trong-mua-ban-vang-da-quy-a613444.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan