Giá vàng tiếp tục "nhảy múa"?
Sau đợt tăng nóng rồi hạ nhiệt vào cuối năm 2023, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường vàng trong nước lại liên tục chứng kiến những đợt biến động rất mạnh. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm vàng miếng SJC, vàng nhẫn 24K khiến giá hàng hóa bị đẩy lên cao chưa từng có.
Chia sẻ trên báo Vietnamnet, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam, cho hay giá vàng thế giới tăng do chính sách tiền tệ, diễn biến kinh tế của Mỹ. Hiện, giá vàng trong xu hướng tăng trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Khánh lưu ý thêm, việc giá vàng trong nước tăng ngoài nguyên do giá thế giới đi lên thì còn yếu tố nữa là độ khan hiếm. Khi chưa có biện pháp can thiệp thị trường nào từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), giá vàng SJC sẽ có mức chênh lệch ngày càng cao so với giá thế giới.
“Nếu tăng nguồn cung, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thì giá vàng SJC có thể sẽ giảm cả chục triệu đồng, xuống mức 70 triệu đồng/lượng. Còn nếu không tăng nguồn cung, giá vàng SJC có thể tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng. Câu chuyện giá vàng sắp tới phụ thuộc lớn vào giải pháp căn cơ là tăng nguồn cung”, ông Khánh nhận định.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lại phân tích, bỏ tiền vào ngân hàng lúc này lãi suất càng ngày càng xuống thấp; còn chứng khoán nhiều người không quen đầu tư; trong khi đó, bất động sản hiện không có tính thanh khoản cao.
Do vậy, chỉ còn vàng là kênh đầu tư mà nhiều người thấy đang trong xu hướng tăng, nếu đầu tư trong thời gian dài, độ an toàn cao. Vàng là kênh đầu tư hấp dẫn nên giữ được giá cao.
Ông Hiếu cho rằng, trước khi Nghị định 24 về quản lý thị trường thay đổi, giá vàng sẽ tiếp tục tăng.
“Giá vàng trong xu hướng đi lên, với khoảng 40% xác suất lên được mức 85 triệu đồng/lượng”, ông Hiếu dự đoán nhưng cũng lưu ý, rất khó để đoán định được mức tăng tại thời điểm này vì giá vàng đang biến động dữ dội.
Trong khi đó, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng: “Từ nay đến cuối năm, giá vàng thế giới chắc chắn vẫn tăng, khoảng gần 200 USD nữa. Do đó, giá vàng nhẫn trên dưới 70 triệu đồng/lượng là bình thường. Còn giá vàng SJC, nếu không có biện pháp nào từ NHNN, mức giá có thể tăng lên mức 85 triệu đồng/lượng, thậm chí 87 triệu đồng/lượng”.
Giải quyết tình trạng khan hiếm vàng cục bộ thế nào?
Theo báo Người lao động, để giải quyết tình trạng khan hiếm cục bộ và giá vàng tăng vọt những ngày qua, ông Trần Văn Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc - Đá quý ASEAN (AJC), góp ý NHNN có thể tạm thời ủy quyền cho một số công ty kinh doanh vàng - là đơn vị trực thuộc các ngân hàng lớn nhập khẩu vàng để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất vàng nhẫn, vàng nữ trang. Lập tức, giá vàng nhẫn sẽ lùi về ngang bằng với giá thế giới.
Thế nhưng, một số lãnh đạo VGTA cho rằng việc này chỉ là giải pháp tình thế. Bởi, năng lực tài chính, kinh nghiệm thị trường của những công ty kinh doanh vàng trực thuộc các ngân hàng hết sức khiêm tốn, có thể nhập khẩu vàng mức giá không hợp lý.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nuowscn (NHNN) không có chức năng kinh doanh nên việc ủy quyền cho đơn vị khác nhập khẩu vàng là không phù hợp với Nghị định 24. Giải pháp cốt lõi để hạ nhiệt giá vàng trong nước là NHNN đề xuất Chính phủ sửa Nghị định 24 theo hướng trả lại việc nhập khẩu vàng cho doanh nghiệp.
Theo VGTA, NHNN cần điều tra, khảo sát nhu cầu nguyên liệu sản xuất vàng ở tại thời điểm hiện tại (khoảng 20 tấn/năm). Sau đó, NHNN tiến hành khảo sát, kiểm tra quy mô hoạt động, năng lực tài chính, kế hoạch sản xuất… của các doanh nghiệp hàng đầu để chọn đơn vị làm đầu mối nhập khẩu vàng.
Khi đó, NHNN chỉ đóng vai trò cấp hạn mức, giám sát doanh nghiệp nhập khẩu vàng. Các doanh nghiệp nhỏ lẻ sẽ đăng ký mua nguyên liệu từ đơn vị nhập khẩu. "Làm được như thế, giá vàng trong nước sẽ giảm trong chớp mắt, chênh lệch giữa giá vàng SJC, vàng nhẫn với giá thế giới sẽ thu hẹp đáng kể", lãnh đạo VGTA kỳ vọng.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng việc điều chỉnh, sửa đổi một số quy định của Nghị định 24 cho phù hợp với hoàn cảnh mới là cần thiết. Tuy nhiên, tinh thần chung là Chính phủ và NHNN cần tiếp tục kiên định với chính sách chống vàng hóa, giảm vàng hóa trong việc sửa đổi cơ chế, chính sách quản lý vàng, hoạt động kinh doanh vàng, qua đó cũng giảm bớt vấn đề đôla hóa nền kinh tế.
Theo chuyên gia này, quá trình chống vàng hóa theo mục tiêu của Nghị định 24 đã thành công nhưng nghị định này ra đời cách đây 12 năm và đã đến lúc cần thay đổi, sửa đổi theo hướng về sát với bối cảnh thị trường. Từ đó, thiết lập sự cân bằng quan hệ cung cầu trên thị trường hiện nay.
Vân Anh(T/h)