+Aa-
    Zalo

    Sau lệnh ngừng bay vì Covid-19, hàng nghìn máy bay chật vật tìm bến đậu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Các hãng bay vốn đã khốn khó vì máy bay vắng khách do đại dịch, giờ lại thêm mối bận tâm chưa từng có là tìm chỗ đỗ tàu bay.

    Các hãng bay vốn đã khốn khó vì máy bay vắng khách do đại dịch, giờ lại thêm mối bận tâm chưa từng có là tìm chỗ đỗ tàu bay.

    Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, danh sách các hãng hàng không giảm chuyến bay và thậm chí dừng bay ngày càng dài thêm. Delta Air Lines đã dừng vận hành 70% đội bay khoảng 600 máy bay. Qantas của Australia đã dừng bay 150 máy bay, bao gồm Airbus A380, Boeing 747 và Boeing 787. Họ đang đau đầu khi tìm kiếm chỗ đỗ cho máy bay.

    Lufthansa đang giảm tới 90% chuyến bay đường dài trong giai đoạn từ 29/3-24/4. Hãng hàng không giá rẻ Ryanair dự kiến giảm tới 80% công suất ghế trong tháng 4 và tháng 5.

    Tại Frankfurt (Đức), sân bay lớn nhất nước này đang trở thành nơi chứa máy bay bỏ không. Nhiều đường băng, đường lăn đã được chuyển đổi thành bãi đỗ cho Lufthansa, Condor và nhiều hãng khác. Swiss – hãng bay thuộc Lufthansa thì đã thuê chỗ đỗ tại một sân bay quân sự gần Zurich.

    Các sân bay lớn khác trên thế giới cũng có tình cảnh đông đúc tương tự, từ Hong Kong, Seoul, Berlin và Vienna đến những nơi trước đây khá vắng vẻ như Victorville, California, Marana, Arizona.

    Asia Pacific Aircraft Storage (APAS) tại Alice Springs cũng là nơi đỗ những chiếc 737 MAX của SilkAir và Fiji Airways khi dòng này bị cấm bay suốt một năm qua. Vì thế, tình hình hiện tại càng khiến chỗ đỗ khan hiếm.

    Sau lệnh ngừng bay, hàng nghìn máy bay chật vật tìm bến đậu. Ảnh minh họa

    Cathay Pacific Airways – một trong những hãng bay chịu tác động mạnh nhất từ đại dịch, cũng đang tận dụng mọi chỗ trống tại Sân bay Quốc tế Hong Kong để đỗ phi cơ.

    Còn ở Mỹ, United Airlines và American Airlines cho biết đang để máy bay tại các cơ sở bảo dưỡng. Trong khi đó, Delta Air Lines vẫn đang tìm cách giải quyết.

    Ngoài chỗ đỗ, hậu cần để quản lý những chiếc máy bay rất phức tạp. Để đảm bảo những chiếc máy bay có thể cất cách an toàn trở lại, việc quản lý đòi hỏi kỹ thuật nghiêm ngặt liên quan đến việc xả hết chất lỏng, che phủ cửa hút không khí và ống xả của động cơ, che chắn các dụng cụ bên ngoài như ống pitot, che cửa sổ, lốp máy bay, cùng một số công việc khác dành riêng cho từng loại máy bay.

    Khu vực phía Tây Nam của nước Mỹ là điểm thích hợp cho đỗ máy bay nhờ khí hậu khô cằn, giúp cho máy bay không bị ăn mòn. Bên cạnh đó, các đơn vị này cũng cởi mở hơn nên thu hút các hãng tới đỗ.

    Tom Vincent, cựu phó chủ tịch Deutsche Bank, đã thành lập một kho lưu trữ máy bay hơn một thâp kỷ trước tại Alice Springs, Australia, đang mở rộng công suất từ 30 lên 70 máy bay.

    Theo ông Tom Vincent, điều kiện khí hậu lý tưởng để bảo quản máy bay là độ ẩm không khí phải rất thấp. Lưu trữ máy bay trong điều kiện độ ẩm cao như ở châu Á là một thách thức lớn. Tốc độ ăn mòn khung máy bay và động cơ sẽ diễn ra rất nhanh. Trong khi đó, thách thức của các hãng hàng không là họ sẽ phải dừng bay tới bao giờ nên các kế hoạch đỗ trong bao lâu để đàm phán chỗ thuê cho phù hợp. Chính cản trở này đã khiến cho kế hoạch tìm kiếm chỗ đỗ máy bay rất phức tạp mà không ai có thể đoán trước được điều gì.

    Vũ Đậu (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sau-lenh-ngung-bay-vi-covid-19-hang-nghin-may-bay-chat-vat-tim-ben-dau-a316780.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan