Báo cáo của bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tại Hội nghị tự chủ đại học sáng 4/8, cho thấy từ 2018 đến 2021, tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đa phần tăng lên; tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm; thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh.
Theo bộ GD&ĐT, về mức độ tự chủ tài chính, đến thời điểm hiện tại có 32,76% trường đại học đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, 13,79% số lượng trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên.
Đánh giá chung về nâng cao năng lực tài chính của các trường tự chủ, bộ GD&ĐT cho biết từ 2018 đến 2021 tổng thu của các trường này đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm.
Trong đó, thu nhập bình quân hằng năm đã tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý.
Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%.
Năm 2018 tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 100 triệu/năm chiếm 26,2% trong khi năm 2021 chỉ còn 12,7%; tỷ lệ giảng viên thu nhập dưới 150 triệu/năm 2018 là 57,5% và chỉ còn 46,3% năm 2021.
Giảng viên có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; Giảng viên có thu nhập thu nhập trên 300 triệu/năm trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97% sau 3 năm thực hiện tự chủ (2018-2021).
Cũng theo báo cáo của bộ GD&ĐT, 5 trường đại học có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm bao gồm ĐH FPT, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Văn Lang, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM (2 trường công lập và 3 trường tư thục).
Ngoài 5 trường trên, danh sách 10 trường có tổng doanh thu cao nhất còn có ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM.
Cự Giải (T/h)