Con bé nắm lấy đôi chân rặt những xương của bố bóp lấy bóp để. Đột nhiên nó ngẩng mặt lên, hỏi “Sao ngày nào con cũng bóp chân mà mãi bố vẫn không đi được?”. Nghe con hỏi, anh chỉ biết quay mặt vào tường kệ những giọt nước mắt bất lực tuôn rơi.
Ngôi nhà nhỏ xíu, thấp lè tè khuất sau rừng tràm ngập trong khói bếp. Chỗ nấu ăn “ghé” một phần lên tường nhà, khói không có chỗ thoát nên “um” hết lên nhà trên. Người đàn ông nằm trên giường ôm ngực ho sặc sụa vì ngạt khói. Hơn chục năm nay, anh Phan Văn Mậu (SN 1977, xóm Trung Phong, xã Tây Thành, Yên Thành, Nghệ An) đã phải nằm bất động và được “hun khói” mỗi khi bếp đỏ lửa. Căn nhà cũ kỹ hai gian ám đầy muội than, nền nhà vẫn nhão nhoét bởi trận mưa hôm qua dột qua mái ngói nứt nẻ. Từ hồi bố anh Mậu xây tới giờ nó vẫn chưa một lần được “đại tu” một cách đúng nghĩa nhưng vẫn phải oằn mình che nắng, che mưa cho 6 con người.
11 năm anh Mậu nằm bất động cũng là 11 năm chị Trần Thị Phương (SN 1975) – vợ anh, phải chạy đôn chạy đáo lo thuốc thang cho chồng và ăn học cho 3 đứa con. Năm 2003, khi chị Phương vừa sinh cháu Phan Thị Tuyết Nhung được vài tháng thì anh Mậu quyết định vào Tây Nguyên làm thuê kiếm thêm thu nhập.
|
10 năm nằm liệt giường đôi chân anh Mậu đã dần teo tóp, cơ hội phục hồi để có thể đi lại hầu như không còn. |
Trong một lần đi chặt gỗ trên rừng, anh Mậu bị cả thân cây lớn đổ ập vào lưng. Thoát chết nhưng cũng từ đó anh trở thành người tàn phế khi cột sống bị chấn thương, liệt từ thắt lưng trở xuống. “Đợt anh ấy đi viện, chị phải vay mượn đến 60 triệu. 10 năm rồi, lãi mẹ đẻ lãi con, nợ cũ chồng lên nợ mới, không biết đến bao giờ mới trả hết”, chị Phương buồn bã nói.
Gần 1 năm chạy chữa, tiền cạn, lực kiệt chị đành đưa anh về nhà. Hồi đó bác sỹ bảo anh vẫn còn cơ hội đi lại nếu được điều trị tốt, có chế độ ăn uống bồi dưỡng, tập luyện hợp lý. Nhưng túng quẫn quá, chị Phương không còn lựa chọn nào khác.
Từ chỗ trụ cột cho gia đình, anh Mậu chỉ còn nằm một chỗ. Đôi chân vẫn còn cảm giác nhưng nó cứ teo tóp dần dần. Trời bắt anh nằm một chỗ với nửa thân không còn cử động được nhưng cái đầu lại quá tỉnh táo. Bởi vậy, nỗi đau của anh càng lớn hơn gấp bội khi chứng kiến vợ bơ phờ lo toan cho cả gia đình, chứng kiến 3 đứa con phải ăn đói mặc rét và người mẹ già ngày càng còm cõi của mình.
|
10 năm chồng bị nạn là 10 năm chị Phương phờ phạc lo thuốc thang cho chồng và ăn học cho 3 đứa con cùng người mẹ chồng già yếu. |
Anh nằm một chỗ, hai chi dưới cứ đau buốt lan đến xương chậu rồi dội lên đến đỉnh đầu. Anh âm thầm chịu đựng một mình, chẳng dám kêu vợ vì không thể bắt vợ khổ hơn được nữa. Chị lại thương chồng, chăm chồng như chăm con mọn. Mỗi khi anh khỏe hơn một tý, chị vào rừng làm cỏ thuê, chặt củi cho người ta. Tuy vất vả nhưng cũng kiếm được ngày trăm nghìn đồng, có nghĩa là ngày hôm đó, cả nhà có “tý chất tươi”. Hôm nào chồng đau, chị Phương lại bỏ hết công việc ở nhà phục vụ.
Thương mẹ, thằng Oanh – con trai đầu (SN 1999) mấy bận đòi nghỉ học để theo mẹ đi làm thuê nhưng chị gạt đi. “Nó xin nghỉ học để đi làm thêm. Nó bảo con nghỉ học mẹ vừa đỡ phải lo tiền sách vở, học phí, lại đi làm kiếm thêm tiền hỗ trợ cho mẹ. Nhưng mà nó học khá lắm, năm nào cũng được giấy khen. Nếu bắt con nghỉ học thì tội nó quá. Không học thì suốt đời nó cũng chỉ có thể quanh quẩn trong rừng mà chặt keo, làm cỏ thuê thôi. Chị vẫn đang cố được”, chị Phương cố tỏ vẻ cứng cỏi.
3 năm nay, do lao lực quá nên chị Phương bị thoái hóa đốt sống. Bác sỹ khuyên phải hạn chế làm việc nặng và nghỉ ngơi điều độ nhưng trong hoàn cảnh như thế này chị nào dám nghỉ ngơi. Không làm thì cả nhà lấy gì mà ăn, rồi tiền thuốc thang cho anh Mậu nữa. Vừa rồi nhà trường thông báo tiền nộp học cho cả 3 đứa nhưng chị chưa có đồng nào đành xin khất.
|
Ngôi nhà đã quá cũ kỹ, xuống cấp nhưng chưa có điều kiện sửa sang. |
Hai con mắt của bà Nguyễn Thị Cảnh (SN 1942) – mẹ chồng chị Phương, đang dần mờ đi. Người ta bảo nếu được phẫu thuật thì mắt bà có thể nhìn lại được nhưng chị cũng chưa biết kiếm đâu ra tiền để làm tròn chữ hiếu với mẹ chồng. Nhắc đến hoàn cảnh vợ chồng người con trai, bà Cảnh sụt sùi: “Tui mà không lòa thì cũng phụ giúp được mẹ Phương mấy công việc lặt vặt trong nhà nhưng đến đường đi cũng không thấy thì có làm được gì đâu. Nó về làm dâu của tui mà chưa có lấy được một ngày thanh thản. Chồng đau, con dại lại thêm mẹ chồng mù lòa... Tui thương thằng Mậu một thì thương con Phương mười. Thương cũng chỉ biết khóc thôi...”, bà đưa bàn tay sần sùi quẹt nước mắt đang tuôn ra từ đôi mắt mờ đục.
3 đứa con anh Mậu lửng thửng ôm cặp sách về. Cũng may nhà gần trường nên thằng Cư (lớp 8), con Nhung (lớp 6) vẫn có thể đi bộ. Chị Phương nghèo đến nỗi chẳng thể mua nổi cho con cái xe đạp để đến trường nên học cấp 3, cách nhà vài cây số thằng Oanh phải đi nhờ xe của bạn.
Chào khách, cất cặp, hai thằng anh chui xuống nhà bếp giúp mẹ nấu cơm. Bé Phương leo lên giường đặt bàn tay gầy gò lên ống chân đã teo tóp của bố mà bóp. Nó bảo con sẽ cố học thật giỏi, sau này làm bác sỹ chữa bệnh cho bố. Đột ngột nó dừng tay, ngước đôi mắt buồn buồn lên hỏi: “Ngày nào con cũng bóp chân mà sao bố vẫn không đi được?”.
|
Người đàn ông này chỉ ước mình có thể đi lại được để ít nhất là tự chăm sóc được bản thân, cho vợ con đỡ khổ. |
Nhìn đôi mắt vẫn đang tràn đầy hi vọng của con, nước mắt anh Mậu ứa ra. Anh khóc, giọt nước mắt tủi hổ và bất lực của người đàn ông bị số phận đánh gục ngã cứ mặc nhiên tuôn trào từ hai hố mắt trũng sâu. Chị Phương ngồi cạnh cũng khóc. “Người ta bảo đôi chân của anh vẫn còn hi vọng nếu được chạy chữa. Nó vẫn còn cảm giác khi ai đó động vào nhưng chị không có cách nào khác để cứu lấy đôi chân của chồng. Có lẽ anh ấy phải chịu tàn phế đến hết đời...”, đôi mắt chị Phương ngân ngấn nước trong tiếng thở dài đầy não nề của chồng, tiếng sụt sùi của người mẹ già và tiếng nức nở của đứa con út.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Anh Phan Văn Mậu Xóm Trung Phong, xã Tây Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An Điện thoại: 0985 973 913 |
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sao-con-bop-chan-mai-ma-bo-van-khong-di-duoc-a54199.html