+Aa-
    Zalo

    Sanh cổ "ngự" trong chậu dát 5 cây vàng, chủ thuê người thay nhau canh giữ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Cây sanh cổ có dáng "lạ" được trồng trong chậu dát vàng, đại gia ngã giá 15 tỷ nhưng chủ nhân quyết không bán gây xôn xao giới chơi cây cảnh.

    Cây sanh cổ có dáng "lạ" được trồng trong chậu dát vàng, đại gia ngã giá 15 tỷ nhưng chủ nhân quyết không bán gây xôn xao giới chơi cây cảnh.

    Cuộc chơi đáng giá tiền tỷ

    Thời gian vừa qua những cây cảnh độc đáo, kỳ lạ được đem ra thị trường chuyển nhượng với giá hàng trăm triệu cho đến tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng vẫn hấp dẫn người mua. Trong những giao dịch cây cảnh tiền tỷ, không thể không nhắc đến "báu vật" sanh cổ "Tiên lão giáng trần".

    Thời điểm giữa tháng 6/2020, ông Phan Văn Toàn (biệt danh Toàn đô la, trú tại TP.Việt Trì – tỉnh Phú Thọ) đã bỏ ra 28 tỷ đồng mua cây sanh Tiên lão giáng trần từ ông Nguyễn Văn Chí (quê huyện Thường Tín, TP.Hà Nội).

    Sự kiện này đã gây chấn động cả làng cây cảnh Việt Nam bởi giao dịch quá "khủng" cũng như tên tuổi của những người tham gia vụ chuyển nhượng này.

    Trước đó chỉ 4 tháng, cây sanh Tiên lão giáng trần thuộc sở hữu của ông Dương Văn Mười (Thường Tín, Hà Nội). Sau đó, cây được chuyển nhượng cho nghệ nhân Nguyễn Văn Chí với giá 16 tỷ đồng. Từ lâu nhiều đại gia, nghệ nhân yêu cây cảnh sẵn sàng chi tiền tỷ để mua cây sanh về chăm sóc tạo tác. Những Festival sinh vật cảnh cũng vì thế được tổ chức thường xuyên, quy mô hơn để thu hút sự chú ý của nhiều người.

    Cây sanh cao 3,8m, rộng 2,7m, có tuổi đời trên 60 năm.

    Căng dây bảo vệ, cắt cử người trông giữ

    Trước đó vào năm 2018 siêu cây sanh cổ lần đầu xuất hiện ở triển lãm sinh vật cảnh tại tỉnh Nam Định cũng gây xôn xao giới chơi cây cảnh.

    Siêu cây "Đại thế vân tùng" khiến nhiều du khách và người chơi cây cảnh ngạc nhiên bởi cây được đặt trang trọng trên thảm đỏ ở triển lãm. Do giá trị của cây và chậu lớn nên chủ nhân và ban tổ chức đã phải căng dây bảo vệ, cắt cử người trông giữ suốt nhiều ngày qua.

    Trước đó, chia sẻ với báo chí, ban tổ chức triển lãm cho biết: Cây “Đại thế vân tùng" có nguồn gốc từ Phú Thượng (Hà Nội), được một người ở Nam Điền (Nam Trực, Nam Định) bán cho anh Nguyễn Văn Oai (Thái Bình). Anh Cao Văn Phú mua lại với giá gần 10 tỷ đồng.

    Điểm nhấn tác phẩm thu hút nhiều người chiêm ngưỡng không chỉ dáng thế, bông tán mà là những tiểu cảnh được đưa vào trong "khuôn viên" của siêu cây rất tinh tế, độc lạ.

    Chậu của siêu cây được dát 5 cây vàng, trị giá 185 triệu đồng. Đây cũng là điểm nhấn khiến siêu cây sanh này càng trở nên thu hút người tham quan hơn.

    Theo một số đại gia chơi cây cảnh, có thông tin nói, tại triển lãm đã có người trả giá lên đến 15 tỷ đồng nhưng chủ nhân quyết không bán. Bộ gốc, rễ của cây ôm chặt vào những hòn đá. Nhiều người sành sỏi trong giới chơi cây cũng hết lời khen ngợi cây "Đại thế vân tùng". Chậu cây được chạm khắc những hoa văn tinh tế và dát vàng kỳ công.

    Nhiều người yêu cây và nghệ nhân sinh vật cảnh phải dành hàng chục năm hoặc suốt cuộc đời để hoàn chỉnh một thế cây với những nguyên tắc tạo hình tỉ mỉ, nghiêm ngặt, qua đó muốn biểu đạt tính nghệ thuật vào tác phẩm. Mỗi người có cách cảm nhận và thổi hồn vào cây khác nhau, vì thế cũng tạo ra các bồn cảnh có dáng vẻ và biểu đạt ý tưởng khác nhau. Bởi vậy có những cây cảnh tạo tác trong nhiều năm có giá tiền tỷ cũng không mấy ngạc nhiên đối với những đại gia chơi cây cảnh.

    Trúc Chi

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số Thứ 4 (52)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sanh-co-ngu-trong-chau-dat-5-cay-vang-chu-thue-nguoi-thay-nhau-canh-giu-a361312.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan