Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam cho rằng nhu cầu đầu tư tăng trong khi lượng hàng khan hiếm, đồng thời có nhiều hiện tượng đầu tư bất chấp quy định pháp luật là nguyên nhân giá đất tăng tại nhiều địa phương trong thời gian qua. Hội Môi giới BĐS Việt Nam kiến nghị một loạt giải pháp nhằm kiểm soát hiệu quả hơn thị trường BĐS và ngăn chặn tình trạng đầu cơ tạo “sốt đất ảo” để trục lợi.
Vì sao “sốt đất” vẫn tái diễn?
Theo nhận định của các chuyên gia, nhiều cơn "sốt đất" trong quá khứ đến giờ vẫn đang để lại bài học nhãn tiền nhưng hình như không có "sức nặng" đối với nhà đầu tư bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, hiện nay nhu cầu ở vẫn rất mạnh trên toàn thị trường nhưng việc phê duyệt đầu tư các dự án BĐS, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan. Vì vậy, nguồn cung trên thị trường không được cải thiện, vẫn thiếu, nhất là các dự án nhà ở phân khúc bình dân, nhà ở xã hội và dự án đất nền.
Cùng với đó, nhu cầu đầu tư, gửi tiền vào đất tăng mạnh, đột biến do đầu tư các ngành kinh tế khác không hiệu quả bởi ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Lãi suất ngân hàng giảm sâu cùng với việc đầu tư ngắn hạn thời gian vừa qua vào chứng khoán và vàng có lãi lớn nên nhiều nhà đầu tư nhanh chóng chốt lãi và đầu tư vào đất.
Tình trạng "sốt đất" đang diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh minh họa. |
Theo đại diện hội Môi giới BĐS Việt Nam, tại nhiều địa phương, đã có hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí tung tin, tạo dựng tài liệu giả để tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
Đó còn là hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như đất rừng, đất ruộng, vườn... xuất hiện thường xuyên trên thị trường. Nhiều cò mồi thường xuyên tập trung ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định, đây không phải lực lượng môi giới BĐS chuyên nghiệp đang hoạt động tại các sàn giao dịch BĐS chuyên nghiệp, uy tín.
Đồng thời cảnh báo hệ quả của việc tăng giá đất nóng, sốt có thể sẽ làm tăng chi phí phát triển nhà ở, gây khó hơn cho việc thực thi các chính sách để phát triển nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội của Chính phủ. Đồng thời, cũng tạo áp lực tăng giá các loại nhà ở trong bối cảnh một số thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang... cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm căn hộ.
Tình trạng này cũng gây bất ổn cho thị trường bất động sản toàn quốc nói chung và các khu vực nóng sốt nói riêng. Ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường BĐS Việt Nam và triển khai các chính sách về phát triển nhà ở của Nhà nước.
Cung cấp kịp thời thông tin quy hoạch
Theo các chuyên gia BĐS, việc kiểm soát "sốt đất" cục bộ tại các địa phương là cần thiết. Chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai... đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật; đồng thời, cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với các hiện tượng sốt đất và quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch... trên địa bàn.
Ngoài ra, các địa phương nên cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn.
Về vấn đề này, đại diện cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (bộ Xây dựng) cho biết, trước thực tế trên, một mặt Nhà nước cần thiết phải điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm BĐS để người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin; mặt khác phải quản lý Sàn giao dịch và môi giới BĐS chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Nhằm góp phần kiểm soát hiệu quả hơn thị trường BĐS, Hội Môi giới BĐS Việt Nam kiến nghị chính quyền các địa phương phải vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai... đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi xảy ra hiện tượng sốt đất. Đồng thời có biện pháp quản lý hiệu quả các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch trên địa bàn.
Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng kiến nghị chính quyền và các cơ quan chức năng cần cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.
4 nguyên nhân của sốt đất ảo lặp đi lặp lại "Trao đổi với báo chí, GS. Đặng Hùng Võ, - nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hầu hết các vụ việc sốt đất gần đây, đều mới chỉ là chủ trương, chưa có ranh giới quy hoạch, chưa có gì rõ ràng cả. Cũng theo GS. Đặng Hùng Võ, có 4 nguyên nhân chính của tình trạng sốt đất ảo lặp đi lặp lại. Một là, khi có đầu tư phát triển thì giá đất tăng lên khá nhanh, làm tổng giá trị đất đai tăng thêm, có thể làm đổi đời người có đất; Hai là, những người có tiền muốn tham gia để có tiền nhiều hơn trong khi rất thiếu chuyên nghiệp, hay bị tác động của hiệu ứng đám đông, tức là chỉ vì khát vọng của lòng tham mà không đủ luận cứ; Ba là, giới đầu cơ thành thạo hơn kích động lòng tham để kiếm lời từ tham gia cò mồi, dẫn mối, thậm chí cả "lướt sóng" giai đoạn đầu; Bốn là, chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa nghĩ ra cách gì để khắc phục tình trạng tiêu cực này". |
Tuấn Linh