Các chuyên gia cho rằng, việc Samsung, Intel, LG, Canon và mới đây nhất là Nokia - Microsoft chuyển "đại bản doanh" sản xuất sang Việt Nam là cơ hội để phát triển ngành kỹ thuật.
Giới chuyên gia đánh giá tương đối tích cực về xu hướng chuyển dịch "đại bản doanh" sản xuất của các thương hiệu tên tuổi như Samsung, Nokia - Microsoft và trước đó là LG, Canon... sang Việt Nam. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền - nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng cho biết, yếu tố tiên quyết để các thương hiệu nói trên chuyển sang Việt Nam là sự ổn định chính trị. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác khiến cho những "ông lớn" nói trên rút khỏi thị trường nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, là giá nhân công, hệ thống chính sách, cơ chế ưu đãi...
Theo bà Hiền, cái lợi nhất khi Việt Nam mở cửa đón các thương hiệu lớn này chính là trình độ kỹ thuật. Trước đây, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ tập trung vào một số lĩnh vực dịch vụ, sản xuất công nghệ thấp hoặc các dự án bất động sản. Tuy nhiên, với việc Samsung hay Nokia - Microsoft đều là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nếu họ chuyển giao, chúng ta đang có cơ hội tiếp thu công nghệ cao. Một khi được tiếp nhận, Việt Nam sẽ có điều kiện phát triển các ngành kỹ thuật cần hàm lượng công nghệ cao trong tương lai.
Sự chuyển dịch sản xuất của các hãng điện tử sang Việt Nam đồng nghĩa với việc có cơ hội phát triển ngành kỹ thuật công nghệ cao. Ảnh minh họa. |
Đồng tình quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, chính sự đổ bộ của các thương hiệu toàn cầu đã giúp cho Việt Nam "ghi điểm" là một địa đểm đầu tư hiệu quả.
Theo bà Lan, hiện nay trên thế giới, việc tranh giành thu hút đầu tư vẫn diễn ra gay gắt. Do đó, khi Việt Nam được các "ông lớn" có tên tuổi toàn cầu lựa chọn không chỉ tốt cho chúng ta, mà còn góp phần nâng uy tín chung cho một quốc gia. Các thương hiệu lớn đổ tiền đầu tư không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho người dân mà còn làm cho bức tranh của Việt Nam sáng sủa hơn về cấu trúc xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu các lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi đó, ngân sách nhà nước - vốn dĩ đang khó khăn - cũng có thể tăng thêm nhờ vào thuế thu nhập doanh nghiệp thu được từ những doanh nghiệp này.
Trước lo ngại về tình trạng chuyển giá, trốn thuế, giả lỗ đã từng diễn ra tại một số doanh nghiệp FDI, bà Hiền cho rằng, vấn đề là nằm ở chính chúng ta. “Đây là tình trạng từ xưa đến nay. Trên thế giới, tôi không dám chắc có một doanh nghiệp từng kinh doanh mà không chuyển giá, trốn thuế”, bà Hiền nói. Theo vị chuyên gia này, hiện nay Việt Nam đã có những cơ chế chính sách lẫn chế tài để hạn chế và xử lý tình trạng trên. Do đó, những điểm chưa tốt này sẽ được khắc phục dần dần và chúng ta phải có các biện pháp để giải quyết.
Bà Phạm Chi Lan cũng thẳng thắn nhìn nhận, đi liền với những thứ "được" thì Việt Nam cũng phải đối mặt với những vấn đề gặp phải trong đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên: “Tác động xấu hay không trước hết phải ở mình. Chủ yếu là ở mình”, bà Lan nói.
Đối với lo ngại chuyển giá, trốn thuế bà Lan cho hay, để doanh nghiệp lách luật được là do năng lực của chúng ta. Khi không đủ khả năng kiểm soát, chúng ta mới bị người khác “gõ trên lưng mình”. Theo chia sẻ của bà, những trường hợp chuyển giá, trốn thuế đã diễn ra thời gian qua sẽ là bài học nhãn tiền để Việt Nam có thể kiểm soát chặt chẽ hơn các doanh nghiệp mới vào. “Tuy nhiên, nên có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này chứ không thể đánh đồng tất cả các doanh nghiệp FDI. Chúng ta không nên phủ nhận những đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế nước nhà mà các doanh nghiệp FDI mang lại”, bà Lan nói.
Với sự dịch chuyển vùng sản xuất truyền thống của những thương hiệu lớn sang thị trường Việt Nam và nguy cơ "biến" Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ, bà Lan cho rằng, không dễ và không hẳn xảy đến. Theo vị chuyên gia kinh tế này, bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ phải cân đối việc phát triển sản phẩm, ngành hàng có tiềm năng.
Bà Lan cho rằng, cần thận trọng khi nói đến “bãi rác công nghệ”. Bởi khi đánh giá trước hết phải xem đó là ngành hàng, sản phẩm gì, từ nguồn công nghệ và nhà đầu tư nào. "Hiện nay Trung Quốc có nhu cầu đổi mới công nghệ rất lớn nên sẵn sàng chuyển các sản phẩm công nghệ cũ sang Việt Nam để bán thậm chí rất đắt. Đó mới là điều nên lo", chuyên gia nói trên bày tỏ.