+Aa-
    Zalo

    Chân dung người thừa kế “triều đại” Samsung

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Khi người thừa kế Samsung gia nhập tập đoàn, ông chỉ để sản phẩm của Sony trong văn phòng, Bloomberg tiết lộ.

    Khi người thừa kế Samsung gia nhập tập đoàn, ông chỉ để sản phẩm của Sony trong văn phòng, Bloomberg tiết lộ.

    Khi Chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics - ông Lee Kun Hee đi thị sát nhà máy, công tác chuẩn bị được lên kế hoạch như đón nguyên thủ quốc gia.

    Các công nhân được lệnh đỗ xe sau nhà máy vì những chiếc xe xấu xí của họ sẽ làm nghịch mắt lãnh đạo. Kẹo bạc hà được bố trí trong nhà vệ sinh để giúp các nhân viên có hơi thở thơm tho. Một chiếc thảm đỏ được trải dài tới cửa xe limo của ông, đứng hai bên là hai hàng bảo vệ. Mọi người được lệnh không được nhìn ông đi vào qua cửa sổ.

    “Chúng tôi không được phép nhìn ông từ trên tầng cao. Samsung gần như là một tôn giáo, còn Chủ tịch Lee là một ông thánh”, ông Masaki Oguro - kiến trúc sư người Nhật làm việc tại một nhà máy Samsung ở Suwon, gần Seoul, cho biết.

    Tuy nhiên trong thời gian sắp tới, có thể Samsung sẽ được dẫn dắt bởi một nhân vật cấp tiến hơn trong cuộc chiến đối đầu kỳ phùng địch thủ Apple và những nhà sản xuất đến từ Trung Quốc.

    Chân dung người thừa kế “triều đại” Samsung

     

    Vị chủ tịch 72 tuổi đã phải nằm viện sau khi hứng chịu một cơn đau tim vào tháng Năm, ông chỉ có một người con trai duy nhất tên Lee Jae Yong để truyền lại của cải.

    Phó chủ tịch 46 tuổi này của Samsung kín tiếng đến nỗi ông chưa bao giờ có một cuộc phỏng vấn chính thức đối với báo chí.

    Theo đánh giá của nhiều người, tính cách của Lee Jae Yong phù hợp với Samsung ngày nay hơn.

    Ông được xem là khá giản dị, thân thiện, nói thành thạo ba thứ tiếng, những đặc điểm có thể giúp công ty chuyển giao sự tập trung của công ty từ phần cứng sang phần mềm, nội dung cũng như mở rộng hợp tác với nhiều đối tác quốc tế.

    Ông cũng từng xây dựng mối quan hệ với Steve Jobs, giúp Samsung cung cấp nhiều thiết bị cho các sản phẩm của Apple, ví dụ như iPod.

    “Vị hoàng đế tiếp theo”

    Tuy nhiên, khả năng lãnh đạo của ông vẫn chưa được chứng minh, ông Chang Sea Jin – trưởng phòng chính sách kinh doanh tại Đại học Quốc gia Singapore, kiêm tác giả của cuốn "Sony đối đầu Samsung” - nhận xét.

    Mặc dù ông nội ông sáng lập Samsung, sau đó cha ruột của ông gây dựng công ty trở thành tập đoàn kinh doanh lớn nhất Hàn Quốc, bản thân Lee Jae Yong chỉ có vài thành tựu được thế giới biết đến.

    “Tôi không biết rõ về năng lực của ông ấy. Ai cũng hiểu ông ấy sẽ là vị hoàng đế tiếp theo, nên ông không bao giờ phải chứng minh điều gì”, giáo sư nói.

    Chiều theo ý cha, vị phó chủ tịch Samsung đã lánh xa ống kính báo chí.

    Tính đến thời điểm hiện tại, cha ông – Lee Kun Hee là người đàn ông giàu nhất Hàn Quốc, với tài sản ròng đạt 11,6 tỷ USD tính đến 26/8, theo chỉ số tỷ phú Bloomberg.

    Trong khi đó, tài sản ròng của Lee Jae Yong là 4,4 tỷ USD, hầu hết trong số đó là các tài sản từ Samsung được bố ông mua giúp.

    Khó khăn bủa vây

    Chân dung người thừa kế “triều đại” Samsung

    Tài sản ròng của Lee Jae Yong là 4,4 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại.

    Cơn bạo bệnh của Chủ tịch Lee và bước chuyển mình của Samsung diễn ra đúng trong giai đoạn khó khăn của công ty lớn nhất Hàn Quốc này.

    Tăng trưởng doanh thu đã chậm dần lại trong bốn quý liên tiếp khi Apple thu hút khách hàng phân khúc cao cấp với sản phẩm iPhone, còn nhà sản xuất Xiaomi và Lenovo của Trung Quốc thống lĩnh thị trường điện thoại giá cả phải chăng.

    Thị phần smartphone của Samsung đã trượt xuống 25\% trong quý II, thấp hơn 7\% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của IDC.

    Ngôi vương của Samsung trong phân khúc điện thoại cao cấp màn hình cỡ lớn có thể gặp sức ép nếu Apple tung ra thế hệ iPhone mới với kích cỡ lớn hơn trong tháng Chín tới.

    Trong khi đó, Xiaomi vừa chính thức soán ngôi nhà sản xuất điện thoại hàng đầu tại Trung Quốc từ tay Samsung, tiếp đó lên kế hoạch thâm nhập thị trường Ấn Độ và Brazil.

    “Thách thức đang ập đến từ mọi phía, từ phân khúc cao cấp, trung cấp, đến bình dân. Jae Yong có rất nhiều việc phải làm”, ông Warren Lau - chuyên gia phân tích ngân hàng Maybay Kim Eng ở Hongkong nhận xét.

    Rủi ro và cơ hội

    Jae Yong nhận bằng đại học tại trường đại học quốc gia Seoul, khoa Lịch sử Đông Á, và bằng thạc sỹ từ trường đại học Keio của Nhật Bản.

    Sau đó, ông học lên tiến sỹ tại trường đại học kinh doanh Harvard trong 5 năm, tuy nhiên không nhận được bằng sau đó.

    Sau khi gia nhập Samsung vào năm 2001, ông được bố trí ngồi trong một căn phòng kính, xung quanh là thư ký từ mọi phòng ban kinh doanh. Họ giúp ông tích góp kiến thức về cấu trúc khổng lồ của tập đoàn, ông Ryozo Yoshikawa - nhân viên có thâm niên làm việc 20 năm tại Samsung, biết Jae Yong từ thời cậu còn là sinh viên - cho hay.

    Jae Yong đã giữ nhiều chức vụ trong công ty, từ giám đốc tài chính đến giám đốc điều hành, sau đó lên giữ chức Phó chủ tịch năm 2012, tuy nhiên, năng lực cụ thể của ông vẫn là một dấu hỏi lớn với công luận.

    Tránh mặt truyền thông

    Lai lịch của Jae Yong được giữ kín vì Samsung không muốn bất cứ sai lầm nào cản trở niềm tin đặt vào người thừa kế này, ông Chung Sun Sup - chuyên gia tại tổ chức nghiên cứu Chaebul.com nhận xét.

    “Chủ tịch Lee không cho phép danh tiếng của Samsung bị hủy hoại trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, ông nói.

    Kể cả vậy, nhiều trang tin vẫn lật lại được thất bại của Jae Yong trong một dự án kinh doanh trực tuyến trước khi ông chính thức gia nhập Samsung.

    Năm 2000, khi bong bóng dot-com vỡ, ông xây dựng một công ty có tên eSamsung, nhưng phải đóng cửa chỉ sau một năm hoạt động.

    Trong lễ thăng chức Phó chủ tịch cho Jae Yong, Samsung khẳng định ông đã đạt được nhiều thành quả trong việc thúc đẩy quyền lực của thương hiệu và đường hướng lãnh đạo vững chắc trong mảng kinh doanh smartphone, TV và linh kiện.

    Ngoài ra, ông cũng được ca ngợi vì thắt chặt thành công mối quan hệ đối tác qua các buổi gặp mặt với CEO Google - Larry Page và CEO Apple - Tim Cook.

    Jae Yong và người sau này trở thành CEO của Apple - Tim Cook đã xây dựng mối quan hệ khi hai công ty đàm phán một thương vụ mang tính quyết định đối với sự thành bại của iPod, một nguồn thạo tin tiết lộ.

    Thời đó, Apple muốn loại bỏ ổ đĩa cứng dùng trong máy nghe nhạc, chuyển sang dùng một loại chip flash nhỏ và nhẹ hơn. Samsung đã đồng ý đầu tư vào một dây chuyền mới để sản xuất loại chip này.

    Steve Jobs

    Buổi đàm phán giữa Jae Yong và Steve Jobs cũng dẫn tới việc Samsung phát triển màn hình diode phát quang hữu cơ trong tương lai, ứng dụng trong những chiếc ti vi mà Apple đang xem xét triển khai. Hiện tại, màn hình OLED đang được sử dụng trong dòng sản phẩm Samsung Galaxy.

    Jae Yong là nhân tố chính giúp linh kiện Samsung thâm nhập vào sâu sản phẩm iPhone, ông Greg Tarr - một nhà đầu tư tại Thung lũng Silicon cho biết.

    “Jae Yong được điều tới để đàm phán với Steve Jobs lúc đầu. Và bạn biết không, trong buổi lễ kỷ niệm sau này được Apple tổ chức, chỉ có một lãnh đạo duy nhất của Samsung được mời, đó chính là Jae Yong. Thậm chí nhiều nhân vật tai to mặt lớn tại Thung lũng Silicon cũng không được mời”, ông kể lại.

    Thung lũng Silicon

    Chân dung người thừa kế “triều đại” Samsung

    Chủ tịch Samsung Lee Kun Hee (trái) cùng con trai. 

    Jae Yong được đánh giá cao tại thánh địa công nghệ ở California, nơi Samsung có hàng trăm nhà lập trình viên đang viết phần mềm điện thoại, và ông là lựa chọn sáng giá cho một công ty đang cần một văn hóa kinh doanh sáng tạo hơn, chuyên gia Tarr nhận xét.

    Ông Tarr gặp gỡ Jae Yong tại một bữa tiệc năm 2002 ở Seoul, bàn về công nghệ điện thoại di động khi ông lấy ra một chiếc điện thoại nắp gập của Samsung với màn hình màu 2 inch. Đến cuối buổi khi hai người trao đổi danh thiếp, ông mới biết mình vừa nói chuyện với ai.

    “Ông ấy là người thực tế và khiêm tốn. Ông ấy rõ ràng rất sắc sảo khi thấu hiểu điện thoại không chỉ là một thiết bị dùng để nghe gọi, và buổi đối thoại ấy diễn ra cách đây 5 năm, khi iPhone còn chưa ra đời”, ông Tarr kể lại.

    Giám đốc đầu tư tại công ty Harris Associates, Mỹ - ông David Herro – đã từng gặp Jae Yong nhiều lần và cảm thấy ấn tượng.

    Trong một buổi gặp mặt thường niên tại trụ sở tập đoàn, khi ông Herro ba hoa về lượng tài sản của Samsung, thì Jae Yong chỉ khiêm tốn nói: “Đúng là chúng tôi đã thành công, nhưng để giữ được thành công đó không hề dễ dàng”.

    “Ông ấy lo lắng nhất về rủi ro tiềm tàng của sự tự mãn, cũng như trăn trở về việc làm thế nào để công ty không ngừng vận động, không ngừng cải tiến. Đối với tôi, đây là một cách tư duy kinh doanh rất thấu đáo”, ông nhận xét.

    Phù hợp hay không?

    “Tôi nghĩ hậu duệ của những lãnh đạo gia trưởng - như Jae Yong - sẽ mang tới một phương pháp tiếp cận hiện đại và mới mẻ, họ thấu hiểu rằng cần phải kinh doanh vì quyền lợi của cổ đông, chứ không phải vì gia đình”, ông Herro nói.

    Tuy nhiên, ông Oguro - người được Samsung tuyển dụng từ Sony những năm 2000 - lại có ý kiến ngược lại.

    Ông được Samsung mời về để hỗ trợ phân khúc video camera và ở lại với tập đoàn trong 8 năm. Ông tỏ ra nghi hoặc về khả năng thấu hiểu khách hàng của lãnh đạo trẻ.

    Năm 2004, Jae Yong đã hỏi ông Oguro về việc tại sao đầu chạy DVD và băng cassette Combo của Samsung lại bán chạy đến vậy. Khi nhận được câu trả lời là do vẫn còn rất nhiều người vẫn thích thuê băng video, Jae Yong đã tỏ ra ngạc nhiên.

    “Các sản phẩm của Samsung phục vụ tầng lớp bình dân, nhưng ông ấy lại không biết gì về cuộc sống của những người bình thường. Ông ấy muốn gì là nhân viên đáp ứng cái đó”, ông Oguro chỉ ra.

    Thông điệp ẩn ý

    Ông Yoshikawa - Giám đốc người Nhật Bản đầu tiên được Chủ tịch Lee tuyển dụng, đã kể về lần gặp gỡ cùng hậu duệ chủ tịch những năm 1990, khi ông làm việc tại văn phòng Samsung ở Tokyo, còn Jae Yong đang theo học tại đại học Keio.

    Thỉnh thoảng Jae Yong vẫn lái chiếc Porsche đỏ tới văn phòng của ông Yoshikawa và mời nhân viên đi ăn, đãi họ mì đen và thịt lợn, ông Yoshikawa nhớ lại.

    Sau khi Jae Yong chính thức gia nhập Samsung, phòng kính của ông chất đầy các sản phẩm từ Sony chứ không phải của Samsung.

    Khi ông Yoshikawa hỏi về lí do, cậu nhân viên trẻ giải thích cậu muốn ngầm gửi đi thông điệp, khẳng định chất lượng sản phẩm cần được cải thiện.

    So với phương pháp của Chủ tịch Lee, cách làm này của Jae Yong có phần ẩn ý hơn.

    Năm 1995, khi Chủ tịch Lee phát hiện một dòng sản phẩm điện thoại mới bị lỗi, ông đã cho đốt một đống lửa lớn và đốt 150.000 thiết bị trước sự chứng kiến của 2.000 nhân viên. Chưa dừng lại ở đó, ông điều thêm một đoàn xe ủi cán nát đống tro tàn của những thiết bị trên.

    “Cha ông thích dùng ‘củ cà rốt và cây gậy’ để lãnh đạo, tôi thì không nghĩ Jae Yong sẽ dùng cây gậy”, ông nhận xét.

    Kỷ nguyên mới

    Lee Jae Yong sẽ lên nắm quyền khi Samsung bước vào một kỷ nguyên mới.

    Doanh thu hợp nhất của Samsung trong năm 2013 cán mốc 225 tỷ USD, cao gấp gần 100 lần so với doanh thu tập đoàn thời Chủ tịch Lee chính thức lên nắm quyền năm 1987.

    Hàn Quốc cũng đang thay đổi. Mặc dù những tập đoàn đa ngành như Samsung và Hyundai được chính phủ hậu thuẫn trong hàng thập kỷ để hiện đại hóa đất nước, đang nổi lên nhiều luồng ý kiến từ dư luận cho rằng những tập đoàn gia đình như thế này đang trở nên quá quyền lực và làm thui chột sự cải tiến.

    Gia tộc Lee đang hứng nhiều chỉ trích vì quyền lực chi phối quá mạnh đối với 74 công ty con của tập đoàn Samsung, mặc dù chỉ nắm trong tay chưa đầy 2\% tổng cổ phần.

    Thêm vào đó, Chủ tịch Lee Kun Hee cũng vừa bị kết tội trốn thuế vào năm 2008 khi bán cổ phiếu từ công ty Samsung SDS với giá rẻ mạt cho con trai Lee Jae Yong. Ông được ân xá vào năm 2009, Jae Yong cũng không bị truy cứu.

    “Tôi cũng chỉ là người thường mà thôi”

    Khi giai đoạn chuyển giao quyền lực đang gần kề, gia tộc Lee lên kế hoạch niêm yết hai công ty con của Samsung, tuân thủ theo quy định hạn chế ngày càng chặt chẽ từ phía chính phủ nhằm vào tập đoàn gia đình, từ đó dần trả khoản thuế thừa kế có thể vượt mốc 5 tỷ USD.

    Chính phủ Hàn Quốc đã cấm sở hữu chéo trong các công ty gia đình, cũng như miễn giảm nhiều loại thuế để các công ty này tái cơ cấu, trở nên minh bạch hơn.

    Một trong hai công ty sắp được lên sàn là Cheil Industries, được Jae Yong nắm giữ 25\% cổ phần, giúp tăng tính minh bạch và thu hút vốn từ cổ đông để trả khoản thuế thừa kế đối với gia tài Chủ tịch Lee để lại.

    Lãnh đạo Lee mới của Samsung có thể mang phong cách khác biệt so với người cha ruột, một phần do tính cách, một phần khác do yếu tố thời cuộc.

    Ông cần phải dân chủ và hợp tác hơn để chứng minh năng lực trong thời điểm Samsung chuyển mình, ông Chang nhận xét.

    “Ông ấy sẽ phải tỏ ra khiêm tốn, và chấp nhận đứng ngoài nhiều quyết định, cũng như khuyến khích các giám đốc sáng tạo nhiều hơn, và ủy thác nhiệm vụ nhiều hơn. Đây là cả một sự thay đổi về mặt văn hóa. Ông cần gửi đi thông điệp khẳng định: ‘Tôi cũng chỉ là người thường mà thôi’”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/chan-dung-nguoi-thua-ke-trieu-dai-samsung-a48471.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan