(ĐSPL) - Phù phép thịt thối thành đặc sản, dùng hóa chất độc hại để tạo màu bắt mắt cho thực phẩm,... là những gì mà nhiều dân buôn tạo ra và bán ra thị trường. Liệu rằng sức khỏe người tiêu dùng sẽ đi về đâu?
'Phù phép' thịt trâu thối thành đặc sản thơm ngon
Theo chân người chở thùng xốp nội tạng, thịt trâu đã ôi thiu đi về hướng trung tâm TP Buôn Ma Thuột, PV An Ninh Thủ Đô thấy người này rẽ vào cơ sở kinh doanh thực phẩm Nguyễn Thọ do ông Nguyễn Văn Thọ ở đường Mạc Đỉnh Chi, phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột làm chủ. Theo những người dân địa phương thì cơ sở kinh doanh này là điểm thu gom các loại nội tạng trâu sau đó xử lý rồi bán lại cho các quán nhậu, nhà hàng đặc sản về trâu khác.
Anh Lê Quốc Đạt, một đầu bếp chuyên nghiệp cho biết: Để biến hóa các loại thịt trâu, nội tạng trâu ôi thối thành thơm ngon khá đơn giản. Cái khó nhất là tạo mùi thơm. Để làm điều này, những đầu bếp hoặc chủ cơ sở kinh doanh các loại nội tạng trâu thối sẽ sử dụng mỡ trâu rán lên rồi lấy chính mỡ đó pha thêm một chút chất bảo quản ngâm các nội tạng ôi thiu vào đó. Sau khi ngâm chừng mấy tiếng, nội tạng sẽ hết mùi, bỏ vào ngăn đá tủ lạnh để chế biến dần cho khách.
Khi chế biến, tẩm ướp kỹ với những gói gia vị tạo mùi trâu của Trung Quốc được bày bán ở ngoài chợ thì dù có ôi thiu cỡ nào nội tạng trâu cũng thơm ngon hết. Cũng có thể dùng viên gia vị thịt trâu giá rẻ, bán ngoài chợ, mỗi viên cho vài kg nội tạng thế là thơm phức mùi nội tạng trâu, mùi thịt trâu ngay.
Ngày 3/10, Công an tỉnh Đắk Lắk đã bất ngờ đột nhập cơ sở chuyên kinh doanh về các loại nội tạng Nguyễn Thọ thì phát hiện cơ sở này đang chuẩn bị xử lý hơn 200kg nội tạng trâu đã bị bốc mùi hôi, biến đổi màu sắc và không rõ nguồn gốc. Tất cả thịt trâu, nội tạng trâu này bị vứt chỏng chơ trên nền xi măng bẩn, ruồi bu bám rất nhiều. Bên cạnh khu xử lý nội tạng này là nhà vệ sinh bốc mùi hôi nồng nặc.
"Công nghệ" tẩm gà với hỗn hợp bột sắt và dầu hôi!
Tin tức trên báo Nông nghiệp Việt Nam, bởi khi nhìn thấy da gà màu vàng óng, người tiêu dùng (NTD) sẽ lầm tưởng đó là gà ta, gà thả vườn chứ không phải gà công nghiệp. Nhờ vậy, thịt gà tẩm loại hóa chất này sẽ có giá bán cao hơn nhiều so với gà công nghiệp.
Mới đây, ngày 28/9, Chi cục Thú y TP.HCM xác nhận đã xử phạt hành chính số tiền trên 21 triệu đồng đối với ông Võ Văn Diệp, là chủ lò mổ gà lậu tại ấp Tam Thôn, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, đồng thời tạm đình chỉ lò mổ này để tiếp tục điều tra làm rõ về hành vi dùng hóa chất làm cho gà có màu vàng óng ánh.
Trước đó, sáng ngày 27/9, Trạm Thú y huyện Hóc Môn phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an TP.HCM bất ngờ ập vào kiểm tra lò giết mổ gà lậu của ông Diệp. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 310 con gà công nghiệp còn sống và 100 con đã làm sẵn.
Ông Diệp không xuất trình được giấy phép kinh doanh của cơ sở, gà giết mổ tại hiện trường cũng không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Đặc biệt, đoàn kiểm tra phát hiện ông Diệp sau khi làm gà, nhúng vào hỗn hợp hóa chất để da gà có màu vàng óng bắt mắt.
Qua làm việc, ông chủ cơ sở đã thừa nhận mua một loại bột hóa chất nhằm “tẩm” da gà với đặc điểm là màu hơi sẫm, ánh kim tại chợ Kim Biên, quận 5. Sau đó về pha với hỗn hợp dầu hôi rồi đem đun sôi.
Gà công nghiệp được làm sạch có màu tái nhợt sẽ được nhúng vào hỗn hợp hóa chất trên “biến” thành màu vàng óng. Sau đó sẽ đem đưa đi tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn Q.12, các huyện Hóc Môn, Củ Chi. Đoàn kiểm tra quyết định thu giữ các loại hóa chất tại lò mổ của ông Diệp để tiếp tục điều tra làm rõ.
Một thành viên trong đoàn kiểm tra cho biết, gà công nghiệp được nuôi ở các trang trại chăn nuôi có giá bán buôn với số lượng lớn bình quân khoảng 40 ngàn đồng/kg.
Còn các lò mổ gia cầm lậu họ mua gà công nghiệp “siêu rẻ” giá chỉ có 35 ngàn đồng/kg trở xuống. Nhưng khi mang về giết mổ và tẩm hóa chất bán ra cho người tiêu dùng với giá gà ta, gà thả vườn từ 70-80 ngàn đồng/kg, lợi nhuận cao gần gấp đôi.
Loại phẩm màu này lại có giá rẻ hơn “bột sắt”, khoảng 70 nghìn đồng/kg, trong khi phẩm màu vàng tự nhiên dùng cho thực phẩm trên thị trường bán giá cao hơn rất nhiều lần.
Cách đây không lâu, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh cũng đã phát hiện một số đối tượng đang tổ chức giết mổ gia cầm trái phép tại khu vực đất trống thuộc ấp 3, xã An Phú Tây.
Các đối tượng nhanh chóng tẩu tán tang vật vi phạm, tại hiện trường chỉ còn vài con vịt sống và vịt đã được giết mổ, cùng với một số dụng cụ dùng để giết mổ, đặc biệt có một hộp hóa chất vàng dùng để nhuộm gia cầm sau khi giết mổ.
Còn tại quận Thủ Đức, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra phát hiện 4 trường hợp vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không giấy chứng nhận kiểm dịch và tang vật xử lý tiêu hủy gồm 21 con gà sống và 127 kg thịt gà có màu da vàng óng.
Theo ông Nguyễn Minh Phúc, cán bộ giảng dạy Khoa Kỹ thuật hóa học (Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM), loại hóa chất mà cơ quan chức năng vừa phát hiện có thể đó là “bột sắt”, một loại hóa chất không xa lạ gì với người tiêu dùng trước đây.
Bởi loại bột này chỉ cần đổ vào nửa muỗng cà phê là có thể nhuộm vàng được cả trăm con gà. Khi nhuộm xong thì nước màu sẽ ngấm sâu vào da gà, có rửa cũng khó bị phai nên rất khó phát hiện.
Kinh hoàng thịt lợn siêu nạc
Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Đồng Nai vẫn được xem là địa phương có khả năng cung cấp thịt lợn với số lượng lớn nhất trong cả nước với đàn lợn gần 1,5 triệu con, được nuôi ở hơn 2.500 trang trại. Thông thường, lợn xuất chuồng bán cho thương lái đều nằm ở mức từ 100 - 110kg/con bởi lẽ nếu vượt quá trọng lượng đó thì tỉ lệ mỡ nhiều, giá mua sẽ bị thương lái hạ xuống.
Ông Phan Biên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Cửu khi trao đổi với chúng tôi đã cho biết: "Bên cạnh những trang trại nuôi lợn bằng thức ăn công nghiệp thì cũng có những hộ nuôi lợn bằng cách mua lại thức ăn thừa của các bếp ăn tập thể. Loại thức ăn này khiến lợn có nhiều mỡ nên họ sử dụng chất tạo nạc để heo có thể đạt đến trọng lượng 130, 140kg/con mà lượng mỡ lại rất ít,... ".
Theo một số người chăn nuôi tại huyện Vĩnh Cửu, việc sử dụng "chất tạo nạc" - mà thực tế là chất Salbutamol - rất đơn giản: Nếu nuôi bằng cám pha loãng thì mỗi thùng cám 20 lít cho vào 1 muỗng canh Salbutamol. Nếu nuôi công nghiệp bằng máng ăn tự động thì cứ 1 tấn cám pha với 1kg Salbutamol. Bên cạnh đó, có người còn pha Sabutamol vào nước cho lợn uống theo công thức 1 thìa cà phê Sabutamol hòa chung với 15 lít nước, hoặc 1 kg Salbutamol pha với 2.000 lít nước.
Ông Phan Biên nói tiếp: "Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng tính toán rất kỹ vì từ lúc bắt đầu sử dụng "chất tạo nạc" cho đến lúc xuất chuồng, không được quá 15 ngày. Nếu quá ngày đó, heo sẽ tự khuỵu chân vì "chất tạo nạc" làm giòn xương, bán sẽ mất giá, chưa kể nếu không xuất chuồng nhanh thì heo không chỉ tự gãy chân mà khắp người chúng còn xuất hiện những vết lở rỉ nước... ".
Việc tự ý cho thêm Salbutamol vào thức ăn nuôi heo phần lớn do người chăn nuôi truyền miệng nhau để bán được giá, phần nữa là do thương lái. Theo ông Định, chủ một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở Vĩnh Cửu thì một số thương lái giải thích rằng nếu cho "chất tạo nạc" vào thức ăn, heo sẽ nhanh lớn, thịt nhiều, mỡ ít, màu sắc của thịt cũng tươi tắn hơn nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Đó là chưa kể nếu heo nuôi bằng "chất tạo nạc" thì khi mua, thương lái sẽ trả cao hơn mỗi kilôgam từ 1.000 - 2.000 đồng.
Ngọc Anh(Tổng hợp)