Đói và khát. Những cậu bé được IS hứa rằng cứ cho nổ tung bản thân, khi lên thiên đường, chúng muốn ăn gì cũng được.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng buộc những đứa trẻ suy dinh dưỡng và yếu ớt mà chúng bắt cóc về phải đánh nhau để giành giật miếng ăn dù chỉ là một quả cà chua. IS nói với chúng: “Trên thiên đường, bọn mày có thể ăn bất cứ thừ gì mày muốn. Nhưng trước hết, mày phải lên được thiên đường, và mày làm điều đó bằng cách cho nổ tung bản thân mình”.
Ánh mắt thẫn thờ của Ahmed Ameen Koro, nay đã 17 tuổi, khi nhớ lại những tháng ngày địa ngục trần gian dưới bàn tay IS. Ảnh: AP
Bài học ấy là một phần trong “giáo trình” truyền bá của các tay súng thánh chiến đối với những cậu bé từ tộc người thiểu số Yazidi ở miền Bắc . IS đã buộc hàng trăm cậu bé, một số chỉ mới 7 hay 8 tuổi, tham gia các lớp huấn luyện để trở thành các tay súng thánh chiến hoặc kẻ đánh bom liều chết, tiêm nhiễm vào đầu chúng tư tưởng giết chóc.
Học đánh bom và chặt đầu người ở tuổi 14
Đầu tháng 8/2014, các tay súng IS càn quét Sinjar và các thị trấn lân cận của người Yazidi ở miền Bắc Iraq, thảm sát hàng chục nghìn người, bắt cóc hàng nghìn phụ nữ và trẻ em gái về làm nô lệ tình dục. Lý do chỉ vì đức tin của người thiểu số Yazidi, (hợp nhiều đạo từ Hồi giáo, Ki tô giáo đến Do Thái giáo) bị IS coi là dị giáo.
Khi đó, Ahmed Ameen Koro mới chỉ 14 tuổi. Gia đình cậu cố gắng trốn chạy khỏi làng Hardan nhưng chiếc xe hơi không thể chứa tất cả mọi người. Vì thế, Ahmad và em trai Amin, 13 tuổi, cùng 4 anh em họ khác phải chạy bộ trong khi cha em đưa những người khác đến làng Khader Amin gần đó trước.
Những cậu bé chờ cha của Ahmed ở điểm hẹn là đoạn giao thoa đường sắt ở rìa làng nhưng ông không bao giờ quay lại. Các tay súng phiến quân đã bắt được ông và cả gia đình, từ đó không còn ai nhìn thấy ông nữa. Sau đó, chúng cũng quay lại bắt nốt Ahmed và những cậu bé khác.
Những cậu bé được đưa đến thị trấn Tal Afar do IS kiểm soát, cách đó gần 50km, và bị giam trong một trường nam sinh cùng nhiều cậu bé và thanh niên khác.
“Họ chọn và đưa những bé gái mà chúng thích đi”, Ahmed nhớ lại. “Cháu vẫn nhớ những bé gái và cả các bà mẹ đều gào khóc. Họ giật những bé gái ra khỏi vòng tay mẹ. Cháu rất sợ, cháu chưa bao giờ nhìn thấy điều gì như thế. Họ đều là những người đàn ông râu ria to lớn nhìn như quái vật” – Cậu bé nói.
Ahmed và những cậu bé khác sau đó bị đưa đến nhà tù Badoush bên ngoài thành trì của IS ở Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq, và ở lại đó 15 ngày. Chính tại đây Ahmed nhận ra rằng mỗi lần ăn xong thức ăn các tay súng IS mang đến, các cậu bé liền cảm thấy buồn ngủ ngay lập tức. Ahmed tin rằng chúng đã bị chuốc thuốc ngủ.
IS dạy các cậu bé này kinh Quran và buộc chúng nói rằng đã cải đạo sang Hồi giáo.“Bọn cháu sợ không dám nói rằng mình không phải là người Hồi giáo vì chúng sẽ giết bọn cháu”, Ahmed nhớ lại.
Ahmed nằm trong số 200 cậu bé Yazidi bị đưa vào trại huấn luyện 2 tháng ở Tal Afar. Mỗi ngày của các em bắt đầu bằng việc cầu nguyện sớm và huấn luyện quân sự, sau đó là học kinh Quran. Chúng phải học dùng súng ngắn và các khẩu Kalashnikovs (AK). Trên màn hình lớn, chúng xem các đoạn băng hướng dẫn sử dụng đai bom tự sát, cách ném lựu đạn hay cách chặt đầu người.
“Họ nói với chúng cháu là trong cuộc chiến đấu với những kẻ ngoại đạo thì chúng cháu phải tự cho nổ tung bản thân để giết tất cả”, Ahmed nói.
Quá nhỏ đề cầm súng thì phải trở thành nô lệ
Còn Akram Rasho Khalaf mới 7 tuổi khi thị trấn Khidir Sheikh Sipa, quê hương của cậu bé, bị IS kiểm soát ngày 23/8/2014. Gia đình cậu cũng tìm cách chạy trốn nhưng các tay súng IS đã xả súng liên tiếp khiến Akram bị thương.
Vết thương của Akram vì bị IS tra tấn. Ảnh: AP.
Cậu bé được đưa đến bệnh viện ở Mosul để chữa trị nhưng bị tách khỏi gia đình và từ đó không nghe thêm được tin gì về cha mẹ nữa dù cậu vẫn tin rằng mẹ mình bị kẹt ở phía Tây Mosul, hiện vẫn do IS kiểm soát.
Akram tỏ ra giận dữ khi nhớ lại những cơn đói triền miên lúc bị IS giam giữ. Nhưng khi được hỏi liệu cậu có sợ không, Akram trả lời rằng cậu quá đói để sợ hãi.
Cuối cùng, Akram được đưa đến Raqqa, thành trì của IS ở Syria. Ở đó, các cậu bé bị đánh đập thậm tệ, càng khóc càng bị đánh. Nếu không khóc, chúng được tán dương là cứng cỏi và một ngày nào đó có thể trở thành kẻ đánh bom liều chết.
“Họ nói họ là bạn của bọn cháu nhưng lũ trẻ sợ chết khiếp”, Akram, nay 10 tuổi, sống với chú và những họ hàng còn lại ở trại Kabarto gần Dahuk, cách quê nhà khoảng 150km, nhớ lại.
Ở Raqqa, những cậu bé được đào tạo trườn bụng qua các rào chắn là lốp xe cháy, chạy vượt chướng ngại vật và nhảy từ mái nhà này qua mái nhà khác. Quá nhỏ kể cả so với tuổi lên 7 của mình, Akram không đủ sức cầm súng nên IS đã cho cậu bé làm kẻ hầu người hạ rồi bị mua đi bán lại giữa các nhóm phiến quân.
Trốn thoát
Hai năm sau khi Akram bị bắt, chú của cậu bé là Hasar Haji Hasan nhận được một bức ảnh cháu trai qua Facebook kèm lời đề nghị đưa cậu bé khỏi Raqqa với cái giá 10.500 USD. Đây là chiêu bài thường thấy của IS khi muốn kiếm tiền từ việc trả lại những đứa trẻ quá nhỏ không thể chiến đấu.
Gia đình Akram vay mượn khắp nơi, chủ yếu từ một người họ hàng ở Đức, nơi có đông cộng đồng người tị nạn Yazidi lớn nhất. Cuối cùng cậu bé cũng được thả sau 2 năm 3 tháng sống trong “địa ngục” của IS.
Akram được các tay súng phiến quân gửi để đòi tiền chuộc (trái) và sau khi được trở về với gia đình (phải). Ảnh: AP.
Còn đối với Ahmed, chỉ 9 tháng sau khi bị bắt, cậu cùng Amin và 1 người em họ khác đã tìm cách trốn chạy nhưng chỉ có 2 anh em thoát được cùng một nhóm những người khác.
Đói khát đến gần chết nhưng nỗi sợ IS đã cho những cậu bé này nghị lực và sức mạnh để vượt qua chặng đường gần 90km trong 9 ngày liên tiếp không có thức ăn, nước uống. Cuối cùng chúng cũng tới được núi Sinjar và được các tay súng người Kurd cứu sống.
Di chứng IS để lại
Chú của Akram cho biết, đến giờ cháu trai anh vẫn bị ảnh hưởng vì quãng thời gian bị IS bắt cóc. Cậu bé nếu không mất ngủ thì cũng mơ thấy ác mộng, luôn bồn chồn và lo lắng. Em trai của cậu bé là Raiid (8 tuổi) và em gái Jumana (5 tuổi) cũng gặp vấn đề tương tự sau khi được chuộc về.
“Đôi khi chúng lại rất hung hăng, đánh những đứa trẻ khác hoặc con của chính chúng tôi. Chúng không như những đứa trẻ bình thường. Sức khỏe tinh thần của chúng rất tệ”, ông cho biết.
Carl Gaede, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Tutapona chuyên giải quyết các sang chấn tâm lý chiến tranh cho biết, đó là những phản ứng thường thấy ở những người sống sót qua những sự kiện kinh hoàng, đặc biệt là dưới chế độ hà khắc của IS. Tổ chức Tutapona hiện giúp đỡ những nạn nhân của IS ở trại Esyan, nơi Ahmed đang sống.“Chúng tôi đã chứng kiến nhiều em nhỏ hành xử bạo lực đến mức gia đình các em phải giấu hết dao và những vật dụng nguy hiểm đi”, Carl cho biết.
Những đứa trẻ như Ahmed giờ đây đang được tư vấn tâm lý mỗi ngày. Ahmed trở lại trường học, môn yêu thích là tiếng Anh, và mở một quầy hàng nhỏ ngay trong trại tị nạn, bán những thứ quần áo, giày dép phụ vụ bé gái và phụ nữ.
Ahmed và em gái ngồi trước cửa hàng nhỏ của cậu. Ảnh: AP.
Khi được hỏi ước mơ mai sau, Ahmed không ngần ngại trả lời: “Cháu muốn trả thù IS”. Còn Akram, nay đã là một cậu bé hiếu động và hay cười cũng đáp lại ngắn gọn: “Chống IS”.
Lực lượng người Kurd, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, đã đánh bật IS khỏi Sinjar tháng 11/2015 nhưng chỉ có vài người Yazidi trở về và tổ chức Giám sát nhân quyền (HRW) ước tính còn 3.500 người vẫn bị IS giam cầm ở khắp các vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát từ Iraq đến Syria.