+Aa-
    Zalo

    Rùng mình cảnh học sinh đến trường trên chiếc cầu phao chông chênh, tạm bợ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Mọi hoạt động giao thương, sinh hoạt của người dân xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đều đi lại trên chiếc cầu phao dân sinh chông chênh, tạm bợ.

    (ĐSPL) - Mọi hoạt động giao thương, sinh hoạt của người dân đều đi lại trên chiếc cầu phao dân sinh này. Vì vậy, bao thế hệ người dân xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) vẫn mong ngóng có một cây cầu kiên cố.

    Có lẽ, những ai đã từng một lần đặt chân đến những vùng đất bị tách biệt với thế giới bên ngoài bởi một con sông, mới thấm thía nỗi khổ cực, vất vả mà hàng ngày người dân nơi đây phải chịu đựng. Và đây cũng là thực trạng mà người dân xã Phương Mỹ đang hàng ngày phải trải qua.

    Trước đây, người dân phải qua lại trên chiếc đò nhỏ chông chênh. Tới năm 2005, được sự khởi xướng, đầu tư của cha quản xứ Nguyễn Huy Tuấn, chính quyền địa phương và đóng góp của nhân dân, người dân nơi đây đã làm một cây cầu phao bắc tạm qua sông.

    Chiếc cầu phao dân sinh chông chênh, tạm bợ.

    Với chiều dài 120m, rộng 1,3m, cầu được kết cấu bằng những thùng phuy nhựa rồi lát ván lên trên mặt và cố định bằng dây cáp ở 2 đầu cầu. Tuy nhiên, qua gần 10 năm, chiếc cầu phao tạm bợ này đã xuống cấp, hư hỏng, tính mạng người dân luôn bị đe dọa mỗi khi bước lên cầu để vượt sông.

    Chiếc cầu phao này bắc qua con sông Ngàn Sâu. Đây là con đường duy nhất để phục vụ nhu cầu giao thương với trung tâm của xã và hoạt động sản xuất của gần 3.100 nhân khẩu. Hơn nữa đây là con đường tìm chữ của các em học sinh đang trong độ tuổi đến trường.

    Bà Trần Thị Thế (70 tuổi), xóm Thượng Sơn, xã Phương Mỹ cho biết: “Trong đợt lũ vào giữa tháng 9 vừa qua, do đây là địa bàn thấp nhất của huyện nên xã đã phải tiến hành tháo dỡ cầu phao. Nhưng do thời tiết nắng lên mưa xuống, cứ được vài ba tháng cây cầu lại xuống cấp. Lượng gỗ làm cầu bị rã mục, hư hỏng, để lộ những khoảng trống. Mỗi lần đi qua cầu chúng tôi đều sợ rơi xuống nước. Nước sông ở đây sâu khoảng 6 – 7m, rơi xuống không cứu kịp thời là mất mạng như chơi”.

    Mọi sinh hoạt của người dân đều phải đi qua cây cầu phao dân sinh này

    Tin nhanh từ ông Nguyễn Hồng Quân, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Phương Mỹ cho biết: “Trên địa bàn xã có tới hơn 300 em học sinh thường xuyên qua lại trên chiếc cầu phao nhỏ hẹp này. Lo ngại học sinh có thể gặp nguy hiểm, chính quyền địa phương đã cử công an viên, trưởng thôn và huy động những gia đình có con em đi học thay nhau túc trực lúc đi học và tan trường để bế các cháu qua những đoạn cầu đứt đoạn.

    Nhân dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề nông, mỗi ngày trong gia đình lại phải có một người thường xuyên túc trực đưa đón các cháu tới trường, như vậy là mất đi một nguồn lao động chính, cuộc sống càng trở nên vất vả hơn”.

    “Mỗi khi thấy con đi học trong cảnh mưa to, gió lớn mà không đi đón được các cháu là trong lòng chúng tôi lo lắng đứng ngồi không yên. Bởi nước sông chảy xiết, cầu cống bếp bênh rất nguy hiểm”, ông Hoàng Xuân Huy, một người dân trong xã chia sẽ.

    Mỗi lần đến trường, khi đi qua cây cầu này nguy hiểm luôn rình rập các em học sinh.

    Nhiều em nhỏ để đến được trường, các phụ huynh phải trực tiếp đưa qua cầu

    Đã 13 năm gắn bó với nghề chài lưới trên con sông này, ông Trần Văn Nam (quê ở huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết: “Tôi đã chứng kiến biết bao khó khăn, vất vả của người dân nơi đây nhưng tội nhất là mấy đứa trẻ mỗi khi đi học, nguy hiểm luôn cận kề vì các cháu chưa biết tự bảo vệ bản thân”.

    “Việc bị rơi xuống sông xảy ra như cơm bữa, nhiều khi lóng ngóng, sẩy chân là rơi xuống sông ngay. Tôi cũng đã ít nhất 3 lần nghe tiếng kêu cứu của bọn trẻ rồi lao đầu xuống cứu chúng nơi chiếc cầu phao này. Còn người lớn qua sông rơi xe, rơi đồ thì không đếm xuể”, ông Nam nói.

    Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên trường Mầm non Phương Mỹ chia sẽ: “Chúng tôi con gái chân yếu, tay mềm mỗi lần qua cầu đều nhờ mấy bác làm nghề chài lưới đưa xe qua giùm. Trong đợt mưa lớn vừa qua, lần nào đến trường chúng tôi cũng bị ướt sũng nên cứ phải mang thêm trong người một bộ quần áo để đến trường thay”.

    Mỗi lần đến trường, các cô giáo đều phải nhờ mấy bác làm nghề chài lưới đưa xe qua giùm

    Được biết, cuộc sống người dân nơi đây vất vả đủ bề. Hàng ngày, họ đều phải đi qua chiếc cầu phao tạm bợ để tiến hành hoạt động sản xuất nông nghiêp, kinh doanh buôn bán và khám chữa bệnh... Nhất là vào mùa mưa lũ, họ sống “biệt lập”, chờ nước rút mọi hoạt động mới bắt đầu khôi phục trở lại.

    Nhìn chiếc cầu phao chông chênh trên dòng nước, chúng tôi không thể không rùng mình bởi sự cũ kỹ, nguy hiểm của nó. Từng tấm ván gỗ trên bề mặt cầu đều mục mối, gãy nát, bong tróc ra từng khúc và chỉ được xâu kết với nhau bằng những sợi thép, đinh vít đã hoen rỉ. Dưới mặt nước những thùng phuy phần lớn đã thủng lỗ, được nối kết với nhau bằng những sợi dây cao su tạm bợ khiến bề mặt cầu có đoạn nổi, đoạn chìm long đong giữa mặt nước vồ vập.

    Người dân xã Phương Mỹ chỉ mong ước một cây cầu kiên cố

    Đời sống bà con nơi đây rất khó khăn, thiếu thốn nên việc người dân bỏ tiền ra để xây dựng một cây cầu kiên cố là khó có thể thực hiện được. Mong ước có một chiếc cầu bền vững là nguyện vọng từ bao đời nay của người dân địa phương. Nó tưởng chừng đơn giản nhưng lại trở nên xa xỉ, cao vời với bà con ở đây.

    Trao đổi về thực trạng trên, ông Nguyễn Hồng Quân cho biết: “Do nguồn kinh phí để sửa chữa và nâng cấp còn hạn chế nên chúng tôi đành bất lực trước những nguy hiểm luôn cận kề. Nhưng chính quyền địa phương cũng đã khuyến cáo và cố gắng tìm mọi biện pháp để bảo đảm tính mạng cho nhân dân.

    Trong điều kiện có thể, cứ 3 tháng xã lại tiến hành việc trùng tu, sửa chữa cầu 1 lần để giải quyết những khó khăn trước mắt cho nhân dân. Nhưng đó cũng chỉ là biện pháp mang tính tạm thời chứ về lâu về dài thì chính quyền và người dân nơi đây mong muốn có một cái cầu kiên cố để đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tránh lũ, tránh bão cho nhân dân trong mũa bão lũ sắp tới”.

    Hương Ly

    [mecloud][mecloud]w0PiRewrK7[/mecloud][/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/rung-minh-canh-hoc-sinh-den-truong-tren-chiec-cau-phao-chong-chenh-tam-bo-a112986.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.