Đó là quan điểm của Chủ tịch KCAB bên lề Hội thảo Việt – Hàn về sử dụng hiệu quả trọng tài thương mại diễn ra vào ngày 13/7 vừa qua.
Tại Hội thảo do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC vừa qua, các chuyên gia cũng nhận định các biện pháp giải quyết tranh chấp khác thay thế Tòa án (ADR – Alternative dispute resolution), mà cụ thể là trọng tài thương mại, đang ngày càng được các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài sử dụng để hạn chế các bất cập của giải quyết tranh chấp tại Tòa án.
Phóng viên có cuộc trao đổi với Chủ tịch trung tâm trọng tài thương mại Hàn Quốc KCAB xung quanh chủ đề “Sử dụng hiệu quả giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong lĩnh vực xây dựng, thương mại đầu tư”.
PV:Một trong các sự kiện nổi bật của trọng tài quốc tế năm 2017 có sự kiện “Ủy ban Trọng tài thương mại Hàn Quốc (KCAB) đã tiến hành cập nhật phiên bản quy tắc tố tụng trong năm 2016”. Việc thay đổi bộ quy tắc tố tụng trọng tài này của KCAB có gây ảnh hưởng gì (tích cực/tiêu cực) tới việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài giữa Việt Nam – Hàn Quốc, đặc biệt trọng lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư?
Ông Ji Sung Bae – Chủ tịch Trọng tài thương mại Hàn Quốc KCAB: Bộ quy tắc trọng tài, bản cập nhật năm 2016 của KCAB được sửa đổi dựa trên hướng là tiếp thu những xu hướng mới của trọng tài quốc tế, và cũng học tập bộ quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài lớn như là ICC. Tôi tin là nó sẽ mang lợi những thuận lợi hơn cho tất cả các bên trong đó có Việt Nam Hàn Quốc, mà không có các bất lợi nào.
Ji Sung Bae - Chủ tịch Trọng tài thương mại Hàn Quốc KCAB. |
PV:Vấn đề ngôn ngữ trọng tài có gây khó khăn gì cho các bên (Việt Nam và nước ngoài)?
Ông Ji Sung Bae – Chủ tịch Trọng tài thương mại Hàn Quốc KCAB: Cũng giống như Bộ quy tắc của các trung tâm trọng tài lớn trên thế giới, Bộ quy tắc của KCAB cũng tôn trọng các bên, theo đó, các bên được tự do lựa chọn ngôn ngữ trọng tài. Nếu như các bên lựa chọn ngôn ngữ trọng tài là Tiếng việt, thì các bên hoàn toàn có quyền tranh tụng bằng tiếng việt. Tuy nhiên, các vụ kiện mà chúng tôi giải quyết thì 75% ngôn ngữ là tiếng anh. Ban Thư ký của KCAB không buộc các bên phải chỉ tiến hành tố tụng bằng tiếng Hàn. Mà thực tế là chúng tôi đã tiến hành tố tụng trọng tài bằng tiếng anh, tiếng việt rất bình thường.
PV:Hiện nay, đã có Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam, Hàn Quốc. Tác động của Hiệp định này đến việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài Việt Nam – Hàn Quốc như thế nào?
Ông Ji Sung Bae – Chủ tịch Trọng tài thương mại Hàn Quốc KCAB: Theo tôi hiểu, mục tiêu quan trọng của các Hiệp định thương mại tự do là gỡ bỏ các rào cản về thương mại giữa hai nước, có nghĩa là Hiệp định Thương mại tự do sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam Hàn Quốc. Còn nói cụ thể hơn về lĩnh vực pháp lý, điều đó đồng nghĩa với việc sẽ mở cửa hơn cho các hoạt động pháp lý của Việt Nam tại Hàn Quốc và ngược lại. Tôi tin tưởng rằng là với sự thúc đẩy hoạt động thương mại như vậy, thì sẽ kéo theo những dịch vụ đi kèm trong đó có dịch vụ pháp lý.
PV:Việc sử dụng hiệu quả giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài Việt Nam Hàn Quốc tác động như thế nào trong việc thúc đẩy đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam, Việt Nam sang Hàn Quốc hiện nay?
Ông Ji Sung Bae – Chủ tịch Trọng tài thương mại Hàn Quốc KCAB: Với những Hội thảo như hôm nay, với sự hợp tác giữa hai tổ chức trọng tài Hàn Quốc và Việt Nam như thế này, các doanh nghiệp sẽ có các thông tin để nếu có các tranh chấp trong lĩnh vực đầu tư, đặc biệt lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, họ sẽ chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Việt Nam hoặc Hàn Quốc, và trung tâm trọng tài sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình giải quyết tranh chấp trong các lĩnh vực nêu trên. Khi tính đảm bảo về hạn chế rủi ro pháp lý tăng, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi quyết định đầu tư vào Việt Nam và ngược lại.
PV:Trân trọng cám ơn ông./.