Quy trình của VIAC rất thân thiện và dân chủ, luôn đảm bảo quyền tự do lựa chọn trọng tài viên của các bên; cụ thể, trong một hội đồng trọng tài có 3 thành viên, cả 3 không đại diện cho nguyên đơn hay bị đơn mà là người sẽ đứng ra giải quyết tranh chấp.
Đó là phát biểu của Giáo sư Lê Hồng Hạnh - Giám đốc Viện Luật và Kinh tế ASEAN; Tổng biên tập tạp chí Luật & Phát triển; Trọng tài viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tại Hội thảo "Sử dụng hiệu quả trọng tài quốc tế tại Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư" diễn ra vào sáng nay (13/6) tại Khách sạn Pan Pacific, Hà Nội và được phát trực tiếp trên trang doisongphapluat.com.
Hội thảo do Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB), Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Giải quyết tranh chấp Quốc tế Seoul (SIDRC) phối hợp cùng tổ chức.
Tham dự hội thảo gồm các doanh nghiệp Việt Nam, Hàn Quốc; Đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp ban quản lý dự án, các luật sư trong nước và nước ngoài.
Hội thảo tập trung vào các chủ đề chính: Những thay đổi gần đây trong khung pháp lý về trọng tài tại Hàn Quốc và Việt Nam; Các vụ việc và bài học: Tranh chấp quốc tế trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng tại Hàn Quốc và Việt Nam; Nhà đầu tư nước ngoài và các tranh chấp quốc tế trong lĩnh vực Xây dựng cơ sở hạ tầng: quá trình thành lập các khiếu kiện.
Đây là diễn đàn để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các luật sư cùng thảo luận các vấn đề hiện nay trong các tranh chấp tại các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam và Hàn Quốc.