Cơ hội trong mùa đông
Mùa đông lạnh giá từng tạo điều kiện giúp Nga đánh bại cả Napoleon và Hitler trong lịch sử. Giờ đây, nguồn tin của Reuters cho rằng Moscow đang tiếp tục đặt cược vào mùa đông sắp tới, với mức giá nhiên liệu tăng cao và nguy cơ thiếu hụt khí đốt là đòn bẩy để châu Âu kéo Ukraine vào bàn đàm phán hoà bình và đạt được một thoả thuận ngừng bắn theo hướng có lợi cho Nga.
Hai nguồn tin Nga nhận định đây là con đường hoà bình duy nhất mà Moscow nhìn thấy, trong bối cảnh Kyiv từng tuyên bố sẽ không ngồi vào bàn đàm phán cho đến khi binh sĩ Nga rút khỏi lãnh thổ Ukraine.
Một nguồn tin thân cận với giới chức Nga chia sẻ: "Chúng tôi có thời gian, chúng tôi có thể đợi được. Đây sẽ là một mùa đông khắc nghiệt đối với người châu Âu. Chúng tôi có thể dự đoán về các cuộc biểu tình và sự bất ổn. Một số lãnh đạo châu Âu có thể sẽ suy nghĩ lại về việc hỗ trợ Ukraine và nhận ra rằng đã đến lúc cho một thoả thuận hoà bình".
Nguồn tin thứ 2 gần gũi với Điện Kremlin nói rằng đã có rạn nứt trong sự thống nhất của châu Âu và dự đoán những rạn nứt này gia tăng khi mùa đông khắc nghiệt tới.
Ngồn tin tiết lộ: "Sẽ rất khó khăn nếu chiến dịch quân sự kéo dài tới hết mùa thu và mùa đông. Vậy nên có khả năng người Ukraine sẽ mong muốn thiết lập lại hoà bình".
Điện Kremlin chưa chính thức lên tiếng về các nhận xét trên. Trước đó, họ đã lên tiếng phủ nhận các cáo buộc của phương Tây rằng Nga đã sử dụng nhiên liệu và khí đốt như một loại "vũ khí".
Ukraine và các đồng minh châu Âu nhiệt thành nhất cho biết họ chưa có kế hoạch nhượng bộ. Trong khi đó, các quan chức giấu tên của Mỹ nói rằng họ chưa thấy dấu hiệu của sự lung lay trong việc ủng hộ Ukraine.
Trong một bài đăng trên Twitter vào ngày Độc lập Ukraine, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Urusla von der Leyen, viết: "Liên minh châu Âu (EU) đã ở bên các bạn từ những ngày đầu khi xung đột nổ ra. Và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó đến khi cuộc chiến kết thúc".
Với sự hỗ trợ lên đến hàng tỷ USD từ Mỹ và các nước phương Tây, các khoá huấn luyện và chia sẻ thông tin tình báo, viện trợ những trang thiết bị tối tân nhất, Ukraine nghĩ rằng họ có cơ hội để thay đổi cục diện chiến sự hiện tại.
Theo đó, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết: "Điều quan trọng là Nga cần phải nhận thất bại lớn về mặt chiến lược".
Phép thử về ý chí
Sự bế tắc về địa chính trị đã đẩy giá năng lượng lên mức cao kỷ lục. EU đã ra lệnh cấm vận than đá và một phần dầu thô Nga trong nỗ lực trừng phạt chiến dịch quân sự đặc biệt của họ. Đáp lại hành động trên, Nga đã cắt giảm mạnh lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu.
Để đáp lại những áp lực về nguy cơ thiếu hụt khí đốt, các nước châu Âu đã chạy đua tìm kiếm các nguồn cung mới và áp dụng những biện pháp tiết kiệm năng lượng trước khi bước vào mùa đông lạnh giá. Tuy nhiên, rất ít các chuyên gia cho rằng các động thái trên sẽ giúp châu Âu đảm bảo đủ nguồn nhiên liệu cần thiết.
Điện Kremlin đã nói rằng việc giảm lưu lượng khí đốt là do các vấn đề kỹ thuật, các lệnh trừng phạt của phương Tây và bởi một số nước từ chối thanh toán tiền hợp đồng bằng đồng rúp. Dù vậy, doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga đã tăng lên mức kỷ lục.
Tướng Ben Hodges, người từng chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ ở châu Âu, nhận xét: "Điện Kremlin đang tính đến khả năng chúng tôi sẽ mất dần sự quan tâm khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ tới, Anh tìm kiếm tân thủ tướng, Đức lo lắng về nguồn cung khí đốt và mực nước sông Rhine giảm sút. Xung đột là một phép thử về mặt hậu cần và ý chí. Bài kiểm tra sẽ đặt ra câu hỏi liệu ý chí của phương Tây có vượt trội hơn so với Điện Kremlin không? Tôi thật sự tin rằng đây là một thách thức".
Theo nguồn tin thân cận với Nga tiết lộ với Reuters, Moscow muốn thu về lợi ích lãnh thổ trong bất kỳ thoả thuận hoà bình tiềm năng nào, họ cũng muốn đảm bảo an toàn cho khu vực Donbas và Kyiv duy trì tình trạng trung lập.
Tổng thống Ukraien Volodymyr Zelensky ngày 23/8 tuyên bố Kyiv sẽ không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào liên quan đến việc "đóng băng" tiền tuyến để xoa dịu Nga. Trong khi đó, cố vấn của ông, ông Podolyak nói rằng phương Tây chỉ mới cung cấp đủ vũ khí để Ukraine "không gục ngã" chứ không đủ để họ đánh bại Nga. Đồng thời, ông kêu gọi thêm sự hỗ trợ lớn hơn đối với Ukraine.
Tuy nhiên, từ trước khi xung đột nổ ra, phương Tây đã lên tiếng nói rõ rằng họ sẽ không đưa quân tham chiến tại Ukraine, đồng thời hạn chế cung cấp một số loại khí tài quân sự vì muốn tránh nguy cơ xung đột với Nga, quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.
Thế trận không rõ ràng
Ông Andrey Kortunov, người đứng đầu RIAC, một tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại thân cận với Bộ Ngoại giao Nga, cho biết không bên nào có ý định nhượng bộ trước. Ông nhận xét: "Cả hai bên đều tin rằng theo thời gian, vị thế của họ có thể trở nên vững chắc hơn. Thực tế, rất khó để tưởng tượng rằng chúng ta có thể sớm đạt được một thỏa thuận hoà bình".
Cả 2 bên từ lâu đã ở trong thế bế tắc khi không bên nào đạt được bác bước đột phá quan trọng.
Theo tình báo phương Tây, Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng sau những tổn thất nặng nề. Do đó, các lực lượng Nga chỉ đạt được những bước tiến nhỏ tại mặt trận phía Đông Ukraine.
Konrad Muzyka, một nhà phân tích quân sự có trụ sở tại Ba Lan, cho biết các lực lượng Nga có thế chủ động tại một số khu vực ở miền Đông Ukraine. Nhưng đến nay, rất khó để thấy được bên nào sẽ giành được ưu thế nếu không có sự tăng cường về trang thiết bị và nhân lực. Ông Muzyka nhận xét: "Bất kỳ bên nào làm được điều này trước sẽ có cơ hội giành chiến thắng".
Neil Melvin, một nhà phân tích tại RUSI, có trụ sở tại London, cho biết, hoạt động quân sự của Ukraine từ nay đến mùa đông có thể xác định tương lai của cuộc xung đột. Ông nhận xét: "Ukraine cần thuyết phục những người ủng hộ phương Tây rằng họ có thể giành chiến thắng và họ có động lực để đạt được điều này. Nếu trong giai đoạn này, Ukraine chứng minh rằng họ có thể đẩy lùi người Nga và duy trì đà đó, đó sẽ là một chiến thắng."
Nhưng cuộc chiến càng kéo dài thì nguy cơ chia rẽ trong phản ứng của phương Tây đối với Ukraine càng lớn khi giá nhiên liệu, khí đốt, điện và lương thực tăng cao.
Ông Melvin nói thêm: "Tất cả các chỉ số kinh tế đang chuyển hướng tiêu cực. Điều khó khăn là việc thúc đẩy mọi người trong một mùa đông khắc nghiệt tiếp tục chấp nhận thực tế khó khăn nếu Ukraine không có nhiều cơ hội giành chiến thắng".
Ông nhận định, áp lực với các nhà lãnh đạo phương Tây lúc ấy sẽ tăng, gây ra sự chia rẽ trong cả nội bộ EU và NATO.
Minh Hạnh (Theo Reuters)