+Aa-
    Zalo

    Rầm rộ hoạt động sang nhượng sổ tiết kiệm lãi suất cao

    (ĐS&PL) - Thời gian gần đây, tại một số hội nhóm gửi tiết kiệm ngân hàng trên mạng xã hội, dịch vụ sang nhượng sổ tiết kiệm lãi suất cao bắt đầu xuất hiện ngày một nhiều.

    Rao bán trên “chợ mạng”

    Báo Công luận đưa tin, thời gian gần đây, các hội nhóm trên mạng xã hội xuất hiện nhiều bài viết đăng tải nội dung chuyển nhượng, mua bán sổ tiết kiệm có lãi suất cao. Thậm chí, nhiều môi giới cũng đang quảng cáo rầm rộ dịch vụ này.

    Qua tìm hiểu loại dịch vụ này thì được biết, việc sang nhượng, bán sổ tiết kiệm chủ yếu từ những người đã gửi tiền với lãi suất cao trong giai đoạn cuối năm 2022, với lãi suất ưu đãi có thể lên tới 11%-12%. Tuy nhiên do thời điểm hiện tại cần vốn, tất toán sổ trước hạn thì sẽ mất hết lãi nên những người này đã rao tìm người mua lại sổ.

    Trong khi đó, những người mua lại sổ tiết kiệm là những người đang có vốn nhàn rỗi, chưa biết đầu tư vào đâu nên có nhu cầu gửi tiết kiệm. Với việc lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm xuống dưới mức 9% thì việc mua lại những cuốn sổ tiết kiệm có kì hạn dài, lãi suất cao là một lựa chọn không tồi.

    ram ro hoat dong sang nhuong so tiet kiem lai suat cao1
    Một người có nhu cầu chuyển nhượng sổ tiết kiệm có mức lãi suất cao. Ảnh: Báo Công luận

    Chị Thảo – một người vừa đăng tải bán cuốn sổ tiết kiệm có lãi suất 11,5% với kì hạn 18 tháng chia sẻ, thời điểm cuối năm 2022, do thị trường bất động sản trầm lắng, lãi suất gửi tiết kiệm lại cao nên đã gửi phần lớn tiền của mình vào ngân hàng. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, do các chính sách chiết khấu của thị trường quá hấp dẫn, có nhiều phân khúc đang có dấu hiệu cắt lỗ mạnh tay nên chị Thảo muốn rút tiền về để đầu tư bất động sản.

    Tuy nhiên với số tiền gửi lớn, lãi suất tiết kiệm cao, số tiền lãi tích cóp được trong gần 6 tháng vừa qua cũng là một con số không nhỏ. Tiếc số tiền đó nên chị Thảo đã đăng tin chuyển nhượng sổ tiết kiệm cho người có nhu cầu. Nhưng chị này cũng cho biết, khả năng tìm người nhận chuyển nhượng được sổ cũng rất khó vì số tiền của chị Thảo cũng khá lớn.

    Nhu cầu chuyển nhượng ngày càng tăng nên trong các hội nhóm trên mạng xã hội cũng xuất hiện các nhân viên môi giới thực hiện công việc kết nối giữa người bán và người muốn mua sổ tiết kiệm có lãi suất cao.

    phù hợp với quy định của pháp luật?

    Thông tin trên tờ Nhịp sống thị trường, luật sư Nguyễn Văn Hưng, Công ty Luật TNHH Phúc Khánh Hưng cho hay, việc mua bán, chuyển nhượng sổ tiết kiệm không phải là việc làm quá lạ lẫm.

    Thông tư số 48/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 quy định về tiền gửi tiết kiệm đã có hành lang pháp lý cho việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm. Theo đó sổ tiết kiệm cũng được coi là giấy tờ có giá và người chủ sở hữu có đầy đủ các quyền định đoạt tài sản theo quy định của pháp luật.

    Cụ thể, Thông tư số 48/2018/TT-NHNN có nêu rõ việc chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm được thực hiện như sau: Tổ chức tín dụng hướng dẫn người gửi tiền cách thực hiện chuyển giao quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm hợp pháp. Trường hợp sổ được chuyển nhượng theo thừa kế, đối tượng nhận sang tên cần đảm bảo là công dân Việt Nam (nếu là sổ gửi bằng đồng Việt Nam), hoặc công dân Việt Nam là người cư trú (nếu sổ gửi bằng ngoại tệ).

    Cũng theo luật sư, tại các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng hiện nay, việc chuyển nhượng sổ tiết kiệm yêu cầu hoàn thiện giấy tờ cả 3 bên: chủ cũ, chủ mới, ngân hàng chủ quản. Vì thế, thủ tục này chỉ được thực hiện tại chi nhánh/ phòng giao dịch dưới sự hỗ trợ trực tiếp của giao dịch viên.

    Trong quá trình mua bán sổ tiết kiệm, theo chuyên gia kinh tế, TS.Ngô Ngọc Quang, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng, khách hàng phải hết sức cẩn trọng khi tìm kiếm và thực hiện các giao dịch này qua mạng xã hội hay môi trường điện tử bởi rủi ro bị đánh cắp thông tin và lừa đảo rất dễ xảy ra.

    “Người tiêu dùng phải đặc biệt lưu ý cảnh giác trước các rủi ro lừa đảo khi bên bán yêu cầu chuyển khoản trước. Ngoài ra, người tiêu dùng nên tham vấn ý kiến chuyên gia tài chính về việc phân bổ thêm vào tiết kiệm có phù hợp hay không, để tránh xảy ra những vấn đề ách tắc thanh khoản”, ông Quang nói.

    Vân Anh (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ram-ro-hoat-dong-sang-nhuong-so-tiet-kiem-lai-suat-cao-a575052.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan