Sau giai đoạn giảm tốc trong 3 tháng 7,8,9/2022, dòng tiền gửi của người dân đã tăng trở lại trong tháng 10.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 10/2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 5.800 tỷ đồng so với tháng 9.
Trong đó, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư tiếp tục tăng hơn 21.500 tỷ đồng so với tháng trước lên hơn 5,66 triệu tỷ đồng, tăng 6,78% so với đầu năm. So với cuối năm 2021, hệ thống ngân hàng đã huy động được thêm hơn 360.000 tỷ đồng từ người dân.
Tính trong 10 tháng, tổng số dư tiền gửi của người dân tại hệ thống ngân hàng đã tăng ròng gần 360.000 tỷ. Đồng nghĩa với việc cứ mỗi ngày trôi qua từ đầu năm, người dân lại mang gần 1.200 tỷ đồng đi gửi ngân hàng lấy lãi.
Tiền gửi từ dân cư tăng mạnh trong tháng 10 do các ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 3-4% tuỳ từng kỳ hạn. Lãi suất ở mức cao khiến dòng tiền nhàn rỗi của người dân liên tục chảy vào kênh tiết kiệm.
Tính đến ngày 14/12/2022, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6-12 tháng dao động từ 6,1-8,3%/năm. Có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11%/năm với số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên.
Đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất phổ biến dao động ở mức 9,5 – 10%/năm, một số ngân hàng lên tới gần 12%/năm.
Trái ngược với xu hướng tăng gửi tiền ngân hàng trở lại của người dân, số dư tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại các ngân hàng lại giảm ròng hơn 15.800 tỷ đồng trong tháng 10, đạt hơn 5,76 triệu tỷ tại thời điểm cuối tháng.
So với đầu năm, số dư tiền gửi tại hệ thống ngân hàng của nhóm khách hàng này chỉ tăng 2,15% (tương đương mức tăng ròng hơn 121.000 tỷ), thấp nhất kể từ khi NHNN thống kê số liệu tiền gửi (2012).
Nguyên nhân được cho là có liên quan đến yếu tố mùa vụ (cuối năm, doanh nghiệp có xu hướng rút tiền để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều hơn).
Ngoài ra, những khó khăn trên thị trường vốn (trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán) cũng khiến dòng tiền của doanh nghiệp kém dồi dào hơn nhiều.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, xu hướng dịch chuyển của dòng tiền gửi kể trên đã phản ánh đúng diễn biến thực tế bên ngoài thị trường từ đầu năm, khi các hoạt động kinh doanh khôi phục trở lại, nhu cầu sử dụng vốn để đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp tăng lên, dẫn tới dòng tiền gửi của nhóm khách hàng này tại ngân hàng giảm mạnh.
Bạch Hiền (t/h)