+Aa-
    Zalo

    Ra rạp xem phim, livestream phát tán trái phép có bị xử lý?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, việc phát trực tiếp bộ phim trong rạp lên mạng xã hội là hành vi trái pháp luật. Nếu đoàn làm phim khởi kiện thì người thực hiện hành

    Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, việc phát trực tiếp bộ phim trong rạp lên mạng xã hội là hành vi trái pháp luật. Nếu đoàn làm phim khởi kiện thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng và lĩnh mức án 3 năm tù...

    Mới đây, bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" của nhà sản xuất phim Ngô Thanh Vân bị quay lén tại rạp bằng hình thức livestream trên một fanpage về phim.  Đoạn livestream dài khoảng 30 phút thu hút hàng nghìn lượt xem.

    Ngay sau đó, nhà sản xuất cùng các đơn vị có liên quan đã truy tìm và xác định được người quay lén là N.V.T. (SN 1998, cư trú tại Vũng Tàu) khi đang livestream trong rạp trên fanpage cộng đồng phim của mình.

    Trong biên bản giải trình sự việc, T. đã thừa nhận về hành vi của mình "có live stream phim và bị nhân viên phát hiện và đã xóa ngay sau đó". Hiện tại, T. đã được giao cho công an xử lý.

    Câu chuyện nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó nhiều người lên tiếng ủng hộ “Cô Ba Sài Gòn” làm tới cùng nhằm chấm dứt những hiện tượng thiếu ý thức của một số người xem phim.

    Bộ phim được livestream trên một trang phim online.

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi trên báo Lao động, luật sư Nguyễn Thế Truyền – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng đây là hành vi trái luật và nếu đoàn làm phim khởi kiện thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng và lĩnh mức án 3 năm tù.

    Luật sư Truyền khẳng định: “Đây là hành vi vi phạm pháp luật, quyền tác giả được quy định cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ. Để xử lý trường hợp này, theo tôi trước hết bản thân các đơn vị phát hành bộ phim này phải có những biện pháp kỹ thuật hoặc có những cảnh báo gửi đến người sử dụng để họ để họ biết rằng nếu như chưa được phép sao chép, phát hành, phân phối mà vẫn thực hiện hành vi livestream là vi phạm pháp luật”.

    Biện pháp thứ hai là biện pháp xử lý hành chính, theo Luật Sở hữu trí tuệ và theo Nghị định 131/2013 xử phạt hành vi phân phối tác phẩm có thể bị phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng. Hành vi này cũng có thể bị liệt vào hành vi xâm phạm đến quyền truyền đạt tác phẩm đến với công chúng sẽ bị phạt tiền từ 15 đến 30 triệu đồng, cùng với đó là những hình phạt bổ sung như buộc phải dỡ bỏ tác phẩm vi phạm.

    Cũng có thể xem xét thêm các hành vi như xâm phạm quyền sao chép tác phẩm bị phạt từ 15 đến 30 triệu đồng. “Trong trường hợp này nếu xác định, phân tích rõ đối tượng này vi phạm của 3 hành vi nêu trên thì số tiền phạt lên đến 100 triệu đồng” – luật sư Truyền nói.

    Ở mức độ cao hơn có thể bị xử lý hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả trong Bộ luật Hình sự, ở đây phải căn cứ vào tính chất mức độ của sự việc và quan trọng hơn phải do đơn vị sản xuất phân phối bộ phim này phải lên tiếng và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình và nếu như họ thực thi quyền này thì pháp luật phải vào cuộc để bảo vệ cho họ.

    Cũng theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, do kinh phí sản xuất bộ phim này rất lớn, nếu đoàn làm phim khởi kiện thì mức xử phạt có thể cao hơn rất nhiều bởi họ hoàn toàn có thể tính toán được những tổn thất do hành động livestream bộ phim lên facebook của nam thanh niên. Nếu quay phim lén rồi phát tán gây thiệt hại về kinh tế cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan thì có thể bị xử lý hình sự với mức phạt từ 2 đến 3 năm tù.

    Trao đổi trên báo Thanh Niên, luật sư Trương Hữu Huy (Công ty luật YKVN, TP.HCM) cho biết: "Nếu chủ thể sử dụng bản quay lén nhằm vào mục đích thương mại thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 170a bộ luật Hình sự, bị phạt tiền từ 50 - 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 2 năm; phạm tội có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần thì bị phạt tiền từ 400 triệu đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".

    Trong khi đó, trao đổi trên báo VOV, Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Luật Nguyễn Vân Nam - Giám đốc Công ty Tư vấn Luật Nam Hùng cho biết, trong trường hợp này nên áp dụng hình thức xử phạt hành chính theo quy định của rạp chiếu phim vào tạo cơ hội cho người vi phạm sửa sai.

    Ngoài ra Giám đốc Công ty Tư vấn Luật Nam Hùng còn cho rằng, cần cấm quay phim chụp hình trong khi xem phim, nếu vi phạm phải bồi thường bao nhiêu tiền theo quy định.

    “Nhà sản xuất phim cố gắng tuyên truyền cho mỗi người vào xem phim hiểu rằng, livestream tức là đã lấy đi công sức lao động nghệ thuật, tiền đầu tư của những người sản xuất phim, những diễn viên đóng phim để những khán giả đi xem hiểu và không làm”, Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Luật Nguyễn Vân Nam đề nghị.

    Cự Giải (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ra-rap-xem-phim-livestream-phat-tan-trai-phep-co-bi-xu-ly-a209448.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan