(ĐSPL) - Bác Quyên không muốn đề cập tới cái chết trước mặt chồng, bác càng không muốn nhắc tới đề xuất “quyền được chết” vì bác không bao giờ đồng ý điều này.
Bệnh nhân ủng hộ
Tin tức báo Đời sống & Pháp luật đã đăng tải, trong bản góp ý dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đang được trình lãnh đạo Bộ Y tế cho ý kiến, Vụ Pháp chế đã đề xuất bổ sung “quyền được chết”, hay quyền án tử, cái chết nhân đạo.
Vụ Pháp chế đã đề xuất bổ sung “quyền được chết. |
Theo đó, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Pháp chế nêu lên thực tế, trong công việc hàng ngày các bác sĩ chứng kiến nhiều người bệnh không thể cứu được, phải sống thực vật, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đau đớn tột cùng về thể xác, sang chấn đến tận cùng về tinh thần. Họ mong muốn được chết, muốn nhờ bác sĩ giúp ra đi một cách êm ái, thanh thản.
Đề xuất “quyền được chết” của Vụ Pháp chế đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội, đặc biệt là các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân mắc chứng bệnh hiểm nghèo, cũng như đội ngũ y, bác sỹ, những người trực tiếp khám chữa cho bệnh nhân.
PV báo Đời sống & Pháp luật đã có buổi tiếp xúc trò chuyện cùng nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện K (Hà Nội) để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như quan điểm của họ về đề xuất bổ sung “quyền được chết của Vụ Pháp chế.
Bác Nguyên Ngọc (56 tuổi, quê Nghệ An), người mắc ung thư phổi đang điều trị tại viện K chia sẻ: “Tôi được phát hiện mắc bệnh ung thư phổi cách đây gần 1 năm, hiện tại đang trong giai đoạn hóa trị liệu. Lúc đầu khi hay tin mình mắc bệnh hiểm nghèo, bản thân tôi vô cùng suy sụp và lo lắng. Theo thời gian, được gia đình động viên, đội ngũ y bác sỹ tận tình chữa trị, tôi cũng bớt suy nghĩ tiêu cực và lạc quan hơn trong cuộc sống.”
Nhận định về đề xuất “quyền được chết” cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, bản thân bác Ngọc hoàn toàn đồng ý và cho rằng đó là việc làm rất nhân đạo.
“Đó là một đề xuất rất đúng đắn, bản thân tôi là người mắc bệnh hiểm nghèo và thấu hiểu nỗi đau đớn mà nó mang lại. Dù tôi vẫn đang rất nỗ lực và lạc quan trong việc điều trị, tuy nhiên, đến một thời gian nào đó khi không còn gượng được nữa, khi sự sống chỉ còn được tính bằng ngày thì việc giải thoát nhẹ nhàng, tránh khỏi nỗi đau thể xác là chuyện nên làm”, bác Nguyên Ngọc cho hay.
"Chỉ mong chồng lỗ lực chữa bệnh về với vợ con"
Bác Ngọc vừa dứt lời thì vợ bác nấc nghẹn không thành lời sau lưng chồng. Bác gái là một người phụ nữ với dáng hình khắc khổ, tay cầm theo chiếc làn đựng cặp lồng đồ ăn đứng khép nép bên chồng.
Bác Quyên (vợ bác Nguyên Ngọc), từ phía sau khi nghe chúng tôi nói chuyện bác đã rưng rưng nước mắt từ khi nào. Khi chúng tôi cất lời, bác Quyên càng thêm nức nở, bác ôm chầm lấy người chồng rồi chia sẻ bằng hai hàng nước mắt: “Đau đớn cho gia đình cô lắm cháu ơi, cả nhà gần như suy sụp khi hay tin anh Ngọc mắc bệnh hiểm nghèo. Cô chỉ mong chồng mình nỗ lực chữa trị để khỏi bệnh về cùng với vợ và các con”.
Bác Quyên không muốn đề cập tới cái chết trước mặt chồng, bác càng không muốn nhắc tới đề xuất “quyền được chết” vì bác không bao giờ đồng ý điều này.
“Cô mong muốn chồng khỏi bệnh, chứ anh đi rồi ba mẹ con cô biết sống làm sao, dù chỉ còn một tia hy vọng cô và gia đình sẽ luôn cố gắng”, bác Quyên cho hay.
Bác Nguyễn Quang Minh, một bệnh nhân ung thư phổi khác chia sẻ: “Lúc hay tin mình bị ung thư phổi, tôi nhẹ nhàng đón nhận và không quá sốc về chuyện đó. Với tôi, mỗi người đều có một cái số và ông trời chỉ cho mình hưởng đến vậy, nên tôi vui vẻ, tự tin và xem nhẹ cái chết”.
Đề cập đến “quyền được chết” và việc sẽ được giúp có cái chết êm ái, bác Minh hoàn toàn ủng hộ. “Tôi nhất trí hoàn toàn và cho rằng như thế là rất nhân đạo, bởi như thế những người như chúng tôi không phải chịu đau đớn về thể xác”.
Bác Ngọc ủng hộ luật về Quyền được chết. |
PV trên nhiều trường hợp bệnh nhân khác, kết quả thu được đa số mọi người đều ủng hộ đề xuất quyền được chết của Vụ Pháp chế, tuy nhiên người nhà bệnh nhân thì không ủng hộ đề xuất này, họ đặt vấn đề lương tâm và đạo đức vì không ai mong muốn chứng kiến người thân mình lìa xa, dù điều ấy có là một sự giải thoát cho họ.
Dương Đức Hùng, Trưởng đơn vị Phẫu thuật tim mạch, Viện Tim mạch quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ: "Một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối di căn, sự tồn tại của họ chỉ tính bằng ngày, bằng tuần và họ phải chịu đựng đau đớn khủng khiếp. Nỗi đau lan cho gia đình, người thân, gây tốn kém tiền của nên họ yêu cầu chấm dứt điều trị để ra đi. Tôi cho đây là quyết định đúng đắn, nhân đạo với bệnh nhân". Tuy nhiên, bác sỹ Hùng khẳng định rằng đây là vấn đề nhạy cảm, nếu được thông qua thì cách thức tiến hành cũng khó, cần phải đưa vấn đề này ra nghiên cứu và bàn luận cụ thể. Bởi lương tâm nghề y không cho phép các bác sỹ thực hiện mũi tiêm nhân đạo, dù mục đích là tốt đẹp. |