+Aa-
    Zalo

    Quy định rõ những vấn đề phải trưng cầu ý dân

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập khi thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Trưng cầu ý dân sáng 12/11.

    Đây là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập khi thảo luận về những vấn đề còn ý kiến khác nhau của Luật Trưng cầu ý dân sáng 12/11.

    Trong khi nhiều ý kiến tán thành với việc quy định khái quát về các vấn đề Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân (Điều 6) thì cũng có những ĐBQH cho rằng cần cụ thể hơn nữa trong Luật, tránh quy định chung chung.

    Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), việc quy định rõ những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân sẽ làm cơ sở pháp lý cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân.

    “Xét dưới góc độ kỹ thuật lập pháp thì thuật ngữ “quan trọng” và “vấn đề đặc biệt quan trọng” rất chung chung, không thể định tính, định lượng được rõ ràng”, Đại biểu Vinh nói.

    Do vậy, khi nảy sinh vấn đề cần xem xét, Quốc hội và ĐBQH phải thêm một bước trước khi quyết định trưng cầu ý dân, đó là xác định vấn đề có thực sự là “đặc biệt quan trọng” hay không để trình Quốc hội xem xét, thủ tục trình và xem xét như thế nào. Từ đó cũng sẽ dẫn đến tình huống là vấn đề có thể đưa ra hoặc không đưa ra trưng cầu ý dân đều được, vì nó có thể được xác định là “vấn đề đặc biệt quan trọng” hoặc không phải là “vấn đề đặc biệt quan trọng”.

    Đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) đề xuất tại Khoản 1 của Điều 6, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân khi sửa đổi về một số điều của Hiến pháp chứ không chỉ là "toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp". Tại Khoản 2 Điều 6 cũng cần khẳng định rõ Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân đối với vấn đề đặc biệt quan trọng về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.   

    Nhiều ý kiến ĐBQH cũng tán thành với quy định trưng cầu ý dân được tổ chức và thực hiện trong phạm vi cả nước. Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi một hoặc một số địa phương thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành, như việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định dự án kinh tế-xã hội...

    Về những trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân (Điều 9), một số ý kiến ĐBQH cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm vấn đề này để bổ sung vào dự thảo. Chẳng hạn, cần quy định rõ ràng và cụ thể một số vấn đề không được đưa ra trưng cầu ý dân như vấn đề thể chế chính trị, cách thức tổ chức quyền lực Nhà nước nhằm bảo đảm sự ổn định chính trị-xã hội; không được đưa ra trưng cầu ý dân về các vấn đề liên quan đến thuế, ngân sách và nền tài chính quốc gia bởi vì đây là vấn đề đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn cao và rất am hiểu lĩnh vực này mới có thể đưa ra được quyết định hợp lý.

    Sau khi tiếp thu, chỉnh sửa, Luật Trưng cầu ý dân sẽ được trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào sáng 26/11.

    Theo Chinhphu.vn

    [mecloud]qE6sJ67IZO[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quy-dinh-ro-nhung-van-de-phai-trung-cau-y-dan-a119313.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.