Theo báo Thanh Niên, trong tuần này, Quốc hội sẽ dành thời gian để giám sát chuyên đề về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là 3 chương trình mục tiêu quốc gia).
Từ ngày 31/10, sau khi cho ý kiến về luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, Quốc hội sẽ bắt đầu thảo luận về tình hình KT-XH 2023, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về kết quả thực hiện Nghị quyết 43 năm 2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết kỳ họp 5 hồi tháng 6/2023 cũng như báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng.
Ngày 2/11, Quốc hội sẽ thảo luận về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; kế hoạch tài chính quốc gia và vay trả nợ công giai đoạn 2021 - 2025. Quốc hội cũng sẽ thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách T.Ư 2024, trong đó bao gồm lộ trình cải cách tiền lương công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ 1/7/2024.
Thời gian còn lại của tuần làm việc thứ 2, Quốc hội sẽ dành thời gian cho ý kiến vào luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi và luật Đất đai sửa đổi.
XEM THÊM: ĐBQH Hoàng Văn Cường: Duy trì nhiều bộ SGK là tiến bộ cho đổi mới tư duy giáo dục
Liên quan đến cải cách chính sách tiền lương, tại phiên thảo luận tổ về tình hình KT-XH, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ chính thức thông qua chính sách cải cách tiền lương. Đây là điểm nhấn và là dấu ấn của Quốc hội kỳ này, vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
"Qua 4 lần cải cách tiền lương, tôi thấy chưa có lần nào chính sách tiền lương đồng bộ, toàn diện, căn bản như lần này. Đây là một chính sách lương mới rất tiến bộ, công bằng, thật sự hài hòa và hợp lý", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định. Trong đó, ngành giáo dục, y tế sẽ thực hiện được mục tiêu tăng lương, tạo sự phấn khởi trong viên chức, nhất là giáo viên, bác sĩ, báo Vietnamnet đưa tin.
Hoàng Yên (T/h)