Mới đây, Chính phủ đã đề xuất lộ trình cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang với 6 nội dung cải cách theo Nghị quyết số 27-NQ/TW (dự kiến thực hiện từ ngày 1/7/2024) gồm: Xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.
Theo đó, sau năm 2024, tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp như mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Điểm nổi bật của chính sách cải cách tiền lương lần này là bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, thay vào đó sẽ xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương, thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).
Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Với sự thay đổi về cách tính lương như vậy, nhiều người lao động thắc mắc việc này có tác động như thế nào đến các chính sách của BHXH. Bởi lẽ hiện nay, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 đang quy định rất nhiều khoản trợ cấp gắn với mức lương cơ sở bao gồm: Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau; trợ cấp 1 lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi; trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng.
Để đảm bảo thực hiện thống nhất các quy định pháp luật sau khi cải cách tiền lương, Mục 6 Phần III Nghị quyết 27/NQ-TW đã đặt ra nhiệm vụ sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội và pháp luật có liên quan đến chính sách tiền lương trong khu vực công và khu vực doanh nghiệp.
Theo đó, các khoản trợ cấp BHXH đang gắn với lương cơ sở chắc chắn sẽ được sửa đổi để phù hợp với chính sách tiền lương mới sau khi cải cách tiền lương.
Hiện nay, Dự thảo luật BHXH sửa đổi cũng đang được lấy ý kiến đóng góp, theo đó Chính phủ cũng đã chủ trương sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Căn cứ Tờ trình 527/TTr-CP của Chính phủ về Dự án Luật BHXH (sửa đổi) ngày 10/10/2023 cho thấy, Chính phủ đang đề xuất sửa đổi các trợ cấp gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối của hiện hành), đồng thời quy định các mức này được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH.
Như vậy, sau khi cải cách tiền lương, các khoản trợ cấp BHXH đang gắn với lương cơ sở sẽ được ấn định số tiền cụ thể. Số tiền này sẽ được điều chỉnh tương ứng khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH.
Cụ thể, theo Dự thảo luật BHXH sửa đổi, sau khi bỏ lương cơ sở, các khoản trợ cấp BHXH được đề xuất áp dụng theo mức sau:
- Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau = 540.000 đồng/ngày.
- Trợ cấp 1 lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi = 3,6 triệu đồng/con.
- Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản = 540.000 đồng/ngày.
- Trợ cấp mai táng = 18 triệu đồng.
- Trợ cấp tuất hằng tháng:
- Trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng: Trợ cấp tuất hằng tháng = 1,26 triệu đồng/tháng.
- Trường hợp còn lại: Trợ cấp tuất hằng tháng = 900.000 đồng/tháng.
Các khoản trợ cấp BHXH kể trên sẽ được điều chỉnh khi Chính phủ thực hiện điều chỉnh lương lưu và các khoản trợ cấp BHXH hằng tháng dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội.
Xét trong trường hợp cải cách tiền lương 2024 làm tăng lương của các đối tượng tham gia BHXH thì: Nếu người tham gia BHXH nghỉ hưu sau thời điểm cải cách tiền lương và trước đó đã được hưởng mức lương mới thì khi nghỉ hưu, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người đó cũng sẽ tăng. Vì mức lương hưu được tính từ mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tỷ lệ hưởng lương hưu nên nếu quy định về tỷ lệ hưởng lương hưu không thay đổi, khi mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tăng, mức lương hưu cũng sẽ tăng.
Như vậy, người tham gia BHXH sẽ được tăng lương hưu nếu cải cách tiền lương làm tăng lương. Tuy nhiên, thực tế hiện tại, việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương chưa được thông qua. Nên việc có tăng lương hưu từ 1/7/2024 hay không vẫn chưa có quyết định chính thức. Tuy nhiên, với những phân tích ở trên, đây vẫn là tín hiệu mừng dành cho hàng triệu người lao động, người hưởng lương hưu.
Bảo An