Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 12/11, các đại biểu Quốc hội biểu quyết Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Sau nội dung này, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này gồm 17 chương, 152 điều, trong đó bổ sung thêm 3 chương mới so với Luật hiện hành (Chương II, Chương X và Chương XII), đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; các biện pháp xử lý nợ đọng thuế; áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử; vấn đề điều tra thuế; hoàn thiện các quy định về cưỡng chế nợ thuế.
Một số nội dung cụ thể tiếp tục trình xin ý kiến Quốc hội gồm: Nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong việc quyết định dự toán thu thuế và các khoản thu khác của ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước bao gồm số thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa hằng năm theo quy định của pháp luật (Điều 14); về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước và cơ chế phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước và cơ quan thuế; về các trường hợp được xóa nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt (Điều 86)…
Luật Đầu tư công được ban hành năm 2015 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, Luật Đầu tư công đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Do đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả vốn đầu tư công và tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện, tăng cường phân cấp, phân nhiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đặc biệt là phục vụ quá trình cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2016-2020, định hướng 2025, việc sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Đầu tư công là cần thiết.
Dự thảo Luật trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến ba nhóm chính sách chủ yếu, bao gồm nhóm chính sách về quy định chung, nhóm chính sách về quản lý dự án, nhóm chính sách về quản lý kế hoạch đầu tư công.
Trong phiên làm việc chiều, các đại biểu Quốc hội biểu quyết Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Tiếp theo, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tại phiên họp thứ 27 (tháng 9/2018), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật và nhất trí với đề nghị của Chính phủ cho mở rộng phạm vi sửa đổi và chuyển dự án thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Bộ luật Hình sự và các luật khác có liên quan, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành. Theo đó, dự thảo Luật dự kiến sửa đổi 92/182 điều; bổ sung 1 chương, 7 mục (52 điều) và bãi bỏ 1 mục (4 điều) so với Luật Thi hành án hình sự hiện hành.
Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp này gồm 7 chương, 38 điều, quy định các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, bao gồm: biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho phòng, chống tác hại của rượu, bia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Tại dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến lần này, nhiều quy định đã được chỉnh lý như: Về tên gọi của dự thảo Luật; về phạm vi điều chỉnh; về kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu bia.
Quỳnh Hoa (Theo TTXVN)