Các loại giấy tờ xe cần có khi lưu hành giao thông
Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định như sau:
- Người điều khiển xe máy, xe ô tô khi tham gia giao thông đều buộc phải đủ độ tuổi và sức khỏe theo quy định.
- Ngoài ra, người điều khiển phương tiện phải có giấy phép lái xe tương ứng với loại xe được cấp phép điều khiển từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.
Theo khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, các loại giấy tờ xe máy bắt buộc có gồm:
- Giấy đăng ký xe còn gọi là cà vẹt
- Giấy phép lái xe
- Giấy chứng nhận kiểm định bảo vệ môi trường và an toàn kỹ thuật đối với xe cơ giới
- Bảo hiểm xe máy - trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Khi tham gia giao thông, đặc biệt trong trường hợp đang điều khiển phương tiện, nếu bị yêu cầu xuất trình giấy tờ mà không mang bằng lái hoặc các giấy tờ cá nhân có liên quan kể trên, người lái xe sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 123/2021 mới nhất, được bổ sung và sửa đổi của Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Tùy theo mức độ sẽ có các mức xử phạt khác nhau.
Lỗi không mang giấy tờ xe bị phạt thế nào?
Mức phạt lỗi quên giấy tờ xe
Theo điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ/CP (sửa đổi bởi điểm m khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP), nếu không mang theo giấy đăng ký xe, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng.
Còn đối với ô tô, người điều khiển không có Giấy đăng ký xe theo quy định hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe đã hết hạn sử dụng phạt tiền từ 2.000.000 đồng - 3.000.000 đồng theo khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Mức phạt lỗi quên mang giấy phép lái xe (bằng lái xe)
Bên cạnh những thắc mắc xoay quanh việc không giấy tờ xe phạt bao nhiêu, thì người tham gia giao thông cần nắm rõ các mức phạt giữa việc không có và quên không mang giấy phép lái xe là hoàn toàn khác nhau.
Trường hợp không có giấy phép lái xe
- Phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng nếu người điều khiển xe ô tô không có giấy phép lái xe hoặc sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy phép lái xe bị tẩy xóa (theo Điểm b Khoản 8 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 không có giấy phép lái xe (theo Điểm a Khoản 5 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên không có giấy phép lái xe (theo Điểm b Khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Trường hợp quên không mang giấy phép lái xe
- Phạt tiền từ 200.000 - 400.000 đồng khi điều khiển xe ô tô quên không mang giấy phép lái xe (theo Điểm a Khoản 3 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
- Phạt tiền từ 100.000 đồng - 200.000 đồng khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà quên mang giấy phép lái xe (theo Điểm c Khoản 2 Điều 21 (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
Mức phạt lỗi quên mang giấy chứng nhận bảo hiểm xe bắt buộc
Chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự là một trong 4 loại giấy xe cần luôn mang theo khi tham gia giao thông. Theo đó, nếu không mang giấy chứng nhận bảo hiểm xe bắt buộc khi lưu thông, người điều khiển sẽ bị phạt:
- Đối với xe ô tô: Phạt tiền từ 400.000 đồng - 600.000 đồng Theo điểm b khoản 4 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy, bao gồm xe máy điện: Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng theo điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Làm thế nào để tránh bị phạt?
- Luôn mang theo đầy đủ Giấy tờ xe khi tham gia giao thông.- Kiểm tra kỹ Giấy tờ xe trước khi ra khỏi nhà.- Giữ Giấy tờ xe ở nơi dễ lấy, dễ nhìn.
V.H (T/h)