(ĐSPL)- Mưa lũ đã tạm rút cả chục ngày nay, song Quảng Ninh vẫn đang trầy trật khắc phục hậu quả nặng nề về môi trường. Đặc biệt, tại bãi thải Đông Cao Sơn và Cọc 6 (phường Mông Dương, TP Cẩm Phả) bùn than tràn xuống khu dân cư khiến hơn 100 ngôi nhà bị chôn vùi quá nửa nhà, thậm chí không còn thấy nóc.
Hoang vắng Mông Dương những ngày sau lũ
Khu dân cư Mông Dương đông đúc ngày nào bỗng trở nên hoang vắng, âm thanh duy nhất tại đây chỉ là tiếng nước chảy róc rách và tiếng chó sủa khi có người lạ xuất hiện. Nhiều xe máy, xe đạp nằm ngổn ngang giữa đống bùn đất.
Người dân nạo vét than bùn sau mưa lũ. |
Theo báo Giao thông, một người dân Mông Dương chia sẻ: “Dành dụm được một ít, gia đình chị vay thêm gần 300 triệu đồng để xây nhà. Chưa kịp hoàn thành tổ ấm thì thiên tai ập đến, vùi lấp toàn bộ”.
Trong ánh mắt thất thần, bà Ngô Thị Dinh (tổ 2, khu 4) kể lại đêm kinh hoàng mà cả gia đình bà phải đạp cửa bỏ chạy để thoát khỏi dòng lũ bùn đổ ập từ trên cao xuống: “30 năm gắn bó với ngành than, vợ chồng tôi tích cóp mãi mới xây được căn nhà hai tầng. Vậy mà trận lũ kinh hoàng đêm 28/7 đã chôn vùi tất cả. Trong đêm tối, chúng tôi chỉ biết hò hét, giúp nhau lao ra khỏi nhà để tránh dòng lũ bùn cao hơn nóc nhà ầm ầm đổ xuống”.
Còn anh Nguyễn Văn Thắng (quê Thanh Hóa, công nhân tại mỏ than) tâm sự: “Tổ mỏ của tôi có 37 người, nhưng đến nay khoảng 20 người bỏ về quê, một số khác đang ở lại chờ việc. Tôi may mắn được trưng dụng để dọn dẹp vệ sinh nhưng lương thấp quá, mà không làm thì cũng không còn việc gì để có thu nhập. Nếu cứ kéo dài như vậy thì gia đình đói mất”.
Ông Phạm Ngọc Lự, Phó Chủ tịch UBND phường Mông Dương cho biết, lũ bùn than từ các bãi thải hiện vẫn đang vùi lấp tài sản của người dân. UBND tỉnh đã huy động mọi lực lượng, công an, bộ đội dọn dẹp vệ sinh, tẩy rửa môi trường và tiếp tục khắc phục đường ống dẫn nước.
2.700 tỷ đồng trôi theo lũ
Hiện tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) đang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, nhất là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ các bãi thải của các đơn vị sản xuất than trên địa bàn.
Than bùn tràn ngập vào nhà dân khiến công tác khắc phục sau lũ vô cùng vất vả. |
Một vị lãnh đạo Công ty Than Mông Dương cho biết, ngoài việc thất thoát lượng than do mưa lũ cuốn trôi, người lao động tại các mỏ than cũng đang phải đối mặt với cảnh thất nghiệp, do nhiều mỏ bị ngừng trệ khai thác. “Ngày 5/8, công ty đã tạm thời kiểm soát được mực nước ở âm 97,5 m và đang tiếp tục bơm nước ở mức 250 m.
Hiện công ty đã có thể tạo việc làm cho 2/3 số lao động, đồng thời di chuyển 500 người sang các mỏ than khác nhằm đảm bảo có việc làm và thu nhập”, ông này nói.
Hầu hết các mỏ than lộ thiên của TKV sử dụng hệ thống bãi thải ngoài với công nghệ đổ thải cao. Khối lượng thải lớn nhất tập trung tại TP Cẩm Phả, khoảng 60-70 triệu m3/năm. Các bãi thải của các mỏ than khai thác lộ thiên thường có chiều cao 60 đến 150 m, có nơi lên tới 250 m.
Bên cạnh đó, nhiều bãi thải như Nam Đèo Nai, Nam Lộ Phong hiện đang nằm trong khu đô thị hoặc bị các khu dân cư hình thành sau bao bọc xung quanh hoặc nằm sát ngay chân bãi thải. Các bãi thải như Cao Sơn, Khe Rè có xu hướng mở rộng, tiến dần về khu dân cư, cũng như các bãi thải mới hình thành tại Mạo Khê, Đông Triều...
Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, trận mưa lũ đã làm chết nhiều người và thiệt hại về tài sản hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó ngành than thiệt hại 1.200 tỷ đồng. UBND tỉnh sẽ trình Chính phủ cho phép tỉnh Quảng Ninh và TKV xây dựng đề án di dân ở dưới các bãi thải than để bảo đảm an toàn. Trước mắt, khi chưa có đề án di dân khỏi khu vực chân các bãi thải, TKV cần có các giải pháp nhanh chóng gia cố bằng cách xây kè tại chân các bãi thải, đồng thời trồng cây xanh tại các bãi thải đã kết thúc nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do sạt lở đất đá từ các bãi thải xuống khu dân cư.
Ông Đỗ Đình Hiền- Chủ tịch CĐ TKV- cho biết, đợt mưa lũ lịch sử trong vòng 50 năm qua tại Quảng Ninh này đã khiến 30.000 cán bộ CNVCLĐ ngành than phải nghỉ việc. Tuy không xảy ra TNLĐ khi mưa lũ tràn về, nhưng vẫn có 3 gia đình CN bị thiệt hại về tính mạng, trong đó, có 1 gia đình CN có 8 người bị tử vong. “Đối với các mỏ than, thiệt hại nặng nhất là ở mỏ than Mông Dương. Mỏ than này bị ngập hoàn toàn với lượng nước lớn, mất khoảng 5 tháng mới có thể khôi phục được sản xuất. Mỏ than Quang Hanh cũng trong tình trạng bị ngập nước, phải hết tháng 8 mới tiếp tục hoạt động trở lại. Riêng ở 2 mỏ than này, đã có 8.000 CNLĐ đang phải nghỉ việc”- ông Hiền nói. Ông Hiền cũng chia sẻ thêm, CĐ TKV rất trăn trở với con số 30.000 CN ngành than phải nghỉ việc. CĐ đã phối hợp cùng chuyên môn bố trí việc làm cho những CN mất việc bằng cách những mỏ than ít thiệt hại nhận thêm CN ở các mỏ khác bị biệt hại nhiều hơn… |
Đức An (Tổng hợp)
Xem thêm video:
[mecloud] TAWv7bMDxC[/mecloud]