Việc Grab, Uber không thống nhất trong giá cước, logo đã tạo nên sự bất cập đối với khách hàng và nhà quản lý. Vì thế, UBND TP.HCM đã đề xuất đưa Grab, Uber vào loại hình taxi mới, có quy định cụ thể về giá cước, logo nhằm tạo cơ sở để quản lý, bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận t
Khách hàng giải tỏa lấn cấn
Không thể phủ nhận những ưu thế mà Grab, Uber mang lại nhưng thời gian qua, nó cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần giải quyết. Thực tế, không ít người dân phản ánh về cách tính giá cước của các loại như Grab, Uber,...
Dưới góc độ hành khách, chị Nguyễn Thúy Vân (38 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết: “Nhà tôi ở quận Tân Phú nhưng nơi làm việc phải lên tận quận 1. Vì đường xa nên tôi chọn Grab làm phương tiện lưu thông mỗi sáng. Tuy nhiên, tôi không hiểu, cùng số km đó nhưng ngày hôm nay đi giá tiền này, ngày mai tôi đi lại có giá tiền khác. Khi hỏi tài xế, họ nói tùy thời gian, thời tiết cũng như mật độ Grab ngày hôm đó nhiều hay ít, giá tiền sẽ khác nhau. Chính điều này khiến tôi vô cùng lấn cấn...”.
Cũng sử dụng làm phương tiện đi lại, chị Tô Thị Sen (36 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) bày tỏ ý kiến: “Tôi là khách hàng thường xuyên gọi Grab taxi để di chuyển. Tuy nhiên, tôi thấy có tình trạng cùng một địa điểm đi và đến nhưng giá cước của hai điện thoại đăng ký gọi lại khác nhau.
Hôm đó, tôi hẹn với bạn đi ăn nên gọi Grab taxi để di chuyển. Vì sợ taxi đến lâu nên tôi dùng 2 điện thoại để đăng ký, taxi nào bắt máy trước tôi sẽ đi chiếc đó. Không ngờ, khi tôi đăng ký gọi cùng một điểm đi và đến nhưng lại có hai giá tiền hoàn toàn khác nhau,...”.
Đề xuất taxi mới như Grab, Uber nên có quy định về giá cước, logo. |
Trước nhiều vấn đề cần xử lý, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký văn bản gửi bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra một số đề xuất liên quan đến hoạt động kinh doanh của Grab, Uber, trong đó quy định cụ thể về giá cước, logo để thuận lợi cho việc quản lý.
Với kiến nghị này, TP.HCM đề xuất đưa Grab, Uber vào loại hình taxi mới (taxi điện tử). Loại hình này sẽ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh vận tải giống như taxi truyền thống.
Theo UBND TP, quy định này nhằm tạo ra cơ sở để quản lý, bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải như taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi về nghĩa vụ thuế và quy hoạch phương tiện.
Theo đó, về giá cước, taxi truyền thống thực hiện kê khai, niêm yết giá cước và thực hiện theo đồng hồ tính tiền được gắn trên xe. Loại đồng hồ này được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì.
Tuy nhiên, đối với taxi mới như Grab, Uber lại không có quy định cụ thể về khiến hành khách sử dụng dịch vụ mơ hồ về giá cả và cách tính giá cước. Còn về logo (biểu trưng nhận diện), với taxi truyền thống, logo nhận diện phải đăng ký rõ ràng, màu sơn cụ thể và không trùng với logo đăng ký của đơn vị kinh doanh vận tải taxi khác. Tuy nhiên, taxi mới vẫn chưa có logo và phù hiệu nhận diện. Vì thế, taxi mới cần phải xây dựng cho mình logo và phù hiệu mới có đăng ký bản quyền với cơ quan có thẩm quyền.
Khi taxi mới xây được hệ thống giá cước và logo sẽ giúp cho việc quản lý taxi mới trở nên thuận lợi hơn. Ngoài ra, góp phần cung cấp giải pháp di chuyển tiết kiệm, thông minh và tiện lợi cho người tiêu dùng. Đồng thời, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng kiến nghị nghiên cứu bổ sung các quy định, điều kiện để quản lý đối với đơn vị cung cấp phần mềm điện tử cho loại hình taxi Grab, Uber... tương tự như điều kiện kinh doanh vận tải bằng taxi để có cơ sở kiểm tra, xử lý các vấn đề phát sinh thực tế trong quá trình kinh doanh.
Lộ trình tất yếu
Trên thực tế, chính sự không thống nhất trong việc tính giá cước và logo đã gây nên sự không hài lòng của khách hàng. Vì vậy, kiến nghị xếp Grab, Uber vào loại hình taxi mới được đánh giá sẽ giúp việc quản lý được dễ dàng và công khai, minh bạch hơn.
Trước kiến nghị trên của UBND TP, liên hệ với đại diện quản lý Grab Việt Nam tại TP.HCM, PV được cho biết: “Qua báo chí, phía đại diện công ty Grab cũng nghe thông tin về việc UBND TP.HCM kiến nghị lên bộ GTVT quy định cụ thể về giá cước, logo để thuận lợi cho việc quản lý. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản chính thức từ bộ GTVT hay sở GTVT TP.HCM.
Theo như thông tin chúng tôi nắm được, đây mới chỉ là kiến nghị ngoài lề. Khi nào có văn bản chính thức gửi tới, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm chỉnh, chấp hành đầy đủ những quy định về giao thông đường bộ, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của pháp luật,...”.
Về phía cơ quan quản lý, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc sở GTVT TP.HCM cho hay: “Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định tại Điều 17 về “Điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi” nêu rõ: Trên xe taxi phải gắn đồng hồ tính tiền được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải đăng ký và thực hiện sơn biểu trưng (logo) không trùng với biểu trưng đã đăng ký của đơn vị kinh doanh vận tải taxi trước đó và số điện thoại giao dịch cho các xe thuộc đơn vị. Bởi vậy, theo Nghị định trên, việc các loại taxi mới như Grab, Uber... đăng ký bảng tính giá cước, logo theo quy định của luật pháp Việt Nam là điều tất yếu”.
“Ngoài ra, việc quy định cụ thể giá cước, logo của các loại taxi mới như Grab, Uber... còn liên quan đến vấn đề quản lý. Vì thế, bộ GTVT đã gửi văn bản đến yêu cầu đưa ra các ý kiến đóng góp trong quản lý... thời gian vừa qua. Đồng thời, xây dựng bản góp ý để bổ sung vào việc quản lý các loại xe taxi theo Nghị định số 86.
Vì thế, phía sở GTVT TP.HCM đã trình lên UBND TP và bộ GTVT đề xuất ý kiến, góp ý của mình. Hiện, chúng tôi đang chờ đánh giá từ Bộ. Khi nào có văn bản cụ thể sẽ thông tin chính thức đến báo chí”, ông Lâm cho biết thêm.
Bộ GTVT nói gì? Trước đề xuất của UBND TP.HCM, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Thứ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Grab, Uber là loại hình vận tải nên việc đề xuất đưa vào loại hình taxi cũng không có gì phải bàn. Bởi, theo quy định hiện hành, taxi tính tiền theo km, có biển hiệu, phù hiệu và tên hãng. Tương tự, Grab hay Uber cũng đã quy định phải có phù hiệu, nhãn dán, hợp đồng điện tử và cũng phải khai báo với cơ quan thuế. Hệ thống thuế cũng tiến hành theo dõi. Như vậy, việc quản lý Uber, Grab cũng tương đồng như quản lý taxi và không khác gì nhau. Về việc dán logo, phù hiệu nhãn dán đối với Grab, Uber hiện chưa thực hiện nghiêm túc, do đó địa phương phải tiến hành quản lý và kiểm soát theo quy định. |
(Bài đăng lại báo giấy Đời sống & Pháp luật tháng số 38)