Có những con người, dù đã mất đi nhưng những kỉ niệm về họ, về những hành động nhân ái họ đã làm vẫn còn tồn tại mãi trong ký ức của người thân, của xóm làng.
Vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, khu vực thuộc địa phận các xã Kim, Quang, Tây Thành (Yên Thành, Nghệ An) còn là những vùng đất rất đỗi hoang sơ. Khi đó, những người dân miền xuôi gồng gánh lên đây cày trại đều phải đi qua con đường Tăng Láng nhỏ hẹp, chạy len lỏi giữa những cánh rừng rậm rạp, hoang vu, nhiều nơi chưa có dấu chân người...
Trong cuộc hành trình mỏi mệt ấy, chỉ cần được nhìn thấy một mái nhà, một ngọn khói xa xa, một ánh lửa bập bùng là người viễn khách đủ để thấy mình vững dạ, yên tâm giữa chốn đại ngàn thâm u lạnh lẽo...
Như thấu hiểu được nỗi niềm trăn trở ấy, không biết từ bao giờ, ngay quãng giữa chặng đường hiểm trở ấy, đã xuất hiện một căn lều dựng tạm, mà sau này mọi người đều gọi là... Quán lá bà Lang!
Quán lá bà Lang, đơn sơ mà mang nặng tình nghĩa một thuở (Ảnh minh hoạ). |
Ở đó, có một cặp vợ chồng già, dường như... không tuổi, mái tóc bạc phau như ông Bụt, bà Tiên trong cổ tích. Tuy nhiên, khuôn mặt bà cụ lại quá đặc biệt, nó có thể khiến người ta phát hoảng khi nhìn thấy lần đầu: Đó là khuôn mặt loang lổ những mảng trắng, đen, đường nét quanh co như nét vẽ... bản đồ! Rồi đến da dẻ, chân tay, nơi nào cũng có! Vậy nhưng nhìn kỹ, người ta sẽ thấy khuôn mặt bà có vẻ thánh thiện, rất ấm áp và hiền từ, đậm vẻ bình yên...
Mục đích mở quán của bà đến tận bây giờ, vẫn không ai rõ. Bởi trong gian hàng của bà, tất cả mọi thứ đa phần là... miễn phí: Nước chè xanh miễn phí, thuốc lào cũng miễn phí, kể cả miếng trầu, cũng miễn phí luôn! Bà chỉ bán vài phong kẹo lạc, vài cặp bánh chưng, vài gói thuốc Điện Biên không đầu lọc... Khách cứ tùy tiện sử dụng, có tiền thì trả, không có thì... sổ nợ cũng... khỏi ghi, nhớ trả quên thôi, bởi vì bà... đâu biết chữ!
Lời lỗ, hơn thua, được mất, bà cũng không bận tâm nhiều, bởi đã có ông bện dây thừng, bằng sợi lạt giang, bán cho thợ cày, và thế là coi như... hoà vốn!
Tên tuổi của bà, hầu như không ai biết, người ta chỉ gọi bà bằng cái tên dựa vào đặc điểm khuôn mặt: Bà Lang! Người qua đường nợ bà nhiều lắm. Có người nợ tiền bạc thì ít, mà nợ lương tâm, tình nghĩa thì nhiều. Một thời gian dài sau khi bà mất, quán lá không còn, người ta vẫn nhắc nhở rằng bản thân mình "còn nợ bà Lang"...
Thực ra, cả hai ông bà đều có tên có tuổi, bà Xin, ông Thưởng, người họ Phan Trọng, ở xã Hoa Thành, hai cái tên như một quy luật bù trừ, mà cộng lại... bằng không!
Cả ông bà đều không biết chữ, nhưng con cháu của họ đều được học hành tử tế. Tôi là cháu ngoại của bà, học hành vào dạng khá, mỗi lần được điểm cao, đều chạy đến khoe bà, thế là bà cười tít mắt, còn tôi thế nào cũng được thưởng, ít nhất cũng là... vài cái kẹo chanh!
Về sau, khi đã trưởng thành, tôi mới nhận ra một nỗi niềm rưng rưng sâu thẳm: Những người không biết chữ lại là những người có cái tâm hiếu học vô biên!
Non nửa thế kỷ đi qua, rồi cũng đến lúc bà nhận ra rằng mình không còn phù hợp nữa. Con cháu thì mải miết đầu tư cho sự học, nào mấy ai dư dả đồng tiền? Ngày ông bà thất thểu rời căn quán lá, cả đất trời như sụp đổ. Hai ông bà lặng lẽ trở về, ở cùng với con dâu...
Ông trời dường như cũng thấy sai nên tìm cách bù đắp cho ông bà bằng cách ban tuổi thọ. Năm cuối cùng của thế kỷ, ông ra đi ở tuổi 95.
10 năm sau, bà cũng về với đất, thọ 99 tuổi.
Giờ đây, con cháu của ông bà, đa phần đều giỏi giang, thành đạt. Vào ngày giỗ của ông bà, dù ở gần hay ở xa, đều tề tựu đông đủ, để cùng nhau xúc động rưng rưng... khi kể lại những kỉ niệm về ông bà mình!
Khi tôi viết những dòng này, quán lá bà tôi chỉ còn trong ký ức! Đành nhờ một người bạn, phác thảo qua mấy nét vẽ chì, mong lưu giữ được phần nào cái kí ức đẫm tình người.
Nguyễn Hữu Hậu
Tây Thành 22/4/2020