Quân đội Mỹ đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ bom đạn động năng (KEP) để tạo ra một loại vũ khí như búa của thần sấm bay vòng quanh Trái đất rồi bất thình lình giáng đòn xuống như sao băng.
Vũ khí phóng từ không gian hầu như không thể đánh chặn. Đồ họa: Ptisidiastima. |
Ngay từ thập niên 50 của thế kỷ trước, ông Jerry Pournelle (1933-2017), nhà văn, nhà báo Mỹ, đã mường tượng về một loại vũ khí như sao băng lao xuống Trái đất khiến loài khủng long tuyệt chủng. Hệ thống vũ khí này không có đạn hoặc chất nổ mà là những thanh kim loại nặng được thả từ trên không xuống dưới đất.
Ông Pournelle gọi siêu vũ khí của mình là “Dự án Thor”. Còn tờ New York Times gọi hệ thống vũ khí này là “sấm sét tungsten (vonfram)”.
Các nhà nghiên cứu vũ khí coi đó là một loại bom đạn động năng: siêu đặc, siêu nhanh, hoạt động đơn giản, không cần các hệ thống phức tạp, không cần hóa chất dễ bay hơi mà vẫn phá hủy mọi thứ trên đường đi của nó.
Khi có lệnh chiến đấu, vệ tinh sẽ phóng những thanh vonfram về trái đất. Chúng có thể đạt tốc độ gấp 10 lần vận tốc âm thanh ( khoảng 12.348 km/h). Ở tốc độ này, thanh vonfram với độ cứng của nó có thể xuyên qua hàng trăm mét đất đá, bê tông cốt thép để phá hủy bất kỳ mục tiêu ngầm nào.
Các nhà khoa học ước tính, động năng từ vụ va chạm của thanh vonfram ở tốc độ 12.348 km/h tương đương với vụ nổ của 11,5 tấn TNT. Vũ khí như vậy có thể phá hủy mọi mục tiêu trong vòng 15 phút từ khi nhận lệnh, ít hơn một nữa thời gian so với tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Thực tế, trước đây, trong chiến tranh, Mỹ cũng đã từng sử dụng một loại bom có tên là Lazy Dog – Con chó Lười biếng. Chúng chỉ là những miếng thép cứng, được gắn thêm "vây" nhưng không hề có chất nổ. Cách dùng đơn giản: chỉ cần thả chúng từ máy bay xuống đất thôi.
Những viên đạn Lazy Dog này chẳng khác gì những viên đạn được bắn từ súng, nhưng thay vì súng bắn ngang khiến đạn mất dần vận tốc khi bay xa, những viên Lazy Dog này càng ngày càng tăng tốc, tăng thêm năng lượng để "bung lụa" khi chạm đất.
Đó chính là tiền đề của "Dự án Thor".
Viên đạn Lazy Dog chỉ dài 44 mm, đường kính 13 mm và nặng 13g. Ảnh: AP |
"Dự án Thor" sẽ không bị ràng buộc bởi Hiệp ước không gian bên ngoài được 107 quốc gia ký kết vào năm 1967. Hiệp ước cấm triển khai vũ khí hạt nhân, sinh hóa học trong không gian. Tuy nhiên, những rào cản công nghệ và chi phí những năm Chiến tranh Lạnh khiến dự án khó trở thành hiện thực.
Một người dùng Quora đã từng là giám đốc ngành cũng như nhà nghiên cứu trong lĩnh vực phòng thủ và không gian Vũ trụ nói rằng vào thời điểm thứ vũ khí này được giới thiệu, thì phải tốn tới 10.000 USD để mang được khoảng nửa cân của bất kì thứ gì lên Vũ trụ. Vonfram rắn đủ để làm vũ khí cho dự án sẽ nặng khoảng 10 tấn = 10.000 kg.
Vì vậy, điều ngăn cản Dự án Thor đi vào hoạt động chính là chi phí. Tính toán sơ bộ cho thấy giá của một cột vonfram là 230 triệu USD, quá cao so với thời Chiến Tranh Lạnh.
Nhưng so với ngày này thì khác, chi phí lên Vũ trụ đã giảm nhiều. Thời điểm tổng thống Bush còn đương nhiệm, chính phủ đã tính tới việc sử dụng lại công nghệ này.
Dự án Thor hiệu quả hơn vũ khí hạt nhân, có thể đánh sâu xuống các căn cứ lòng đất và hiển nhiên là không tạo ra phóng xạ. Một thứ vũ khí hiệu quả đến giật mình.
Trong bối cảnh các quốc gia như Nga, Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển vũ khí siêu thanh. Project Thor có thể là một ý tưởng thú vị để Mỹ cho ra đời loại vũ khí siêu thanh tấn công từ không gian và nó có thể là tương lai của chiến tranh toàn cầu.
NGUYỄN QUỲNH (T/h)