"Cơ quan chức năng cũng có thể điều tra theo hướng cố ý gây thương tích mà tội danh và hình phạt được quy định tại điều 104 Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên việc gia đình từ chối giám định thương tích cũng như không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng không có cơ sở để xử lý". - Luật sư Lê Hồng Lam nhận định
Liên quan tới việc bạo hành trẻ em tại cơ sở trường mầm non Sen Vàng (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội), vừa qua, sau quá trình điều tra, hành vi bạo hành với trẻ nhỏ của hai cô giáo trường Sen Vàng được công an xác định có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác nhưng chưa đến mức xử lý hình sự, vì thế phạt hành chính mỗi người 2,5 triệu đồng.
Luật sư Trương Anh Tú. Ảnh: VTC |
Nhận định về mức phạt trong vụ việc nêu trên, Luật sư Trương Anh Tú - Trưởng VPLS Trương Anh Tú (Đoàn luật sư Tp. Hà Nội) cho rằng, Cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) không khởi tố vụ án về tội danh được quy định tại Điều 104 BLHS khi chưa có đơn yêu cầu khởi tố vụ án từ người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, hoặc trong trường hợp chưa có kết quả giám định thương tật là đúng theo quy định của pháp luật. Bởi, căn cứ theo khoản 7.2 Điều 7 Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP quy định: Những vụ án về các tội phạm quy định tại Khoản 1 các Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122, 131 và 171 của Bộ luật Hình sự chỉ được ra quyết định khởi tố vụ án khi đã có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 136 BLDS 2015 thì cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên. Như vậy, trong vụ việc trên khi chưa có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự của đại diện hợp pháp của bị hại để khởi tố vụ án theo khoản 1 Điều 104 BLHS thì phải có Kết luận giám định thương tật để có thể khởi tố vụ án theo các khoản khác của Điều 104 BLHS. Trong trường hợp này, phụ huynh không có đơn yêu cầu khởi tố vụ án và từ chối đưa con đi giám định thương tật nên không có cơ sở để CQCSĐT khởi tố vụ án hình sự.
"Trường hợp này, Cơ quan có thẩm quyền chủ động ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi ngược đãi trẻ em, cụ thể là hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em. Hành vi này có mức phạt tiền là từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng, căn cứ theo quy định tại Điều 27 khoản 2 điểm a Nghị định 144/2013/NĐ-CP. Đồng thời căn cứ theo Điều 27 khoản 4 Nghị định 144/2013/NĐ-CP thì người có hành vi bạo hành trẻ em còn phải chịu toàn bộ chi phí để khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em. Như vậy, căn cứ theo nội dung báo chí cung cấp hai cô giáo có hành vi bạo hành trẻ em chỉ chịu mức phạt vi phạm hành chính 2.500.000 đồng về hành vi “xâm phạm sức khỏe người khác” theo Nghị định 167/2013/NĐCP là chưa phù hợp, bởi trường hợp này phải căn cứ theo quy định tại Nghị định 144/2013/NĐ-CP để xử phạt về hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em" - Luật sư Tú phân tích.
Luật sư Lê Hồng Lam |
Đồng quan điểm với luật sư Trương Anh Tú về vấn đề không khởi tố vụ án, Luật sư Lê Hồng Lam - Trưởng Nhóm nghiên cứu cải cách Thủ tục hành chính - Liên đoàn Luật sư Việt Nam phân tích, trước hết, về trách nhiệm hình sự, ở đây việc Công An quận Hai Bà Trưng cho rằng, quá trình xác minh hành vi của hai cô giáo có dấu hiệu của tội "Hành hạ người khác", Tội danh và hình phạt được quy định tại điều 110 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên không truy cứu trách nhiệm hình sự là phù hợp bởi lẽ cơ quan điều tra phải xác định được việc đối xử tàn ác được lặp lại nhiều lần trong một khoảng thời gian dài. Do vậy, nếu quá trình xác minh chỉ xác định hành vi của hai cô giáo là bột phát, chỉ một lần duy nhất trong khoảng thời gian ngắn thì xử lý hành chính cũng đã là bài học đắt giá cho hai cô giáo cũng như cấp quản lý của trường và của các cô giáo mầm non khác.
Cơ quan chức năng cũng có thể điều tra theo hướng cố ý gây thương tích mà tội danh và hình phạt được quy định tại điều 104 Bộ Luật hình sự. Tuy nhiên việc gia đình từ chối giám định thương tích cũng như không đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng không có cơ sở để xử lý.
Còn về trách nhiệm dân sự, thì "việc dân sự cốt ở các bên", cho nên nếu bên bị thiệt hại chủ động không yêu cầu bên gây ra thiệt hại bồi thường thì cũng phù hợp. Bởi lẽ đây là ý chí của Bên bị thiệt hại, họ không yêu cầu thì cũng không tòa nào xử lý.
Trước đó, báo chí thông tin về clip dài hơn 2 phút ghi hình ảnh cô giáo mặc đồng phục in hình bông sen vàng dùng dép đánh vào đầu học sinh mầm non. Sau đó, sự việc được xác định là xảy ra vào ngày 08/1 tại trường Mầm non Sen Vàng, cơ sở 2 ở Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Chiều 6/2, đại diện Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng cho biết đã ra quyết định tạm dừng hoạt động của trường Sen Vàng. Trường cũng buộc thôi việc đối với 2 giáo viên liên quan vụ việc. Ngày 7/2, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng khẩn trương làm rõ việc. Tại cơ quan công an, hai cô giáo khai vì các bé khóc, đi ngoài ra quần nhiều lần nên dùng dép, vật cứng đập vào đầu, mặt và thúc đầu gối vào bụng học sinh. Sau quá trình điều tra, căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự, Công an quận Hai Bà Trưng ra Quyết định xử phạt hành chính với hai giáo viên về hành vi “Xâm hại đến sức khỏe của người khác” theo Nghị định 167/2013, mỗi người 2,5 triệu đồng. |