+Aa-
    Zalo

    Cô giáo mầm non dùng dép đánh vào mặt trẻ: Hình phạt có thích đáng?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Nếu sau quá trình điều tra, xét thấy vụ việc chưa đến mức phải xử lý hình sự, thì việc xử phạt cô hành chính 2,5 triệu đồng mỗi người là phù hợp với quy định.

    "Nếu sau quá trình điều tra, xét thấy vụ việc chưa đến mức phải xử lý hình sự, thì việc xử phạt cô hành chính 2,5 triệu đồng mỗi người là phù hợp với quy định" - ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc điều hành Công ty luật FDVN - Chi nhánh Huế nêu quan điểm.

    Liên quan vụ việc bạo hành với trẻ nhỏ xảy ra tại trường mầm non Sen Vàng (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), sau quá trình điều tra, hai cô giáo trường Sen Vàng là Đặng Thị Bình và Nguyễn Thị Hồng Ngát được công an xác định có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Do đó, mỗi cô giáo bị phạt hành chính 2,5 triệu đồng.

    Sau khi có thông tin về kết luận của cơ quan công an, nhiều ý kiến độc giả cho rằng, hình phạt trên đối với hai cô giáo mầm non là chưa thỏa đáng. Cùng với đó, độc giả cũng nêu thắc mắc rằng, trong trường hợp các phụ huynh từ chối đưa con đi giám định thương tích, không đề nghị xử lý hình sự, không yêu cầu bồi thường... thì các cô chỉ bị phạt hành chính 2,5 triệu đồng liệu có đúng luật?...

    Sau quá trình điều tra, mỗi cô giáo bị phạt hành chính 2,5 triệu đồng. Ảnh: VTC

    Trao đổi với phóng viên về những băn khoăn nêu trên, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc điều hành Công ty luật FDVN - Chi nhánh Huế cho biết, theo phản ánh của báo chí, thì hành vi bạo hành với học sinh của hai cô giáo mầm non Đặng Thị Bình và Nguyễn Thị Hồng Ngát có dấu hiệu của tội Hành hạ người khác theo quy định tại Điều 110 BLHS 1999 (Sửa đổi, bổ sung 2009).

    Giải đáp thắc mắc của độc giả về trường hợp các phụ huynh từ chối đưa con đi khám thương và giám định thương tích, họ cũng không đề nghị xử lý hình sự hai cô giáo, không yêu cầu bồi thường dân sự...  thì các cô chỉ bị phạt hành chính 2,5 triệu đồng có được coi là hình phạt hợp lý, ông Sơn đưa ra phân tích như sau:

    Thứ nhất, đây không phải là vụ án thuộc trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (Bộ luật tố tụng hình sự quy định một số vụ án về các tội phạm chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại) nên dù cho phụ huynh của các cháu bị bạo hành không đề nghị xử lý hình sự hai cô giáo nhưng nếu căn cứ vào các tình tiết của sự việc, nếu xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hai cô giáo.

    Thứ hai, do các phụ huynh không yêu cầu bồi thường về dân sự, nên vấn đề này không được xem xét. Tuy nhiên, nếu các phụ huynh có yêu cầu bồi thường dân sự thì thẩm quyền giải quyết cũng không thuộc về cơ quan công an vì đây là vấn đề dân sự. Các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

    Thứ ba, nếu sau quá trình điều tra, xét thấy vụ việc chưa đến mức phải xử lý hình sự, thì việc xử phạt cô hành chính 2,5 triệu đồng mỗi người là phù hợp với quy định tại điểm e, khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

    Trong trường hợp này, nếu chỉ do nhất thời nóng giận, không kiềm chế được bản thân nên hai cô giáo mới có các hành vi không đúng như nêu trên thì việc không xử lý hình sự là hợp lý, bởi lẽ để xử lý về tội hành hạ người khác thì thông thường hành vi hành hạ phải được lặp đi lặp lại kéo dài ít nhất từ 2 lần trở lên. Tuy nhiên, nếu quá trình điều tra chứng minh các hành vi đánh đập, hành hạ nêu trên kéo dài thì cần xử lý hình sự.

    "Cần phải nói thêm rằng, đây là hành vi vi phạm pháp luật cần phải lên án. Những đứa trẻ ngây thơ chưa đủ nhận thức về các hành vi của bản thân, vì vậy, khi đã chọn nghề này, các cô giáo mầm non phải đặt trái tim yêu thương vào từng hành động của mình. Do đó, tôi hi vọng rằng đây là một bài học để chúng ta hạn chế sự việc tương tự xảy ra" - ông Sơn cho biết thêm.

    Trước đó, báo chí thông tin về clip dài hơn 2 phút ghi hình ảnh cô giáo mặc đồng phục in hình bông sen vàng dùng dép đánh vào đầu học sinh mầm non. Sau đó, sự việc được xác định là xảy ra vào ngày 08/1 tại trường Mầm non Sen Vàng, cơ sở 2 ở Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

    Chiều 6/2, đại diện Phòng GD&ĐT quận Hai Bà Trưng cho biết đã ra quyết định tạm dừng hoạt động của trường Sen Vàng. Trường cũng buộc thôi việc đối với 2 giáo viên liên quan vụ việc.

    Ngày 7/2, UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản yêu cầu Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng khẩn trương làm rõ việc.

    Tại cơ quan công an, hai cô giáo khai vì các bé khóc, đi ngoài ra quần nhiều lần nên dùng dép, vật cứng đập vào đầu, mặt và thúc đầu gối vào bụng học sinh.

    Sau quá trình điều tra, căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự, Công an quận Hai Bà Trưng ra Quyết định xử phạt hành chính với hai giáo viên về hành vi “Xâm hại đến sức khỏe của người khác” theo Nghị định 167/2013, mỗi người 2,5 triệu đồng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/co-giao-mam-non-dung-dep-danh-vao-mat-tre-hinh-phat-co-thich-dang-a182454.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan