Một quan chức quân sự cấp cao của NATO nói rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào do ông Doanld Trump đàm phán, cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chiến thắng ở Ukraine, đều sẽ làm suy yếu lợi ích của Mỹ.
Cụ thể, trong một cuộc phỏng vấn bên lề hội nghị thượng đỉnh quốc phòng châu Âu tại Prague, Đô đốc Rob Bauer, chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO khẳng định, Mỹ sẽ không có lợi ích trong trường hợp nói trên.
"Điều quan trọng là phải nói về riêng Ukraine, nhưng có nhiều thứ bị đe dọa hơn là chỉ Ukraine", ông Rob Bauer nói.
Ông Trump từ lâu đã chỉ trích khoản viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine - ước tính hơn 100 tỷ USD kể từ tháng 2/2022, phần lớn là vũ khí và hỗ trợ quân sự.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nói rằng ông sẽ tìm ra giải pháp chấm dứt chiến tranh "trong vòng 24 giờ" nhưng không giải thích cách thức thực hiện. Ông cũng không loại trừ khả năng Ukraine có thể phải mất lãnh thổ.
Trong khi đó, Cựu tư lệnh NATO James Stavridis cho rằng ông Donald Trump có thể buộc Ukraine nhượng bộ một phần lãnh thổ để đổi lấy hòa bình với Nga.
"Tôi nghĩ ông Trump sẽ gây áp lực lên cả hai bên để ngồi vào bàn đàm phán", cựu đô đốc Mỹ James G. Stavridis, người từng giữ chức Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO tại châu Âu, nói trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm 9/11.
Theo ông Stavridis, trong trường hợp này, Nga sẽ giữ các vùng lãnh thổ mà Moscow đã kiểm soát ở Ukraine. Khi đó, "con đường tự do gia nhập NATO" của Ukraine sẽ được mở ra và Ukraine sẽ được NATO chấp thuận trong vòng 3-5 năm.
"Đó không phải là kết quả tồi tệ nhất trên thế giới và tôi nghĩ đó có thể là cách mọi chuyện kết thúc", cựu tư lệnh NATO nói thêm.
Ông Bryan Lanza, cố vấn cấp cao của ông Donald Trump khẳng định, chính quyền Tổng thống Trump sắp tới sẽ tập trung vào mục tiêu đạt được hòa bình, thay vì cung cấp cho Ukraine khả năng phản công trên chiến trường.
Trong tuyên bố hôm 24/10, ứng viên tranh cử chức phó tổng thống Mỹ J.D. Vance cho rằng cả Nga và Ukraine đều đã "kiệt sức" sau hơn 2 năm xung đột và đều đang tìm cách chấm dứt tình trạng xung đột bằng cách nào đó.
"Phó tướng" của ông Trump giải thích, để chấm dứt tình trạng xung đột, cả Moscow và Kiev sẽ phải có những nhượng bộ nhất định. Khi được hỏi liệu ông có tin rằng Ukraine sẽ rơi vào tình huống phải nhượng lại một số vùng lãnh thổ cho Nga hay không, ông Vance cho rằng đây có thể sẽ là một quyết định mà Kiev phải đưa ra.
Viện trợ quân sự của Mỹ là cực kỳ quan trọng đối với Ukraine. Do đó, các quốc gia châu Âu có thể sẽ phải vật lộn để tìm cách tiếp tục hỗ trợ cho Kiev mà không có Washington.
Theo bà Emma Salisbury tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Địa chiến lược ở Anh, chính phủ các nước châu Âu đã nhiều lần không chuẩn bị và duy trì khả năng phòng thủ của họ trong 30 năm qua. "Bất kể tương lai của Mỹ trong NATO như thế nào, các quốc gia thành viên khác cần nghiêm túc thực hiện việc phòng thủ của chính họ. Đã có rất nhiều cơ hội bị bỏ lỡ trong nhiều thập kỷ để giải quyết các vấn đề, và đầu tư đúng mức vào an ninh của châu Âu", bà Salisbury nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều lần khẳng định sẽ không thể thiết lập hòa bình cho đến khi tất cả các lực lượng Nga bị trục xuất và Moscow trả lại tất cả các lãnh thổ, bao gồm cả Crimea. "Kế hoạch chiến thắng" mà ông Zelensky đưa ra vào tháng trước vẫn duy trì điều khoản đó cũng như ý định gia nhập NATO.