Theo tin tức thời sự mới nhất trên Reuters, hàng trăm tình nguyện viên đã tham gia sự kiện "The Quest" - cuộc săn lùng quái vật hồ Loch Ness huyền thoại ở Scotland, kéo dài hai ngày 26-27/8. Ban tổ chức mô tả đây là cuộc tìm kiếm lớn nhất về “quái vật Nessie” trong vòng 50 năm qua.
Trung tâm Loch Ness đã hợp tác với nhóm nghiên cứu tình nguyện Loch Ness Exploration tổ chức cuộc tìm kiếm. Đơn vị này cho biết, họ sử dụng thiết bị khảo sát chưa từng được thử nghiệm tại hồ trước đây, bao gồm cả thiết bị tầm nhiệt không người lái.
Quái vật hồ Loch Ness được cho là một con quái vật thần thoại trong văn hóa dân gian Scotland. Ghi chép về việc con người có thể đã nhìn thấy một sinh vật to lớn tại hồ Loch Ness xuất hiện từ thời cổ đại. Tuy nhiên, phải đến năm 1993, câu chuyện về quái vật hồ Loch Ness mới được biết đến rộng rãi, sau khi báo chí Scotland đưa tin về ảnh chụp “quái vật thời tiền sử”.
Liên tục xuất hiện bằng chứng về sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness
Ngày 14/4/1933, vợ chồng nhà John Mackay chia sẻ họ lần đầu tiên nhìn thấy quái vật hồ Loch Ness. Theo lời kể, John Mackay và vợ ông đã nhìn thấy “cái gì đó như một con cá voi” khi họ đi xuống hồ nước ngọt tại một con đường gần đó.
Cả hai đã đặt tên cho quái vật này là Nessie. Vì không đủ bằng chứng để chứng minh, câu chuyện của họ bị gán mác lừa đảo, dù rằng những nhóm thám hiểm đã bắt đầu tìm đến khu vực này. Một chủ gánh xiếc thậm chí tuyên bố sẽ trả 30.000 USD (số tiền cực lớn lúc đó) cho bất cứ ai mang được con quái vật hồ Loch Ness còn sống đến gánh xiếc của ông.
Tới tháng 12/1933, trong lúc đi bộ từ nhà thờ về nhà, dọc theo phía bờ hồi Loch Ness, người đàn ông có tên Hugh Gray đã nhìn thấy một vật thể có kích thước tương đối lớn làm bắn nước tung tóe lên mặt hồ.
Telegraph cho biết, tin đồn về sự tồn tại của thủy quái tiếp tục lan rộng sau khi bức ảnh của Robert Wilson được công bố vào tháng 4/1934, trong đó con vật này được cho là xuất hiện trên mặt hồ với chiếc cổ dài ngóc lên.
Các bức ảnh do Lachlan Stuart chụp vào năm 1951 cho thấy nhiều bộ phận giống bướu nhô lên trên mặt hồ. Tuy nhiên theo tiết lộ của một học giả có tên Richard Frere, Stuart từng thú nhận rằng những gì ông nhìn thấy không phải điều gì bí ẩn, chúng không là gì khác ngoài những đám cổ khô.
Tới năm 1955, một quản lý ngân hàng có tên Peter MacNab cho biết đã chụp ảnh được một thứ gì đó có kích thước to lớn di chuyển trong hồ nước. Sau đó, sinh vật trông giống thằn lằn đầu rắn dường như ẩn hiện trong bức ảnh dưới nước được chụp vào năm 1972.
Thời điểm đó, các chuyên gia chia sẻ, câu chuyện về thủy quái hồi Loch Ness vẫn còn nhiều ẩn số. Nếu các thông tin được công bố là chính xác thì chúng có thể cung cấp đầu mối nghiên cứu quan trọng để nhận dạng quái vật mà lâu nay cả thế giới tò mò.
Cũng trong năm 1972, một hình ảnh khác cho thấy quái vật hồ Loch Ness đang di chuyển sang bên phải với một phần cơ thể giống bướu nhô lên khỏi mặt nước và miệng há.
Sau đó, một người có tên là Anthony Shiels tuyên bố chụp được bức ảnh này khi đang cắm trại ở gần lâu đài Urquhart năm 1977. Tuy nhiên, nỗ lực chứng minh cho sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness bị coi là giả mạo.
Năm 2007, Gordon Holmes - một kỹ thuật viên của phòng thí nghiệm tiếng Anh tuyên bố có bằng chứng thuyết phục nhất về sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness huyền thoại. "Tôi không thể tin vào mắt mình khi nhìn thấy một thứ màu đen, dài khoảng 14 m, đang di chuyển nhanh trong nước", ông kể lại.
Hình ảnh được ghi lại từ Google Earrth năm 2009 cũng cho thấy sự tồn tại của Nessie, dù có ý kiến cho rằng đây có thể là một chiếc du thuyền bình thường. Đến năm 2011, cũng trên Google Earth, Bob Rines - một thợ săn nổi tiếng người Mỹ kể lại tường tận lần giáp mặt của mình với quái vật hồ Loch Ness. Tuy nhiên, Bob cũng cho rằng sự biến đổi khí hậu cũng như sự tò mò săn lùng của con người đã giết chết con quái vật này.
Là một trong những người vô cùng say mê với việc săn lùng quái vật hồ Loch Ness, ông Steve Feltham (người Anh) đã bỏ ra gần 25 năm “ăn bụi nằm bờ” cạnh hồ để tìm ra điều bí ẩn. Sau nhiều công sức, người đàn ông cuối cùng chỉ thu được bằng chứng cho thấy con quái vật thời tiền sử tại hồ Loch Ness thực chất là một con cá da trơn, dài 4m, có phần lưng dài uốn cong.
Kết luận của ông Feltham ít nhiều đã khiến các nhà thám hiểm, nhà cổ sinh vật học nản lòng nhưng không ngăn được dòng du khách Âu - Mỹ đổ về hồ nước huyền thoại, với hy vọng một ngày nào đó được nhìn thấy từ sâu dưới đáy hồ bất ngờ ngoi lên “một con quái vật”.
Vào lúc ông Feltham kết thúc cuộc phiêu lưu 25 năm, một nhóm các nhà khoa học New Zealand cùng các nhà khoa học Anh, Đan Mạch, Mỹ, Australia và Pháp tới hồ Loch Ness để thu thập mẫu nước trong hồ với hy vọng tìm được điều gì đó về sinh vật bí ẩn này.
Giáo sư Neil Gemmell – người dẫn đầu nhóm nghiên cứu nói nếu dưới hồ Loch Ness thật sự có con quái vật mà cả ngàn người tuyên bố đã nhìn thấy, hẳn nó sẽ để lại các mẩu da, vảy hoặc chất thải và họ sẽ lấy được mẫu ADN của nó. Nếu thành công thì đó sẽ là cơn địa chấn mang tính thời đại.
Gần đây nhất, ngày 19/9/2022, Eoin O’Fagan (57 tuổi) – tay máy chuyên săn ảnh quái vật cho biết mình đang nắm giữ 2 video ghi lại hình ảnh quái vật hồ Loch Ness. Trao đổi với Daily Star, O’Fagan cho biết 2 video đó được trích từ dữ liệu webcam đặt ngay tại hồ Loch Ness, chuyên dùng để quan sát vùng nước này cũng như theo dõi một loại "quái vật" có biệt danh là Nessie.
Hình ảnh ghi lại cho thấy thủy quái giống hình thù một con lươn khổng lồ di chuyển chậm rãi trên mặt nước. Những chia sẻ của O’Fagan một lần nữa dấy lên tin đồn về quái vật hồ Loch Ness.
Quái vật hồ Loch Ness có thật hay không?
Rất nhiều chuyên gia đã tìm cách chứng minh hoặc bác bỏ sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness. Theo thông tin trên tờ Metro, nổi bật nhất có lẽ là hành trình nghiên cứu lớn nhất lịch sử do BBC thực hiện vào năm 2003. Họ sử dụng 600 máy phát siêu âm và công nghệ dò tìm từ vệ tinh để khám phá lòng hồ nhưng không phát hiện bất cứ dấu hiệu nào của quái vật.
Nhiều nghiên cứu được thực hiện sau đó cũng cho kết quả tương tự. Để giải thích cho hơn 1.000 trường hợp quả quyết đã nhìn thấy Nessie, các chuyên gia cho biết đa số có lẽ đã nhầm con quái vật với các loài vật to lớn khác, thậm chí là các thân gỗ trôi giữa dòng. Khi nhìn từ xa, những con lươn cỡ lớn, hải ly, đôi khi là hươu nai đang bơi cũng có thể bị nhìn nhầm. Ngoài ra, hiệu ứng từ gió cũng làm khả năng quan sát kém đi.
Ở một diễn biến khác, sau lời khẳng định chắc nịch của O’Fagan, các nhà nghiên cứu của Đại học Otago (New Zealand) tuyên bố họ đã tìm kiếm và phát hiện khoảng 3.000 mẫu DNA ở hồ Loch Ness. Tuy nhiên, các mẫu DNA này đều thuộc về các loại các loại sống dưới nước và trên bờ trong khu vực, có nghĩa họ không tìm thấy DNA của quái vật hay khủng long.
Thế nhưng, đại diện nhóm nghiên cứu không loại bỏ giả thuyết lươn ở hồ Loch Ness đã đạt đến kích cỡ khổng lồ, dù chưa từng có con lươn kích thước khủng nào bị bắt.
XEM THÊM: Hàng trăm tình nguyện viên có mặt tại cuộc săn lùng quái vật hồ Loch Ness
Hàng trăm người đổ về hồ Loch Ness để chuẩn bị săn tìm quái vật bí ẩn
Nhóm nghiên cứu khác của Đại học Otago do Giáo sư Neil Gemmell dẫn đầu lại cho rằng, quái vật hồ Loch Ness không phải là con lươn sống lâu phát triển đến mức khổng lồ mà là một con thằn lằn đầu rắn (plesiosaur) có thể sống sót qua đợt tuyệt chủng của loài khủng long. Được biết, plesiosaur là nhóm bò sát biển cổ dài được tìm thấy dưới dạng hóa thạch từ cuối kỷ Tam điệp đến cuối kỷ Phấn trắng, 215 triệu đến 66 triệu năm trước.
Tính đến nay, đã có hơn 1.000 báo cáo chính thức về các kết quả nghiên cứu quái vật hồ Loch Ness. Có thể thấy, tới thời điểm hiện tại, tồn tại hai nghi vấn lớn nhất về quái vật hồ Loch Ness. Nghi vấn đầu tiên cho rằng đó là một loài lươn khổng lồ, có khả năng chui rúc trong những lớp bùn đầy thán khí dưới đáy hồ.
Nghi vấn thứ hai lại nhận định, chúng đúng là quái vật, là hậu duệ của một loài quái thú vốn sống trên cạn đã bị tuyệt chủng trong kỷ Phấn trắng. Do một sự ngẫu nhiên nào đó mà chúng thoát nạn diệt vong. Vì thế, chúng có hình dạng của loài khủng long với chiếc cổ cao và những khối u trên lưng, được một số người gọi là “thằn lằn đầu rắn”.
Loch Ness vốn là hồ nước ngọt lớn được bao quanh bởi các thành phố ven biển Fort Augustus, Invermoriston, Drumnadrochit, Abriachan, Lochend, Whitebridge, Foyers, Inverfarigaig và Dores của Scotland. Nơi sâu nhất của hồ tới 240 mét, khiến nó trở thành hồ nước ngọt khó thám hiểm. Vì thế, nhiều người cho rằng rất có thể có những loài thủy quái ẩn thân.
Tổng chiều dài của hồ Loch Ness lên tới 37 km. Bề mặt cao hơn mực nước biển 16 mét và nằm dọc theo đứt gãy Great Glen với nhiều dữ liệu địa chất cho rằng hồ này đã 700 triệu năm tuổi. Do sự tồn tại của đứt gãy này xuyên qua bề mặt hồ, từ năm 1768 - 1906, có tới 56 trận động đất đã được ghi nhận.
Nhiệt độ trung bình của hồ Loch Ness là 5,5 độ C và hồ chưa từng bị đóng băng bất chấp mùa đông lạnh giá ở Scotland. Lưu vực hồ Loch Ness lên đến 1.800km2, kết nối với hồ Oich. Ở phía đông, với nhiều nhánh để cuối cùng dẫn đến sông Ness, rồi lại chia ra hai nhánh lớn khác là Beauly Fjord và Moray Fjord.
Hồ Loch Ness có rất ít hệ thực vật trong nước do sự lên xuống thường xuyên của mực nước. Vì thiếu thực ăn nên các loài tôm cá cũng khá nghèo nàn, chủ yếu chỉ có các loài lươn, cá pike, cá tầm, cá trê và một ít lượng cá hồi. Đáy hồ có hàm lượng than bùn cao từ đó có hàm lượng carbon cao.
Do hồ này có điều kiện sinh sống kém như vậy, người ta cho rằng nhiều khả năng có những loài thủy quái còn sót lại từ thời tiền sử vì chỉ có chúng mới vượt qua được môi trường khắc nghiệt. Tất nhiên, những loài thủy quái này không thể tồn tại hàng triệu năm nhưng đã kịp để lại hậu duệ mà gen di truyền được sàng lọc cho phép sống được trong những lớp bùn dày đầy carbon.
Theo chia sẻ của các nhà khoa học, ở những nơi thâm u, điều kiện sống khắc nghiệt lại là nơi ẩn giấu những sinh vật kỳ lạ, kể cả quái thú. Bằng chứng rõ nhất là trong những khu rừng mưa Amazon, tới nay người ta vẫn tiếp tục phát hiện những loài mới như loài lươn biết tự phóng điện giết chết con mồi, cá biết trèo cây săn mồi…
Trong những dòng sông lớn, những loài cá khổng lồ có tuổi thọ lên đến hơn trăm năm cũng được phát hiện. Vậy nên, dù đến nay vẫn chưa có bằng chứng xác thực nào về sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness nhưng người ta cho rằng, với một hồ nước vĩ đại và bí ẩn như vậy, có nhiều điều chưa được khám phá, không nên vội vã loại trừ khả năng tồn tại quái vật trong hồ.
Đinh Kim(T/h)