Hạt táo chứa một hợp chất hóa học có tên amygdalin – một phần của hệ thống phòng thủ hóa học của hạt giống. Hợp chất này vô hại khi một hạt còn nguyên vẹn, tuy nhiên, nếu hạt giống bị hư hỏng, nhai, nghiền nát hoặc tiêu hóa, amygdalin bị phân hủy thành hydrogen cyanide - chất rất độc, thậm chí gây chết người ở liều cao.
Amygdalin tồn tại với số lượng tương đối cao trong hạt trái cây thuộc họ rosaceae, bao gồm táo, hạnh nhân, quả mơ, đào và anh đào. Trong lịch sử, cyanide từng được sử dụng như một chất độc. Theo Medical News Today, nó hoạt động bằng cách can thiệp vào nguồn cung cấp oxy của tế bào và liều cao có thể dẫn đến tử vong trong vòng vài phút.
Vô tình ăn một hoặc hai hạt sẽ không có hại vì cơ thể có thể xử lý liều lượng nhỏ cyanide. Dù vậy, việc này vẫn có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe như chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và đau bụng. Nếu đã nuốt nhiều hạt táo thì bạn nên đi khám ngay lập tức.
Một đánh giá vào năm 2015 cho thấy hàm lượng amygdalin trong 1g hạt táo dao động trong khoảng 1-4mg, tùy thuộc vào loại táo. Tuy nhiên, lượng cyanide có nguồn gốc từ hạt thấp hơn nhiều. Một liều hydrogen cyanide gây chết người có thể vào khoảng 50 – 300 mg.
1g hạt táo nghiền nát hoặc nhai có khả năng giải phóng 0,6 mg hydrogen cyanide. Điều này có nghĩa là một người sẽ phải ăn 83 – 500 hạt táo để phát triển ngộ độc cyanide cấp tính.
Theo John Fry, chuyên gia tư vấn về khoa học thực phẩm, khoảng 1mg cyanide trên mỗi kg trọng lượng cơ thể sẽ giết chết một người trưởng thành. Mỗi kg hạt táo chứa khoảng 700mg cyanide. Do đó, khoảng 100g hạt táo sẽ đủ để giết chết một người trưởng thành nặng 70kg. Một hạt táo nặng trung bình 0,7g nên một người sẽ phải nhai đến 143 hạt mới có thể tử vong.
Nếu nuốt cả hạt táo mà không nhai nát thì bạn không cần quá lo lắng. Trong trường hợp này, lớp vỏ sẽ bảo vệ hạt khỏi các enzyme tiêu hóa và hạt táo có thể đi qua hệ tiêu hóa mà không bị tiêu hóa. Dù vậy, bạn vẫn nên loại bỏ hạt trước khi đưa táo cho trẻ nhỏ hoặc vật nuôi, theo Medical News Today.
Một số lưu ý khi ăn táo
Người bị đau bụng kinh không nên ăn táo
Một số chị em có thể trạng yếu, hay bị lạnh và đau bụng trong những ngày “đèn đỏ”. Trong thời gian này, kể cả những người khỏe mạnh cũng không nên ăn hoa quả có tính hàn. Táo, nhất là táo xanh, có vị chua khiến tình trạng đau bụng thêm trầm trọng.
Không ăn táo với hải sản
Táo chứa axit tannic, nếu ăn kèm với hải sản sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của protein, có nguy cơ gây đau bụng, buồn nôn và nôn. Điều tương tự cũng xảy ra với với các loại quả chứa tannin khác như dâu tây, hồng, lựu, chanh, nho.
Nếu muốn ăn táo cả vỏ, bạn chú ý chọn táo được đóng trong bao, túi. Vỏ loại táo này sạch hơn, ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, thuốc trừ sâu và thuốc bảo quản. Bề mặt táo tươi và có lớp sáp tự nhiên, nếu vỏ quả bóng thì nên gọt vỏ trước khi ăn.
Có thể gọt vỏ sau đó ngâm táo vào nước muối, để táo không bị thâm đen. Mùa thu là thời điểm sử dụng táo an toàn nhất vì đây là mùa táo, ít bị sử dụng thuốc bảo quản.
Đinh Kim (T/h)