+Aa-
    Zalo

    “Quả đấm thép” và ba nguyên tắc đập tan các băng nhóm giang hồ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Để tìm hiểu ngọn nguồn của sự lộng hành của các băng nhóm này, PV đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn Tội phạm học, khoa Luật Hình sự, trường đại học Luật TP.HCM.

    (ĐSPL) - Tình hình hoạt động "liên tỉnh" bành trướng của các băng nhóm tội phạm đang khiến dư luận hoang mang. Để tìm hiểu ngọn nguồn của sự lộng hành của các băng nhóm này, PV đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn Tội phạm học, khoa Luật Hình sự, trường đại học Luật TP.HCM.

    “Quả đấm thép” và ba nguyên tắc đập tan các băng nhóm giang hồ

    Tiến sỹ Lê Nguyên Thanh, Trưởng bộ môn Tội phạm học, khoa Luật Hình sự, trường đại học Luật TP.HCM.

    Triệt phá từ trong trứng nước

    Thưa ông, thời gian gần đây, nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động tinh vi với việc gây án liên tỉnh với phương thức, thủ đoạn rất nghiêm trọng khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát. ông có nhận định như thế nào về vấn đề này?

    Các băng nhóm tội phạm hoạt động một nơi, gây án một nơi là để mở rộng địa bàn, chứng minh uy thế của chúng. Ở địa bàn hoạt động hay tranh giành lãnh địa của nhau đến một lúc nào đó lớn mạnh, chúng sẽ "vươn vòi bạch tuộc" sang tỉnh khác để kiếm ăn. Thậm chí khi băng đảng đã lớn mạnh chúng còn có thể "vươn vòi" ra quốc tế để hoạt động tội phạm. Việc qua địa bàn khác hoạt động manh động của các nhóm đối tượng thể hiện xu hướng bành trướng, nhằm chứng tỏ sự phát triển quyền lực là một băng nhóm lớn mạnh, nhưng thông thường việc thể hiện này của các đối tượng không vướng phải một trận huyết chiến thì cũng khó thoát khỏi cơ quan bảo vệ pháp luật.

    Các băng nhóm tội phạm gần đây thường đóng địa bàn hoạt động ở một tỉnh cố định, nhưng lại tổ chức gây án ở một tỉnh khác, vậy thẩm quyền xử lý thuộc về nơi nào thưa ông?

    Nếu băng nhóm lập địa bàn hoạt động ở tỉnh này, nhưng lại gây án ở tỉnh khác thì thẩm quyền khởi tố điều tra thuộc về địa phương nơi các đối tượng gây án, việc này được thực thi theo Điều 110 Bộ luật Hình sự. Cơ quan chủ trì việc điều tra là nơi xảy hành vi vi phạm pháp luật, ngoài ra còn có sự phối hợp điều tra của đơn vị nơi các đối tượng cư trú để xác minh nhân thân, thời gian hoạt động, hành vi phạm tội... Thậm chí nếu các đối tượng trong băng nhóm hoạt động phạm tội ở nhiều tỉnh thì cơ quan chủ trì việc bắt sẽ liên hệ với cơ quan chức năng các tỉnh tiến hành điều tra làm rõ.

    Băng nhóm tội phạm có địa bàn hoạt động ở tỉnh này nhưng lại gây án ở tỉnh khác có gây khó khăn gì cho cơ quan chức năng hay không thưa ông?

    Việc tội phạm hoạt động có tổ chức cũng có thể gây án ở địa bàn chúng hoạt động. Bởi, thông thường khi quy tụ nhiều tay tội phạm để hoạt động có tổ chức thì các băng nhóm phải va chạm, thanh toán lẫn nhau để chứng tỏ quyền lực rồi. Còn việc các băng nhóm rời khỏi địa bàn hoạt động để đến một tỉnh khác gây án thường gây khó khăn trong công tác phát hiện tội phạm. Chúng có thể xuất hiện thần tốc ở tỉnh khác để gây án rồi bỏ trốn đến nơi khác nữa khiến cơ quan điều tra khó tìm tung tích, dấu vết của chúng. Tuy vậy, nếu cảnh sát khu vực, chính quyền địa phương nắm bắt tốt địa bàn thì việc xuất hiện các đối tượng tội phạm lui tới những tụ điểm trên địa bàn không có gì khó nắm bắt, trừ trường hợp lơ là, chủ quan trong công tác nắm địa bàn.

    Cần phải triệt tiêu nguồn cung vũ khí

    Trước sự tinh vi, bành trướng của các băng nhóm tội phạm mới nổi, ông có đề xuất gì trong phương pháp phòng chống loại tội phạm này?

    Trước đây có nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động bành trướng, lớn mạnh nhưng cuối cùng cũng bị triệt phá. Các băng nhóm nổi lên sau này không những không lấy đó làm gương mà còn hoạt động tinh vi, bành trướng hơn. Cụ thể tội phạm có tổ chức, trang bị vũ khí, sẵn sàng liều lĩnh manh động. Tội phạm có tổ chức là tình tiết tăng nặng khi xử.

    Có ba cách cơ bản để phòng ngừa loại tội phạm này là: Thứ nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật hình sự. Thứ hai, cơ quan tiến hành tố tụng cũng thành lập những chuyên án lớn để điều tra phá án. Ở những thành phố lớn thì sự bành trướng của tội phạm mang tầm cao hơn, đây là nhóm tội phạm được ưu tiên hàng đầu trong công tác phá án của lực lượng chức năng. Thứ ba, bên cạnh hai hoạt động nỗ lực trên, thì còn có biện pháp phòng ngừa. Đó là vai trò không chỉ của công an, đoàn thể mà còn là của mỗi cá nhân trong quần chúng nhân dân. Huy động sức dân vào việc phát hiện tội phạm để triệt phá ngay từ thuở ban sơ các băng nhóm mới hình thành chứ không phải để chúng phát triển lớn mạnh, manh động, chống trả rồi mới triệt phá được thì gây thiệt hại lớn.

    Vụ việc băng nhóm giang hồ Bình Dương gây án và chống trả lực lượng Công an ở Bỉnh Thuận đang gây chấn động dư luận mấy ngày qua. ông có nhận định gì về nhóm tội phạm này?

    Thực ra những băng nhóm này có bản tính côn đồ, không được giáo dục mà được phát triển một cách tự phát đua đòi thói ăn chơi xấu. Các đối tượng trong vụ trên quá liều lĩnh, manh động bằng việc dùng súng chống người thi hành công vụ một cách táo tợn. Điều đáng nói là những người trẻ ở băng nhóm này luôn trang bị vũ khí cho thấy tâm thế phạm tội luôn thường trực trong tâm trí họ.

    Xu hướng phạm tội của các đối tượng này đã được hình thành từ một quá trình tiếp cận những luồng văn hóa không lành mạnh, phát triển ổn định trong tâm trí chúng nên việc đánh nhau được chúng đón nhận dễ dàng. Thậm chí việc đánh nhau còn được những đối tượng này mong muốn, cố tình tạo tình huống để được đánh nhau, điều này rất nguy hiểm. Có một điều nữa là việc mua vũ khí của tội phạm tương đối dễ dàng trong khi cơ quan chức năng quản lý chưa ổn nên chúng vẫn hoạt động bành trướng, coi trời bằng vung.

    Xin cảm ơn ông!

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/qua-dam-thep-va-ba-nguyen-tac-dap-tan-cac-bang-nhom-giang-ho-a51845.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan